UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6
BHG - Ngày 23.6, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên thường kỳ tháng 6 đã được UBND tổ chức, nhằm xem xét báo cáo tình hình phát triển KT-XH của tỉnh và tờ trình của các sở, ngành. Dự phiên họp có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Báo cáo tình hình KT-XH của UBND tỉnh nêu rõ, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; chỉ đạo thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp. |
Qua 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 5,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,76% của 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng gần 2,7%; công nghiệp - xây dựng tăng trên 7,4%; dịch vụ tăng trên 7%. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Xuân đạt gần 102 nghìn ha, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 125 nghìn tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội ước đạt 3.546 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 5.196 tỷ đồng, thực hiện vốn đầu tư phát triển ước đạt trên 2.348 tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo; các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, phong phú; cải cách hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm.
Tuy nhiên báo cáo cũng nêu rõ, kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, tình hình sản xuất, kinh doanh của các danh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tồn đọng sản phẩm; triển khai trồng rừng chưa quyết liệt, tiến độ chậm; tiến độ giải ngân một số nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn thấp; tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần ở một số xã vùng sâu, vùng xa chưa được khắc phục; kết quả cải cách hành chính ở một số sở, ngành, địa phương tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ý kiến tham gia của các ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Cùng với các nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong 6 tháng qua, tỉnh ta đã thực hiện thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp tại Chỉ thị số 10/CT-UBND và Chương trình hành động số 47/CTr-UBND của UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thường xuyên nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn; tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học mới; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng làm rõ số liệu trong báo cáo, từ đó có giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ thời gian tới; việc xây dựng báo cáo trình phiên họp phải thật cụ thể, với những con số dẫn chứng xác đáng, phản ánh khách quan, trung thực, có tính thuyết phục. Đối với vấn đề nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở KH-ĐT, Tài chính, Văn phòng Điều phối, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh có buổi làm việc cụ thể, xác định rõ con số, từ đó đề xuất hướng giải quyết.
Phiên họp cũng xem xét các tờ trình của Sở KH-ĐT, NN-PTNT, Tài chính, Công thương, LĐ-TBXH về các vấn đề: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030; thông qua Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030; thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, định hướng 2030; tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước năm 2016; phê duyệt chương trình giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020…
Thiên Thanh
TIN VIDEO:
Ý kiến bạn đọc