Những "cánh chim" không mỏi

07:26, 21/06/2016

BHG- Nghề báo vốn dĩ đã vất vả, với những người làm báo ở một tỉnh miền núi như Hà Giang thì sự khó khăn khi làm nghề lại càng lắm gian nan. Dù khó khăn và hiểm nguy luôn cận kề nhưng những phóng viên trẻ vẫn hăng hái đến những miền đất xa xôi để thực hiện nhiệm vụ. Họ như những “cánh chim không mỏi bay khắp trời quê hương”, để cho ra đời “đứa con” tinh thần - những bài báo, những chương trình truyền hình mặn mòi mồ hôi, nước mắt...

Phóng viên Báo Hà Giang (người đội mũ) khai thác thông tin tại cơ sở (Ảnh chụp lúc 17h, ngày 3.3.2016, tại thôn Séo Sả Lủng – xã Pải Lủng (Mèo Vạc). Ảnh: LÊ LÂM
Phóng viên Báo Hà Giang (người đội mũ) khai thác thông tin tại cơ sở (Ảnh chụp lúc 17h, ngày 3.3.2016, tại thôn Séo Sả Lủng – xã Pải Lủng (Mèo Vạc). Ảnh: LÊ LÂM

Đi càng khó, càng khổ thì... viết càng hay!

Biện Luân, cô nhà báo thuộc thế hệ 8x ở Phòng Phóng viên, Báo Hà Giang sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió với những con người quanh năm lam lũ, chịu khó, chịu thương. Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Huế, chị ngược miền đá, xin vào làm phóng viên Báo Hà Giang. Cũng từ đây, người con gái xứ Nghệ bén duyên với mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Chị bùi ngùi nhớ lại, hồi mới vào nghề chị không thể lường trước được những khó khăn, vất vả mà mình sẽ trải qua. Những giọt nước mắt tủi phận vì “thân gái dặm trường”, một mình giữa mảnh đất xa lạ, rồi những chuyến công tác dài ngày vất vả, áp lực công việc, cuộc sống khiến chị đôi lần muốn bỏ việc. Nhưng rồi vượt qua tất cả, bằng tình yêu nghề mãnh liệt chị đã gắn bó với nghề báo nơi miền đá Hà Giang gần 6 năm nay.

Có một kỷ niệm sâu sắc về nghề báo mà chị nhớ mãi đó là chuyến công tác cùng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh về thôn Phiêng Lùng, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê). Đây là thôn người Dao sống biệt lập trên núi, họ mong muốn được hạ sơn để cuộc sống thuận lợi hơn. Đi bộ gần nửa ngày trời, băng rừng, vượt suối giữa cái nắng gay gắt của mùa hè lại phải cõng trên lưng đồ đạc lỉnh kỉnh để tác nghiệp, lên đến nơi chị mới biết rằng mình còn... sống. Rồi những chuyến công tác một mình lên Cao nguyên đá Đồng Văn, mưa gió bão bùng, xe máy hỏng dọc đường phải nhờ người dân giúp đỡ. 6 năm, biết bao mồ hôi, nước mắt và nỗi nhọc nhằn, nhưng khi hỏi vất vả vậy có làm chị chùn bước không thì chị quả quyết: “Làm báo thì đi càng khó, càng khổ lại viết càng hay. Bài báo của mình có cái nắng, cái gió, cái khó, cái khổ thì càng được công chúng đón nhận và đánh giá cao...”.

Nhà báo Tuấn Quỳnh, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh chia sẻ, nghề báo đã vất vả, với phóng viên truyền hình lại càng vất vả, khó khăn hơn. Bên cạnh sự nhanh nhạy, cẩn thận, phóng viên truyền hình phải chịu nhiều áp lực bởi thời lượng phát sóng dày đặc. Phóng viên truyền hình thường phải làm việc theo kíp từ 2 người trở lên nên đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất sao cho các hình ảnh, chi tiết đầy đủ, chính xác, ăn khớp và đúng với nội dung bài viết. Cuộc bầu cử ngày 22.5 vừa qua, anh cùng một đồng nghiệp phải đi xe máy với máy quay, chân máy lỉnh kỉnh, vượt hơn 170 km để đến xã Lũng Cú (Đồng Văn) đưa tin về bầu cử. Mất hơn nửa ngày 2 anh em mới đến được xã, ai cũng mệt nhoài vì chặng đường quá xa xôi. Rồi hôm sau 5 giờ sáng đã phải dậy để chuẩn bị cho chương trình vì bà con ở đây đi bầu cử rất sớm. “Mệt mỏi là vậy nhưng nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của bà con khi cầm lá phiếu trên tay nô nức đến địa điểm bỏ phiếu, tự nhiên những mệt mỏi lại tan biến. Hai anh em lại bắt tay ngay vào công việc, dù lúc đó đang đói run vì không kịp ăn sáng và đôi tay mỏi nhừ vì hôm trước cầm lái cả ngày...” – anh Quỳnh chia sẻ.

Nhà báo Tuấn Quỳnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Nhà báo Tuấn Quỳnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Say nghề...

Khó khăn, vất vả là vậy, thậm chí có những hiểm nguy luôn rình rập, cận kề nhưng những phóng viên trẻ nơi địa đầu Tổ quốc vẫn hăng say với nghiệp “cầm bút”, dấn thân đến những miền đất xa xôi bằng một tình yêu nghề tha thiết. Duy Tuấn là một phóng viên trẻ “say nghề” của Báo Hà Giang. Tốt nghiệp khoa Diễn viên sân khấu điện ảnh của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhưng Tuấn đã rẽ “sang ngang” để rồi đến với nghiệp báo như một cơ duyên trời định. Phụ trách địa bàn huyện Yên Minh, biết bao lần đi về trên Cao nguyên đá, vào tận những bản làng vùng sâu, vùng xa để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, cùng ăn, cùng ở với bà con nên nhiều bài phóng sự, ghi chép, phản ánh của anh đã khai thác được những chi tiết hay, đắt, hấp dẫn người đọc. Nhưng đổi lại, là biết bao lần ngã xe, hỏng xe dọc đường, đi bộ nửa ngày trời hay nắng gắt, mưa dông, cảm lạnh khiến anh như già dặn hơn tuổi. Đọc những bài báo của anh, biết bao khó khăn, vất vả của người dân hay cái đói, cái nghèo nơi miền đá hiện lên thật sinh động và rõ nét.

Là một phóng viên nữ thuộc thế hệ 9x, Lê Hải, Báo Hà Giang tâm sự: “Là con gái, nhiều lúc tình trạng sức khỏe không đảm bảo, những khúc cua tay áo của Cao nguyên đá khiến mình bao nhiêu lần say xe đến chao đảo. Đi vào những thôn khó khăn mà đường đi rất hiểm trở chỉ rộng cỡ sải tay người, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm, thậm chí mình còn không thể tưởng tượng nổi rằng sẽ còn lành lặn khi trở về. Vậy mà có một ngọn lửa đam mê cứ thôi thúc mình đi, và rồi mình đã đến những nơi mà các em nhỏ quanh năm cởi truồng, mặt mũi lúc nào cũng lấm lem bùn đất; bà con ở đó ngày này qua tháng khác chỉ ăn mèn mén với canh rau bí, rau cải nương. Càng thương người dân vùng cao thiếu thốn, thiệt thòi mình càng cố gắng viết sao cho thật hay, thật trúng để đem những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với các cấp chính quyền...”.

Chế bản điện tử tại phòng Thư ký - Xuất bản Báo Hà Giang. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chế bản điện tử tại phòng Thư ký - Xuất bản Báo Hà Giang. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bằng tất cả tình yêu nghề và đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, những phóng viên trẻ nơi địa đầu Tổ quốc vẫn từng ngày không quản khó khăn, sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng với một tâm niệm chung đó là vì sự phát triển của tỉnh nhà. Trải qua 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với biết bao nỗi gian nan, vất vả khi làm nghề; cái nắng hanh hao nơi miền cực Bắc của Tổ quốc khiến da họ ngăm đen, đá tai mèo nhọn hoắt đâm bàn chân họ rướm máu... nhưng vượt lên tất cả, những “cánh chim” ấy vẫn mải miết bay đi. Họ như những “cánh chim” không mỏi...

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Có một "Hà Tuyên Mặt trận" trên tuyến đầu Tổ quốc

BHG- Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Giang về một thời chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi phát hiện ra mấy từ Tờ Hà Tuyên Mặt trận. 

21/06/2016
Phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ của người làm báo cách mạng

BHG- Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ và Đảng ta sáng lập, rèn luyện, đến nay đã có bề dày truyền thống 91 năm. 91 năm qua, bản lĩnh, trí tuệ của những người làm báo cách mạng luôn được khẳng định, nêu cao, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc làm rõ bản chất ưu việt của Đảng ta

21/06/2016
Công bố các Quyết định về công tác cán bộ

BHG- Sáng 20.6, Tỉnh ủy tổ chức Lễ Công bố các Quyết định về công tác cán bộ. Dự hội nghị có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

20/06/2016
Lễ kỷ niệm 91 năm "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam" và trao giải thưởng Giải Báo chí lần thứ VII, năm 2016

BHG- Chiều ngày 20.6, UBND tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 91 năm Ngày "Báo chí Cách mạng Việt Nam" (21.6.1925 – 2016) và Lễ công bố, trao giải thưởng Giải Báo chí tỉnh Hà Giang lần thứ VII, năm 2016. 

20/06/2016