Diễn văn kỷ niệm 125 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Hà Giang của đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang.
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tây bắc.
- Kính thưa đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang.
- Kính thưa đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây bắc.
- Kính thưa đồng chí Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2.
- Kính thưa quí vị đại biểu khách quí.
- Thưa đồng chí và đồng bào.
Hòa chung không khí phấn khởi chào mừng thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; hôm nay tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang, 25 năm tái lập tỉnh nhằm ôn lại những truyền thống vẻ vang, hào hùng của quê hương Hà Giang kiên trung nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự và trực tiếp trao phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tại buổi lễ. Trong diễn đàn trọng thể này, cho phép tôi thay mặt nhân dân các dân tộc trong tỉnh xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tôi cũng xin gửi đến các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng lời tri ân sâu sắc; xin gửi đến các địa phương trong cả nước đã chia sẻ và đồng hành cùng với Hà Giang, tạo điều kiện giúp đỡ Hà Giang phát triển trong suốt thời gian qua. Xin gửi đến toàn thể đồng chí, đồng bào nhân dân, các lực lượng vũ trang trong tỉnh lời động viên, lời cảm ơn trong thời gian qua đã đoàn kết thống nhất, quyết tâm vì một Hà Giang phát triển như ngày hôm nay. Kính chúc các đồng chí đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.
Kính thưa quí vị đại biểu, khách quý! Thưa toàn thể đồng bào và đồng chí!
Vùng đất Hà Giang xưa với tên gọi Hà Dương đã có từ rất lâu đời và được mang tên Hà Giang vào thời nhà Lê (năm 1705). Theo dòng lịch sử với các tên gọi khác nhau như: Bộ, Châu, Phủ, Sứ... Đến ngày 20/8/1891 Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra Quyết định chia khu quân sự thứ hai thành 3 tiểu quân khu: Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Đứng đầu tiểu quân khu là một sĩ quan có quyền tương đương như một Công sứ đầu tỉnh dân sự, chịu trách nhiệm mọi mặt trong địa bàn mình cai trị bằng Sắc lệnh Đạo quan binh và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Đạo quan binh. Như vậy, tiểu khu chính là đơn vị hành chính cấp tỉnh đặt dưới chế độ quân quản. Kể từ đây, Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam. Hơn một thế kỷ qua là cả một quá trình phấn đấu đầy gian khổ và hy sinh, đồng bào các dân tộc Hà Giang vừa phải kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bọn phản động tay sai của thực dân phong kiến, vừa phải chống chọi với thiên nhiên khốc liệt và nghèo nàn, lạc hậu để vươn lên giành chiến thắng. Lịch sử 125 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Giang là lịch sử của tinh thần yêu nước nồng nàn, trung thành với Tổ quốc Việt Nam; là lịch sử của tình đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, dũng cảm, cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những thành tựu to lớn, những chiến công rực rỡ đó đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình dựng nước và giữ nước của Nhà nước Đại Việt, các thế hệ nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã không tiếc xương máu để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, sự bình yên của quê hương. Từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Hà Giang thường xuyên phải chống lại các đội quân xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc, giành được nhiều chiến công, tiêu biểu như: trong cuộc đánh đuổi giặc nhà Tống, chống sự xâm lược của quân Mông -Nguyên, Minh... đã mãi mãi ghi vào những trang sử vàng của dân tộc.
Năm 1884 thực dân Pháp đặt chân xâm lược Hà Giang. Mặc dù kẻ địch là đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại nhưng ngay từ những ngày đầu chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, nổ ra ở khắp mọi nơi trong tỉnh. Trong những năm 1901 - 1912, nhiều cuộc khởi nghĩa đã diễn ra: Cuộc khởi nghĩa của Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc đánh Pháp ở đồn Nậm Lốp (Đồng Yên), đồn Bắc Hà (Lào Cai); khởi nghĩa của đồng bào Mông ở Đường Thượng (Yên Minh) do Vàng Chỉn Pao lãnh đạo; khởi nghĩa đồng bào Nùng ở Hoàng Su Phì do Triệu Tài Lộc lãnh đạo; khởi nghĩa của đồng bào Mông ở Đồng Văn dưới sự chỉ huy tài tình của Sùng Mí Chảng và nhiều cuộc đấu tranh chống bắt phu, thu thuế của nhân dân ở nhiều nơi khác... Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng của Đảng, của cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc như ngọn lửa được tiếp thêm dầu đã bùng lên mạnh mẽ. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương sâu nặng, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cơ sở cách mạng được hình thành từ Hùng An, khu Trọng Con, khu Gia Tự (huyện Bắc Quang) đến Đường Thượng, Ngam La (huyện Yên Minh), Đường Âm, Yên Phú (huyện Bắc Mê)... Lực lượng cách mạng đã nhanh chóng phát triển, nơi nào cũng xây dựng được lực lượng du kích và tự vệ bao gồm những quần chúng tích cực đủ các thành phần dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Nùng... Những năm 1930 - 1945 nhiều cuộc đấu tranh chống chính sách áp bức của Pháp đối với nhân dân đã nổ ra ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì...; lực lượng cách mạng của tỉnh Hà Giang đã đấu tranh ngoan cường, linh hoạt bằng nhiều hình thức, vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang để đánh Pháp, đuổi Nhật, tiêu diệt quân Tưởng, diệt trừ thổ phỉ... Đó chính là những minh chứng cho truyền thống yêu nước hào hùng, một tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc Hà Giang chống kẻ thù xâm lược.
Ngày 25/12/1945, tỉnh Hà Giang hoàn toàn được giải phóng, Đảng bộ và chính quyền cách mạng được thành lập. Sự kiện này đánh dấu một mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử của nhân dân các dân tộc Hà Giang
Kính thưa quí vị đại biểu, khách quí. Thưa toàn thể đồng bào và đồng chí.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954), thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều gia đình đã tự nguyện quyên góp ruộng đất, trâu, bò, tiền của cho cách mạng. Hưởng ứng "Tuần lễ vàng", nông dân tích cực nộp thuế nông nghiệp, ủng hộ kháng chiến kiến quốc, động viên chồng và con em lên đường kháng chiến giết giặc cứu nước. Trong thời kỳ này, tỉnh ta có hơn 1.300 người vào bộ đội, nhiều người tham gia du kích. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp được trên 27.000 tấn lương thực và hơn 1.800.000 ngày công phục vụ kháng chiến, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), hòa chung với khí thế sục sội của cả nước, với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến", với tình cảm kết nghĩa keo sơn giữa Hà Giang với Lâm Đồng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Hàng vạn thanh niên, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã xung phong lên đường ra mặt trận, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với hàng triệu ngày công đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tập thể của tỉnh đã được Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại; 829 người con ưu tú của tỉnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 709 thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận. Công sức đó đã góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, tháng 12 năm 1975, theo quyết định của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hà Giang và Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, phù hợp với tình hình ở thời điểm đó. Nhân dân các dân tộc Hà Tuyên đã đoàn kết một lòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Thời gian này, tỉnh Hà Tuyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cả nước giao phó, đó là giữ vững chủ quyền biên giới phía Bắc, tạo đà cho cả nước thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta sáng tạo. Bước sang đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước xu thế hội nhập ngày càng phát triển, đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tạo luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội. Nhằm phát huy tiềm năng của từng vùng, từng địa phương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 1/10/1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Từ thời điểm này, tỉnh Hà Giang được tái lập với một nhiệm vụ mới đó là khắc phục hậu quả chiến tranh biên giới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập. Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã luôn vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng và phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đến nay, Hà Giang có một thành phố và 10 huyện; dân số toàn tỉnh trên 80 vạn người, là địa bàn cư trú của 19 dân tộc anh em, trong đó có những dân tộc ít người chỉ Hà Giang mới có như: Pu Péo, Bố Y, Phù Lá... Với tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù, kiên nhẫn trong lao động sản xuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, nhân dân Hà Giang đã và đang từng ngày lập nên những kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ 125 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự động viên của các địa phương khác trong cả nước; sự vượt khó với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, đến nay tỉnh Hà Giang đã giành được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Giai đoàn 2011-2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hàng năm tăng trên 6,45%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37%; Thương mại- dịch vụ chiếm 36,5%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 26,5%. Cơ cấu từng ngành kinh tế đổi mới tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt trên 17 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 4,7% của 6 tháng đầu năm 2015), trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,69%; Công nghiệp - xây dựng tăng 7,43%; Dịch vụ tăng 7,23%. Tổng sản phẩm theo giá thực tế ước đạt trên 6.955 tỷ đồng, tăng 7,54%. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững hơn, an ninh lương thực được đảm bảo. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao tạo nguồn thu cho địa phương. Kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế biên mậu được ưu tiên đầu tư. Lĩnh vực du lịch có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được khơi dậy và phát huy; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, truyền thông được tổ chức tốt; công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thường xuyên được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cách tiếp cận giải quyết vấn đề của cấp ủy, chính quyền các cấp có sự đổi mới mạnh mẽ; tác phong, lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ có chuyển biến tích cực. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền được nâng lên.
Với những thành tích đã đạt được, tỉnh Hà Giang đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân Chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác... Chỉ tính từ năm 2010 đến nay các tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng 14 Huân chương Độc lập, 530 Huân chương Lao động, 02 Huân chương Chiến công, 21 Huân chương Đại đoàn kết, 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 02 Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, 06 Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 28 Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Kính thưa quí vị đại biểu, khách quý!
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Những thành tựu của ngày hôm nay luôn gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và sự động viên, giúp đỡ của các tỉnh bạn; Đặc biệt là truyền thống cách mạng và tinh thần lao động hăng say, đoàn kết, sáng tạo không ngừng của nhân dân các dân tộc, cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Giang trong suốt những năm tháng qua. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBMTTQ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh bạn đã luôn quan tâm động viên, giúp đỡ tỉnh Hà Giang trong suốt chặng đường hơn một thế kỷ qua, nhất là từ khi có Đảng đến nay. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân dân các dân tộc Hà Giang vẫn một lòng trung thành với Tổ quốc Việt Nam, dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo, vừa chiến đấu, vừa phát triển xây dựng quê hương. Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, để xứng đáng với các thế hệ đi trước, một lần nữa thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể đồng chí và đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nước Việt Nam trường tồn mãi mãi.
Xin trân trọng cảm ơn quí vị đại biểu, đồng bào và đồng chí!
[links()]
Ý kiến bạn đọc