Hội nghị tư vấn, phản biện Dự án "Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"
BHG - Ngày 10.6, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn, phản biện Dự án “Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Các nhà khoa học, các đại biểu tham gia phản biện và đóng góp ý kiến đối với đơn vị thực hiện Dự án |
Dự án “Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì soạn thảo. Nội dung của Dự án thể hiện tính kế thừa kết quả quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh, giai đoạn 2005-2020; phân tích, đánh giá khái lược hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh ở cả 3 vùng kinh tế, gắn với khả năng cung cấp nước và cân đối nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn toàn tỉnh…
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng phản biện Liên hiệp các Hội KH&KT của tỉnh đều cho rằng: Báo cáo tổng hợp của Dự án về cơ bản thực hiện theo đúng nhiệm vụ, nội dung của Đề cương đã được phê duyệt. Tuy nhiên, báo cáo quy hoạch này vẫn chưa tương xứng với một báo cáo quy hoạch cấp tỉnh; các phân tích đánh giá, luận chứng cho phương án quy hoạch thiếu lô-gic, khoa học; nội dung báo cáo chưa sâu, chưa sát với thực tiễn của tỉnh. Phương án quy hoạch thủy lợi chủ yếu vẫn đưa ra các giải pháp cấp nước tưới cho cây lúa, các loại cây trồng khác tuy đã được đề cập tới nhưng không đúng tầm của nó. Phương án quy hoạch chưa được đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu đang diễn ra phức tạp; chưa gắn kết với các chương trình, đề án, dự án phát triển KT-XH của tỉnh. Do vậy, phương án quy hoạch chưa có tính thuyết phục và chưa đảm bảo tính khả thi.
Kết thúc Hội nghị, Hội đồng phản biện Liên hiệp các Hội KH&KT của tỉnh đã đề nghị Đơn vị tư vấn thực hiện Dự án cần tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như: Tính toán lại các đặc điểm khí tượng thủy văn và nguồn nước trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiện trạng phát triển thủy lợi để từ đó xác định được những công trình nào cần tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới; xem xét lại các nội dung Quy hoạch phòng, chống lũ, giảm nhẹ thiên tai; đánh giá tác động môi trường và hiệu ích đầu tư; bổ sung kết luận về hiệu quả của Dự án đối với việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông thôn, cấp nước sinh hoạt và phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai… qua đó, xây dựng báo cáo tổng hợp quy hoạch một cách đầy đủ và hoàn thiện hơn.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc