Hà Giang kiên trung, vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc

09:32, 19/08/2016

 

BHG - Hà Giang – vùng đất biên cương nơi địa đầu cực Bắc của tổ quốc, nơi được biết đến với  với những khó khăn chồng chất do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng đói nghèo và lạc hậu… Vượt lên tất cả, 19 dân tộc anh em luôn đồng tâm sát cánh, phát huy tinh thần đoàn kết, ý trí kiên cường bám trụ trên vùng đất phên dậu tổ quốc, dũng cảm chiến đấu với giặc ngoại xâm, chung tay vượt khó để cùng viết tiếp những trang sử vàng truyền thống, hào hùng.

Nối dài trang sử vẻ vang

Ngày 20 – 8 – 1891, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Hà Giang. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, đồng bào các dân tộc Hà Giang luôn có một điểm chung đáng quý đó là, dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng luôn phát huy được tỉnh thần đoàn kết cộng đồng, dũng cảm đấu tranh với giặc ngoại xâm, quyết tâm vượt khó, tạo nên sức sống mãnh liệt nơi địa đầu tổ quốc.

Ngày 25 – 12 – 1945, Hà Giang giải phóng, Đảng bộ, chính quyền cách mạng được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn tỉnh tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện cuộc cải cách dân chủ, xóa bỏ áp bức, bóc lột của địa chủ phong kiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên xung phong lên đường ra mặt trận, hạng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, dân công hỏa tuyến với hàng triệu ngày công đóng góp cho chiến trường, Hà Giang góp phần cùng cả nước giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Năm 1976, hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đây là thời kỳ đất nước mới thống nhất còn gặp nhiều khó khăn, tiếp đó là thời kỳ nhân dân các tỉnh biên giới đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ Quốc gia. Trên tuyến lửa, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân sáu huyện biên giới (thuộc tỉnh Hà Giang ngày nay) kiên cường bám trụ, không ngại gian khổ, hy sinh đập tan sự bành chướng xâm lược, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1991, tỉnh Hà Tuyên chia tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, những năm đầu tái lập tỉnh, điều kiện cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang, cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, từng bước đưa tỉnh vượt qua khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển với miền xuôi.

Trong công cuộc đổi mới, Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các mục tiêu chủ yếu hàng năm. Giai đoạn 2010 – 2015, nền kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu.

Sau 125 năm thành lập, 25 năm tái lập, tỉnh Hà Giang hiện có 10 huyện và một thành phố với dân số hơn 80 vạn người, từ một địa phương phải nhận trợ cấp lượng thực hàng năm, nay tỉnh Hà Giang đã tự đảm bảo được an ninh lượng thực và hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 17,64 triệu đồng; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã có trường học trung tâm được xây dựng kiên cố; 100% huyện lỵ và khu vực đông dân cư có có bệnh viện, phòng khám đa khoa;  83,3% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 85% dân số ở đô thị dụng nước sạch và có 11/176 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hình ảnh về đất và người Hà Giang đoàn kết, kiên trung, vững vàng trong đấu tranh bảo vệ tổ quôc, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Thành tích đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tỉnh vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Quyết tâm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của khu vực. Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng, thế mạnh, tỉnh xây dựng được kịch bản phát triển trong giai đoạn tới đó là: Phát triển du lịch, dịch vụ, mũi nhọn là khai thác giá trị Công việc địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; khai thác thế mạnh công nghiệp chế biến sâu và phát triển thủy điện; khai thác hiệu quả tiềm năng về kinh tế biên mậu; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với các loại cây, con đặc trưng của tỉnh. Để làm được điều đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành các Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách phát triển trên từng lĩnh vực. Có những bước đi, cách làm bài bản, khoa học để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững trong hiện tại, tương lai.

Đối với lĩnh vực du lịch, thông qua hình thức xã hội hóa, Hà Giang đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và thành phố Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với Công ty Mckinsey& Company Việt Nam, một công ty tư vấn trong lĩnh vực quy hoạch phát triển du lịch có thương hiệu và uy tín trên thế giới. Quy hoạch này khi hoàn thành sẽ là căn cứ, cơ sở định hướng phát triển du lịch khu vực cao nguyên đá Đồng Văn để sớm đưa khu vực này trở thành một trong các khu du lịch trọng điểm Quốc gia và góp phần giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong thời gian tới.

Với lợi thế có hệ thống sông suối dày đặc, độ dốc cao, tỉnh Hà Giang lập quy hoạch 46 nhà máy thủy điện, tổng công xuất thiết kế 779 MW, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 14 nhà máy với tổng công xuất 354,3 MW. Để các dự án thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sớm hoàn thành đưa vào khai thác vận hành, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tỉnh chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng vắc trong quá trình triển khai dự án, phấn đấu trong thời gian tới sẽ đưa các nhà máy thủy điện: Nho Quế 1, công xuất 32 MW; Nho Quế 2, công xuất 48 MW; Thuận Hòa, công xuất 38 MW đi vào vận hành, phát điện thương mại. Với chủ trương chế biến sâu các loại tài nguyên, khoán sản, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp Bình Vàng, cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang), cụm công nghiệp Tân Bắc (Quang Bình) để mời gọi các dự án đầu tư. Tỉnh đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, tạo thuận lợi để phát triển, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án chế biến tại các khu công nghiệp như: Dự án Nhà máy luyện Ferro Mangan sản xuất Mangan kim loại điện giải, Nhà máy chế biến gỗ MDF. Song song với phát triển thủy điện, công nghiệp chế biến, Hà Giang cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá và nói không với các dự án công nghiệp có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Hà Giang có đường biên giới trên bộ dài trên 277 km tiếp giáp với Trung Quốc, đây là lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế biên mậu. Bên cạnh, việc chủ động trong công tác đối ngoại để tạo cơ hội cho thương mại biên giới phát triển, tỉnh quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và các khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới để thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu phát triển. Ngoài việc, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực biên giới, cửa khẩu, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu. Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt trên 761,6 triệu USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đối với tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù theo hướng xây dựng chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGap với các loại cây, con chính là: Con bò vàng vùng cao; cây dược liệu; cây có múi như cam, quýt. Để sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành hàng hóa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Năm 2016, tỉnh đã tổ chức gặp mặt, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng bộ quy trình thủ tục, ban hành cơ chế, chính sách riêng (về đất đai, vay vốn, cơ sở hạ tầng), lập quy hoạch quỹ đất sạch nhằm thu hút các danh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Kịch bản phát triển đã có, tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực, tỉnh Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Nhưng quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh phát quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức. Để phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiến hành quyết liệt công tác cải cách, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; quyết tâm xóa bỏ các nhân tố kìm hãm, cản trở sự sáng tạo, quyền tự do khởi nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển nền hành chính từ mệnh lệnh sang nền hành chính phục vụ, lấy thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công đó là sự quyết tâm vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Hà Giang đã có những hành động cụ thể như: Thành lập đưa Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động; rà soát, công bố công khai các bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành; tổ chức các hội nghị xúc tiến, đối thoại, gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chủ động làm việc với với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và mời các tổ chức quốc tế, các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư; thực hiện việc phân cấp, ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố vùng động lực để tạo động lực cho phát triển. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát nguồn lực đầu tư và cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công theo hướng tập trung, ưu tiên các dự án lớn, có tính lan tỏa cao nhằm tạo động lực cho các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,  hoàn toàn có thể tin tưởng rằng tỉnh Hà Giang sẽ sớm thoát ra khỏi danh sách những địa phương đặc biệt khó khăn bằng chính nội lực của mình và tiến tới phát triển ổn định, bền vững.

Nguyễn Văn Sơn

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc tại xã Xuân Giang và thăm mô hình phát triển kinh tế tại xã Tân Trịnh (Quang Bình)

BHG- Vừa qua, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo xã Xuân Giang và thăm mô hình phát triển kinh tế tại xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo huyện Quang Bình và Văn phòng Tỉnh ủy.

19/08/2016
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với Đảng bộ Trường Cao đẳng nghề

BHG - Ngày 18.8, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đảng bộ Trường Cao đẳng nghề - Đảng bộ do Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, giám sát theo sự phân công của BTV Tỉnh ủy, nhằm kiểm tra tình hình hoạt động, kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020. Cùng dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đảng ủy Khối các cơ quan…

19/08/2016
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 25 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Giang và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

BHG- Tối 18.8, tại sân Quảng trường 26.3, Ban tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh đã tổ chức Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 28.8.2016), 25 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Giang (1.10.1991- 1.10.2016), gắn với kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. 

19/08/2016
Vững mạnh nơi cực Bắc thiêng liêng

BHG - Nhớ lại câu chuyện phát triển của Hà Giang hôm nay và Hà Giang cách đây tròn 25 năm, bậc lão thành cách mạng, Đại tá Phan Khuyên (TP. Hà Giang) rưng rưng nước mắt: Khi tái lập, Hà Giang là tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Thu ngân sách mới đáp ứng 10% chi thường xuyên của tỉnh. Vậy nhưng, Hà Giang hôm nay đã trở thành thành trì vững chắc phía Bắc của Tổ quốc... Tình cảm xúc động lẫn trong niềm tự hào dân tộc của Đại tá Phan Khuyên cũng là tình cảm chung của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc Hà Giang hôm nay.

18/08/2016