Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015):
"Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn"
L.T.S: Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015), Báo Hà Giang đăng bài viết về thân thế, sự nghiệp, đóng góp đặc biệt xuất sắc của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn hóa, văn học - nghệ thuật của Việt Nam và nhân loại; góp phần tuyên truyền sâu rộng công lao và tài năng của ông, đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tượng Nguyễn Du tại Khu lưu niệm Tiên Điền. Ảnh: Tư liệu |
Ai trong chúng ta cũng từng được lớn lên từ câu Kiều qua lời ru của bà, của mẹ, qua lời giảng của thầy, cô. Truyện Kiều dường như đã in sâu vào tiềm thức con người Việt, với những đóng góp cả về nội dung và nghệ thuật, kiệt tác Truyện Kiều đã góp phần quan trọng đưa “cha đẻ” của mình bước vào hàng ngũ “Đại thi hào dân tộc’, Danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Du sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long, cha ông là Nguyễn Nhiễm, làm tể tướng dưới triều Lê, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong gia đình quý tộc có dòng dõi quan trường nhưng cuộc sống trong nhung lụa của Nguyễn Du không kéo dài được bao lâu khi phải trải qua những biến cố dữ dội cả trong gia đình và ngoài xã hội. 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ anh cả, khi đất nước xẩy ra biến cố, ông phải lưu lạc rồi sống nhờ quê vợ ở Thái Bình.
Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấp một chức quan võ ở Thái Nguyên, cuộc đời của ông đã từng được giữ các chức quan dưới triều Nguyễn như: Tri huyện Phù Dung, tri phủ Thường Tín, Đông các Đại học sĩ, giám khảo thi Hương, Cai Bạ ở Quảng Bình, Cần chánh điện học sĩ... được cử đi sứ sang Trung Quốc, Hữu tham tri bộ lễ, làm quan đến hàm tam phẩm. Năm 1820, ông bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế khi tài năng văn chương đang độ chín muồi.
Hậu thế hôm nay nhớ về Nguyễn Du, nhớ về sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông đã để lại trong kho tàng văn học Việt Nam những tác phẩm vô giá; chỉ riêng kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sáng tác của Nguyễn Du bao gồm các tác phẩm chữ hán: Thanh Hiên thi tập; Bắc hành tạp lục; Nam trung tạp ngâm; các tác phẩm chữ nôm gồm có: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều); Văn chiêu hồn; Văn tế thập loại chúng sinh... trong đó nổi bật nhất là kiệt tác Truyện Kiều.
Truyện Kiều mặc dù được lấy bối cảnh là xã hội Trung Quốc đời nhà Minh, nhưng có thể thấy xuyên suốt tác phẩm là bức tranh xã hội Việt Nam rộng lớn về thời đại nhà thơ đang sống. Với 3.254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc của người con gái “Hồng nhan bạc mệnh” Vương Thúy Kiều, vì gia biến đã phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế thực phong kiến dày xéo, chà đạp. Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, nơi lấy sức mạnh của đồng tiền làm guồng quay của xã hội, nơi mà:
“Trong tay sẵn có đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”.
Truyện Kiều bên cạnh việc lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống của con người, đồng thời cũng là tiếng kêu cứu nhói lòng từ nỗi khổ đau của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội cũ, là tiếng lòng về khát khao tình yêu tự do trong sáng, thủy chung trong xã hội mà hôn nhân khắc nghiệt; là khát vọng về công lý; là ngợi ca vẻ đẹp của con người. Thúy Kiều là hiện thân của tất cả những nỗi oan khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa: Nỗi khổ vì hạnh phúc tình yêu tan vỡ, nỗi khổ của kiếp lầu xanh, kiếp làm lẽ, kiếp làm nô tỳ và những sự chà đạp khác về mặt nhân phẩm.
Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân, qua Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Có thể thấy sự tài hoa của tác giả khi miêu tả thiên thiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả diễn biến tâm lý con người; ngôn ngữ Truyện Kiều phong phú, tinh luyện, giàu sưc gợi cảm, gợi tả và trong sáng. Nghệ thuật viết Truyện Kiều như kết cấu chuyển đoạn, kể chuyện, mô tả... đều đạt đến mức tuyệt diệu.
Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên năm 1820: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy...”.
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ, người được xem là “Chuyên gia Truyện Kiều” nhận định: “Truyện Kiều nổi lên so với những giá trị văn học đương thời và khiến sáng tác của Nguyễn Du gần với chúng ta ngày nay cả về nội dung và hình thức nghệ thuật... Trước sau, Truyện Kiều vẫn là di sản vĩ đại, là tuyệt đỉnh của nền văn học dân tộc quá khứ...”.
Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục đối với mọi tầng lớp độc giả, làm lay động bao trái tim người Việt, trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Truyện Kiều đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại. Với những sáng tác của mình, Nguyễn Du được các thế hệ người Việt tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Xuất thân trong gia đình quý tộc, bản thân đảm nhiệm nhiều chức quan trong xã hội nhưng Nguyễn Du đã từng nếm trải cuộc sống cơ cực trong một thời gian dài lưu lạc, ông đã lăn lộn với cuộc sống của nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để rồi trong những sáng tác của ông đều là tiếng lòng đau xé về những số phận con người. Tính nhân đạo chủ nghĩa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Du, để rồi ông phải thốt lên:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nguyễn Du cả đời khóc thương cho những bất hạnh của con người nhưng cuối cùng cũng chỉ mong được người đời sau khóc thầm; đó là khao khát tri âm khiêm nhường của một con người rất hiểu đời:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”?
Và thực tế, hàng trăm năm nay, hậu thế vẫn mãi mãi nhớ đến ông, tên tuổi của ông đã trở thành nốt son đỏ trong kho tàng văn học nước nhà và trong mỗi trái tim người Việt. Khu lưu niệm Nguyễn Du tại xã Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; hàng loạt các hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông được diễn ra trong phạm vi cả nước; Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã thay mặt cho lớp thi nhân và chúng sinh hậu thế khóc cùng Nguyễn Du trong bài “Lệ hồi âm”:
“Lệ ta nhỏ trên Kiều ba trăm năm sau
Ích cho Nguyễn ba trăm năm trước”.
Nguyễn Du và Truyện Kiều trở thành niềm tự hào của thi ca dân tộc, trở thành mạch nguồn nôi lớn tâm hồn người Việt bởi khi “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên).
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc