Hà Tuyên - tự hào những năm tháng chia ngọt, sẻ bùi
BHG - Đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 27.2.1975, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết về việc hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành một tỉnh mới, lấy tên là Hà Tuyên. Tháng 1.1976, tỉnh Hà Tuyên chính thức đi vào hoạt động. Thời gian 16 năm hợp nhất, từ 1976 – 1991, Hà Tuyên thực sự là một cái tên đầy Anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Thời gian không dài, nhưng hai từ Hà Tuyên đã để lại rất nhiều ký ức tự hào. Trong giai đoạn này, 2 thị xã Hà Giang và Tuyên Quang đã lần lượt chia sẻ nhiệm vụ là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của tỉnh. Dòng sông Lô và tuyến QL 2 Hà Giang – Tuyên Quang là nhịp nối giữa 2 tuyến tiền phương phía Bắc và hậu phương phía Nam của tỉnh.
Cầu Yên Biên I bắc qua sông Lô, cây cầu được xây dựng trong thời kỳ hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. |
Đặc biệt, thời kỳ hợp nhất Hà Tuyên là khi đất nước mới bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đời sống KT – XH của cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau gần 4 năm hợp nhất, trong khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tuyên đang nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế thì điều không mong chờ đã xảy ra. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc dai dẳng và khốc liệt gần chục năm đã khiến Hà Tuyên là một trong những địa bàn thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là giai đoạn mà tinh thần chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổ quốc của quân - dân Hà Tuyên đã được cả nước ghi nhận.
Thời kỳ Hà Tuyên trở thành một thời kỳ đầy tự hào. Tác giả Xuân Phong, Báo Hà Tuyên từng bình luận trong bài viết “Chia để mạnh” đăng trên số báo Hà Tuyên cuối cùng, ra ngày 30.9.1991: “Gần 16 năm hợp nhất, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã chung lưng, đấu cật; máu trộn mồ hôi, vượt qua biết bao thử thách trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hòa bình. Xây dựng các huyện phía Nam luôn là hậu phương trực tiếp, là chỗ dựa cho tuyến I Hà Giang; các huyện phía Bắc đã luôn là phên dậu vững chắc, là tiền tuyến Anh hùng”.
Thành phố Tuyên Quang ngày nay . Ảnh: Ma Ngọc Hưng (Báo Tuyên Quang) |
Trong quá trình 16 năm hợp nhất ấy, chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đó là hợp lại để mạnh hơn. Từ đó, hai địa phương đã bổ sung cho nhau nhân vật lực, tài và trí lực, chia ngọt, sẻ bùi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận sự hy sinh to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân - dân Hà Tuyên, Đảng và Nhà nước đã quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh Hà Tuyên, đồng thời thưởng danh hiệu này và danh hiệu Anh hùng Lao động cho 7 đơn vị và 1 cá nhân của tỉnh.
Hà Tuyên đã trở thành địa phương Anh hùng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; đó là một nhiệm vụ kế thừa từ lịch sử ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta. Thành quả trong công cuộc xây dựng KT – XH, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Anh hùng ấy cũng chính là kết quả của sức mạnh hợp nhất hai tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang.
Đại hội VI – 1986 của Đảng đề ra đường lối đổi mới đất nước, đồng thời cũng mở ra một thời kỳ mới của mảnh đất Hà Tuyên. Nhiệm vụ mới được đặt ra, như cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Võ Chí Công từng nói với cán bộ và nhân dân các dân tộc Hà Tuyên trong dịp về thăm năm 1991. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, khẳng định: Thực hiện đường lối đổi mới từ Đại hội VI, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Tuyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng. Điều đáng mừng nhất là Đảng bộ đoàn kết, giữ vững được truyền thống cách mạng; các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên bằng việc làm thật sự chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và nguyện vọng của cán bộ, nhân dân về việc chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang nhằm phát huy được mọi tiềm năng của từng địa phương, đẩy mạnh sản xuất, phát triển KT – XH, chăm lo nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.
Mỗi người dân Hà Tuyên sẽ nhớ mãi sự kiện ngày 12.8.1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định về việc chia tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang. Hà Giang được tái lập gồm 10 huyện, thị với diện tích 7.831 km2, dân số trên 461 ngàn người. Đảng bộ 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang được tái lập từ tháng 9 và đến đầu tháng 10.1991 chính thức đi vào hoạt động.
Nói về sự tái lập này, Báo Hà Tuyên trong số cuối cùng của mình xúc động viết: “Tháng 10, chúng ta chia tay để trở về với tên cũ ngày xưa. Hà Giang, Tuyên Quang thành hai tỉnh. Nhưng QL 2 và dòng Lô vẫn liền mạch từ Tuyên Quang đến Hà Giang. Năm tháng đã qua đi, nhưng những kỷ niệm tốt đẹp trong ta có bao giờ phai nhạt. Có thể hôm nay có ai đó chưa bằng lòng về điều này, điều nọ, còn băn khoăn về những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng, những thành quả của 16 năm hợp nhất là không có gì phủ định được. Tỉnh đã tách, nhưng mây trời chẳng tách, lòng người không chia. Hà Tuyên thân thương vẫn là lời nhắn nhủ mỗi chúng ta hãy giữ vững truyền thống quê hương hợp nhất tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau, làm cho Hà Giang – Tuyên Quang đều mạnh lên về mọi mặt”.
Có thể khẳng định, 16 năm hợp nhất, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên cùng đoàn kết bên nhau, trải qua biết bao thử thách, hy sinh. Từ đó, đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học lớn nhất trở thành truyền thống, tạo nên niềm tin, sức mạnh là đoàn kết, thủy chung son sắt trong toàn Đảng, toàn dân. Sau 25 năm chia tách, truyền thống đoàn kết, thủy chung vẫn mãi là niềm tin, giá trị to lớn trong hành trang của Hà Giang và Tuyên Quang trong sự nghiệp xây dựng mỗi tỉnh ngày càng vươn lên giàu mạnh.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc