"Cầm tay chỉ việc" trong sinh hoạt Đảng ở Bắc Quang
BHG- Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định một trong ba lĩnh vực đột phá chính là xây dựng hệ thống chính trị. Do vậy, ngay sau Đại hội, huyện Bắc Quang đã triển khai nhiều việc làm thiết thực để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong đó có đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tại các tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ).
Ban Chi ủy thôn Tân Tấu (xã Tân Thành) thảo luận nội dung trước khi tiến hành sinh hoạt Chi bộ. |
Thực tiễn cho thấy, trong sinh hoạt định kỳ (theo quy định của Điều lệ Đảng) tại các TCCSĐ trên địa bàn huyện Bắc Quang còn bộc lộ hạn chế như: Các bước tiến hành sinh hoạt chưa đúng trình tự, ví như công tác chuẩn bị (dự kiến nội dung, chương trình, thời gian sinh hoạt) và họp Chi ủy (thảo luận, phân công chuẩn bị nội dung, lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp) trước khi tiến hành sinh hoạt Chi bộ chưa được TCCSĐ thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả. Cùng với đó, nội dung sinh hoạt thiếu phong phú. Phần thảo luận, đảng viên chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm hoặc còn ít ý kiến thảo luận dẫn đến chất lượng thảo luận chưa cao... Để khắc phục những hạn chế trên, ngay sau Đại hội Đảng bộ, huyện Bắc Quang đã tổ chức các buổi sinh hoạt Chi bộ, Hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy điểm, theo hình thức luân phiên. Tại 23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang được chia thành 4 cụm. Mỗi cụm chọn một xã/thị trấn để tổ chức sinh hoạt điểm với sự tham gia của Bí thư Đảng ủy các xã còn lại trong cụm. Tương tự như vậy, tại các xã/thị trấn chọn một Chi bộ, tiến hành sinh hoạt điểm với sự tham gia của các đồng chí trong BTV, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ xã/thị trấn, Bí thư Chi bộ các thôn/tổ dân phố thuộc Đảng bộ xã/thị trấn... Đặc biệt, tại mỗi buổi sinh hoạt, có sự tham dự và sau đó chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm quy trình tiến hành buổi sinh hoạt của Phó Bí thư Huyện ủy (BTHU) Bắc Quang, Lương Tiến Dũng. Tại đây, các TCCSĐ được Phó BTHU nhận xét tỉ mỉ về ưu điểm, hạn chế, cách khắc phục nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt trong thời gian kế tiếp, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Điển hình cho cách làm trên, tại buổi sinh hoạt của Chi bộ tổ dân phố 11 (thị trấn Việt Quang), đồng chí Lương Tiến Dũng đã nêu cụ thể ưu điểm, hạn chế trong quá trình tổ chức, điều hành sinh hoạt của Chi bộ. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các Chi bộ dự sinh hoạt thực hiện một số nội dung quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ trong thời gian tới như: Mở rộng thành phần mời dự họp Chi bộ, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức cũng như cách thức triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đảm bảo công tác lãnh đạo của Đảng ngày càng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất và đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, quá trình điều hành cần đảm bảo ngắn gọn, xúc tích và dứt khoát. Việc định hướng thảo luận tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu: Kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng. Kết luận của chủ tọa phải cụ thể bằng việc giao nhiệm vụ cho từng tổ chức tại tổ dân phố và đảng viên trong Chi bộ để triển khai thực hiện...
Song hành với các buổi sinh hoạt Chi bộ điểm là hội nghị (thường kỳ) về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại các cụm xã/thị trấn. Điển hình có buổi dự và làm việc giữa Phó BTHU Bắc Quang, Lương Tiến Dũng với BTV Đảng ủy thị trấn Vĩnh Tuy (với sự tham gia của 15/23 Bí thư Đảng ủy các xã trên địa bàn huyện). Ngoài ưu điểm trong công tác tổ chức, điều hành hội nghị của BTV Đảng ủy thị trấn Vĩnh Tuy, thì nội dung hội nghị chưa được bàn thống nhất trong Thường trực, trước khi trình BTV Đảng ủy. Hơn nữa, khi thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm chưa thể hiện tính định hướng, lãnh đạo của Đảng ủy. Tờ trình xin chủ trương của BTV, nhất là về kinh phí chưa có văn bản riêng, gây khó khăn cho chủ tọa hội nghị khi định hướng thảo luận và kết luận. Đặc biệt, vai trò của các bộ phận tham mưu còn thiếu hiệu quả...Theo đánh giá của Phó BTHU Bắc Quang, Lương Tiến Dũng: Nguyên nhân của những hạn chế trên cũng là thực tiễn chung tại nhiều TCCSĐ trên địa bàn huyện. Bởi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn tư tưởng “làm thay”, thậm chí “lấn sân”, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận tham mưu đảm nhiệm. Đồng thời, đội ngũ tham mưu, giúp việc cho BTV Đảng ủy chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, các công việc trọng tâm cần sự lãnh đạo của tập thể BTV Đảng uỷ nhưng chưa được Thường trực Đảng uỷ bàn bạc và thống nhất trước khi trình BTV Đảng ủy (do Thường trực Đảng uỷ ít họp); một số đồng chí được phân công nhiệm vụ nhưng không định lượng được hết công việc phải làm,... Để khắc phục hạn chế đó, tại Hội nghị rút kinh nghiệm, đồng chí Lương Tiến Dũng đã nêu một số yêu cầu, nhiệm vụ để Bí thư Đảng uỷ các xã, thị trấn tiếp tục nghiên cứu, vận dụng. Đồng thời, sau mỗi buổi làm việc đều có văn bản Thông báo Kết luận của đồng chí Phó BTHU để cơ quan, đơn vị hữu quan biết nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đặc biệt, sau 2 lần tham dự Hội nghị BTV tại các cụm xã/thị trấn, khi tổ chức hội nghị, BTV Đảng ủy xã Bằng Hành đã thể hiện sự tiếp thu kinh nghiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong đó, Đảng ủy xã tổ chức hội nghị BTV Đảng uỷ theo đúng Quy chế hoạt động của BCH và chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy; thành phần dự họp phù hợp với nội dung trình tại cuộc họp; trình tự cuộc họp bám sát nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt, nội dung trình hội nghị BTV đã được Thường trực Đảng ủy họp bàn, thống nhất. Hơn nữa, phương pháp điều hành của Bí thư Đảng ủy khá ngắn gọn, rõ ràng và dứt khoát. Các thành phần dự họp mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi, thảo luận về những nội dung trình tại cuộc họp – Phó BTHU Bắc Quang, Lương Tiến Dũng nhận xét.
Thông qua việc đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt Đảng, huyện Bắc Quang đang từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội của Đảng.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc