Hà Giang - Tuyên Quang trong mối liên kết phát triển
BHG - Ngày ông Phạm Đình Dy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên giai đoạn 1986-1991 còn sống; tôi đã đôi lần có vinh hạnh được gặp, trò chuyện khi ông lên Hà Giang tham dự các sự kiện lớn do tỉnh tổ chức. Với tâm thế người đi sau, muốn tìm hiểu một giai đoạn lịch sử tuy ngắn nhưng hào hùng; đôi lần được nghe ông khái quát về quãng thời gian 15 năm hình thành, phát triển tỉnh Hà Tuyên; từ 1976 -1991 thực sự là một ký ức đẹp đối với những người dân Hà Giang - Tuyên Quang được sống, làm việc, cống hiến trong thời kỳ đó. Và thế hệ những công dân trẻ của mảnh đất Hà Giang - Tuyên Quang chúng tôi hôm nay luôn tự nhủ phải biết trân trọng, gìn giữ và có trách nhiệm vun đắp, tiếp nối truyền thống vẻ vang, tự hào của một thời Hà Tuyên.
Cái tên Hà Tuyên chính thức xuất hiện từ tháng 4 năm 1976. Địa danh này được hình thành trên cơ sở sát nhập 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang. Thời kỳ này, đất nước vừa thống nhất, non sông thu về một mối; nhưng đời sống người dân cả nước nói chung, 2 tỉnh miền núi Hà Giang -Tuyên Quang nói riêng hết sức khó khăn. Ngay từ khi sát nhập, Đảng bộ Hà Tuyên đã tập trung chỉ đạo toàn dân đẩy mạnh sản xuất cây lương thực và hoa màu; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế không ngừng được chăm lo, phong trào xóa mù chữ, cải cách giáo dục duy trì thường xuyên, số trường lớp, học sinh tăng lên qua từng năm - cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên Phạm Đình Dy nói. Trong những ngày tìm tư liệu viết bài, chúng tôi đã gặp, trao đổi với nhiều cán bộ thời Hà Tuyên hiện đang sinh sống tại Hà Giang - Tuyên Quang. Các bác đều khẳng định, qua 4 kỳ Đại hội, Đảng bộ Hà Tuyên đã có sự phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng bộ, nhân dân Hà Tuyên đã phấn đấu gian khổ, bền bỉ trước những khó khăn, thử thách của bước chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới; từ nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên.
Năm 1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII quyết định chia tách Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang. Hà Giang được tái lập với xuất phát điểm của một địa phương nghèo nhất nước, đời sống nhân dân rất khó khăn, đặc biệt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp nhưng sản lượng hàng hóa rất ít, các ngành sản xuất, kinh doanh như công nghiệp sơ sài, lạc hậu. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều cán bộ Hà Tuyên đã xung phong lên Hà Giang làm việc; có người trong số đó đã và đang đảm nhiệm các trọng trách quan trọng trong cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cho sự phát triển mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc; họ còn đang tích cực vun đắp, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa Hà Giang - Tuyên Quang hôm nay.
Sau 25 năm tái lập, Hà Giang đang vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế một vùng đất đầy năng động, chủ động hội nhập và phát triển nơi biên giới cực Bắc của Tổ quốc. Nhiều cán bộ lão thành, cán bộ thời Hà Tuyên về nghỉ hưu, sinh sống tại Tuyên Quang, khi có dịp lên thăm đều ngỡ ngàng trước sự thay đổi của Hà Giang hôm nay. Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang tích cực thi đua lao động, sản xuất, lập nhiều thành tựu trên các lĩnh vực để chào mừng 125 năm Ngày thành lập và 25 năm tái lập tỉnh. Dưới ánh sáng của Đảng, đường hướng phát triển đã mở, tỉnh ta đang thực hiện một loạt đổi mới nhằm biến khó khăn thành lợi thế, thành cơ hội phát triển, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tổng sản phẩm trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8% trở lên; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 50 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42 vạn tấn...
Tại Đại hội lần thứ XVI, Đảng bộ tỉnh ta xác định mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu 5 năm 2015-2020: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, thực hiện XĐGN bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch và trọng điểm Quốc gia về dược liệu; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ quyền Quốc gia được giữ vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; phấn đấu xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.
Trên cơ sở đó, tỉnh ta chọn 2 khâu đột phá: Đột phá về nâng cao chất lượng công vụ và xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững; đột phá về ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất. Và 5 chương trình trọng tâm gồm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới; phát triển dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo; phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững; phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP-AN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm... Qua hơn nửa đầu năm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH được hiện thực hóa theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tiếp tục gặt hái nhiều thành quả, nhiều lĩnh vực có sự tăng trưởng cao; một loạt các doanh nhân Trung Quốc, Nhật Bản đã đến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư; nhiều tập đoàn mạnh sẽ triển khai các dự án đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn trong thời gian tới.
Cùng với Hà Giang, người anh em Tuyên Quang cũng đang vươn lên mạnh mẽ, sự kết hợp những yếu tố anh dũng, kiên cường, bất khuất của vùng quê giàu truyền thống cách mạng với tư duy đổi mới, mở cửa thời hội nhập đang giúp Tuyên Quang trở thành điểm sáng trong phát triển KT-XH. Thành phố trẻ Tuyên Quang được quy hoạch, đầu tư khang trang, hiện đại; đời sống của nhân dân được nâng lên, tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.368 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,7%. Đến nay, Tuyên Quang hoàn toàn tự hào đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Thời gian tới, Tuyên Quang tập trung mở rộng liên kết để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế; tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững; phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ...
Hà Giang - Tuyên Quang, hai địa phương giàu truyền thống cách mạng, có nhiều lợi thế phát triển, có những nét tương đồng. Những thế mạnh trong phát triển du lịch, công nghiệp, khai thác tài nguyên khoáng sản,... đã và đang mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa hai địa phương.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc