Tôn vinh những "bông hoa đẹp" trong "vườn hoa yêu nước"
BHG- 259 đại biểu - những điển hình tiên tiến được bình chọn, suy tôn từ cơ sở về dự Đại hội; 11 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động, trong đó có 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 7 hạng Nhì và 3 hạng Ba; 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 49 tập thể, 180 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen... thực sự là những “bông hoa đẹp”, đang tỏa ngát hương thơm. Những cống hiến của họ dù ở lĩnh vực nào cũng đã, đang âm thầm góp thêm sức mạnh nội lực, từng bước đưa Hà Giang thoát nghèo.
Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. |
Trong 2 ngày diễn ra các hoạt động của Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) toàn tỉnh lần thứ V, chúng tôi đã may mắn, hạnh phúc khi có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc, ghi lại tình cảm của nhiều điển hình tiên tiến ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những gương điển hình với công việc thầm lặng như cô giáo vùng cao lặng lẽ “chèo đò”, đưa con thuyền tri thức đến với bản làng; một bác sỹ tuổi đời chưa nhiều, nhưng những cống hiến của anh cho ngành Y tế và tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền” rất đáng trân trọng; hay như một chị lao công, một người trưởng thôn mãi xã vùng cao... đang ngày đêm tích cực lao động, làm nhiều việc nghĩa, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, mang lại niềm vui, hạnh phúc hơn cho nhiều người.
Tạo ấn tượng trong buổi giao lưu, tọa đàm trước khi diễn ra phiên chính thức của Đại hội, nhiều người đã cảm động trước nghị lực phi thường, tinh thần vươn lên, tự trau dồi kiến thức để truyền dạy bằng tình thương, trách nhiệm cho bao thế hệ học trò của cô Đỗ Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học vùng đất Tổ Vua Hùng, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Nhàn đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước về “gieo” chữ nơi vùng cao Hoàng Su Phì. Nhiệm vụ của sự nghiệp trồng người luôn đè nặng trên vai người giáo viên, khi đời sống người dân bản địa còn khó khăn, nhận thức về “cái chữ” còn xếp thứ yếu trong rất nhiều lo toan của cuộc sống thường nhật. Hiểu phong tục, tập quán địa phương nên cô Nhàn không chỉ quan tâm, truyền đạt kiến thức, mà còn dạy học cả bằng tình thương và trách nhiệm. Trong quá trình công tác, cô luôn vận dụng quan điểm dạy học bằng các phương pháp tích cực, đảm bảo tính thực tế trong điều kiện cho phép, không cứng nhắc, áp đặt, phát huy tính sáng tạo của học sinh; tăng cường kiểm tra, có biện pháp động viên, nhắc nhở học sinh kịp thời, giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; tích cực tuyên truyền, vận động cho các gia đình hiểu, từ đó có kế hoạch chăm lo, kiểm soát tinh thần, thái độ học tập ở nhà, tạo điều kiện để các em học tập tốt. Với tinh thần, trách nhiệm của một giáo viên yêu nghề, mến trẻ, dù ở đơn vị công tác nào cô cũng luôn nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”. Từ năm 2008 đến nay, cô liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, tỉnh và cấp Quốc gia; 5 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở; năm 2013, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Những năm gần đây, tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện công cuộc Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), từ cách làm linh hoạt của “con nhà nghèo”, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau”, XDNTM đã đi đúng hướng, tạo sự đồng thuận toàn xã hội. Nhiều địa phương triển khai phong trào thi đua với cách làm sáng tạo như tổ chức diễn đàn nghe dân nói, chấm điểm trong XDNTM và những khẩu hiệu như “Việc làng đất vàng cũng hiến”, “Hiến đất mất 1 được 2”, “Đàn ông làm đường, đàn bà làm vườn”, “Thứ 7 vì nông thôn mới”, “Ngày Chủ nhật xanh”... Qua gần 5 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động trên 2.919 tỷ đồng; mở mới, nâng cấp, bê tông hóa 2.824 km đường giao thông nông thôn; xây mới 123 nhà văn hóa thôn, 19.216 công trình vệ sinh, 12.202 bể nước gia đình, 38.772 hộ láng bó nền nhà, 62,3 km kênh mương; trên 30 nghìn gia đình đạt tiêu chí “nhà sạch, vườn đẹp”; nhân dân hiến 1.284.862m2 đất, đóng góp 1.510.343 ngày công lao động XDNTM.Từ phong trào XDNTM đã xuất hiện những cách làm hay, những cá nhân tích cực. Ở thôn Nà Sài, xã Đông Hà (Quản Bạ), người Trưởng thôn Dương Đức Thắng đã tích cực vận động bà con XDNTM. Trên cơ sở nghị quyết của xã, Chi bộ thôn Nà Sài đã cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, đã tổ chức họp thôn, lấy ý kiến nhân dân, thảo luận dân chủ, từ đó đưa ra các chương trình hành động phù hợp. Với vai trò trưởng thôn, ông Thắng luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, trực tiếp chỉ đạo thực hiện XDNTM theo hướng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện địa phương, đảm bảo đúng lộ trình và khả năng huy động sức dân. Thôn Nà Sài đã vận dụng tốt phương châm chỉ đạo trong XDNTM đó là Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc dễ làm trước, khó làm sau, việc cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau, đồng thời vận động nhân dân phát triển kinh tế, tạo nội lực bền vững cho quá trình XDNTM. Nhận rõ ý nghĩa nhân văn của XDNTM, nhân dân trong thôn đã đóng góp trên 6,2 nghìn ngày công, trên 100 triệu đồng, hiến 2,9 nghìn m2 đất, làm mới trên 3,7 nghìn m đường bê-tông nông thôn... Sự năng nổ, nhiệt tình của người trưởng thôn, kết hợp với sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, Nà Sài đã được công nhận thôn đạt chuẩn NTM và luôn đứng đầu về sản xuất nông nghiệp, trở thành thôn đầu tiên của huyện triển khai thành công xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa đồng ruộng. Thành công của Nà Sài đã góp phần tích cực đưa Đông Hà trở thành xã đầu tiên của huyện Quản Bạ hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM.
259 điển hình tiên tiến về dự Đại hội; 11 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 49 tập thể, 180 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen - Họ là những “bông hoa” yêu nước, đang ngày đêm tỏa ngát hương thơm, đóng góp công sức, đưa Hà Giang từng bước vươn lên gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Những đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng đã làm nên kỳ tích lớn, góp phần đưa kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2010-2014 đạt 10,6%; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2014 đạt gần 16 triệu đồng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 42% năm 2010 xuống còn trên 23% năm 2014.
Đại hội TĐYN - nơi gặp gỡ của những con người yêu nước đã khép lại. Nhưng, những suy nghĩ, hành động, việc làm của họ vẫn mãi lan tỏa, tỏa sáng, tạo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, từ đó nhân thêm người tốt, việc tốt, góp sức đưa Hà Giang thoát nghèo.
Ghi nhanh của: THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc