Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng thăm, làm việc tại Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
BHG- Nhận lời mời của Thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân Châu Văn Sơn - tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang - Việt Nam do đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Châu Văn Sơn - tỉnh Vân Nam - Trung Quốc từ ngày 24 đến 27.8. Ngày 25.8, đoàn đã đi thăm một số điểm du lịch và khu công nghiệp, cùng đi có Thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân Châu Văn Sơn; lãnh đạo các địa phương nơi đoàn đến thăm quan.
Đoàn đại biểu Hà Giang thăm khu trưng bày sản phẩm tam thất. |
Châu Văn Sơn là châu miền núi của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, toàn châu bao gồm tám huyện và một thành phố, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, khai thác khoáng sản. Sản phẩm chủ lực của địa phương chính là cây tam thất. Có đến 85% sản lượng tam thất của cả nước Trung Quốc rộng lớn được trồng ở Châu Văn Sơn, trên tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Hàng năm, có tới 1.400 tấn tam thất được cung cấp ra thị trường từ những thửa ruộng màu mỡ của người nông dân Châu Văn Sơn.
Khu công nghiệp Nghiễn Sơn có tổng diện tích trên 160ha với 4 phân khu khác nhau gồm: Phân khu dệt may, phân khu sản xuất và lắp ráp đồ chơi cho trẻ em, phân khu sản xuất và chế tạo linh kiện điện tử, phân khu khai thác và chế biến khoáng sản. Khi đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Nghiễn Sơn có thể giải quyết việc làm thường xuyên cho các lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 5 nghìn nhân dân tệ/người/tháng…
Trao đổi tại các địa điểm đến thăm quan, đồng chí Vương Mí Vàng và đoàn công tác của HĐND tỉnh Hà Giang đánh giá cao hiệu quả kinh tế của Khu du lịch sinh thái Phổ Giả Hắc, Khu công nghiệp Nghiễn Sơn. Đây là những mô hình tiêu biểu, là mũi nhọn phát triển kinh tế của Châu Văn Sơn. Đặc biệt, qua thăm quan, tìm hiểu thực tế tại Làng dân tộc Mèo Hướng Thủy Long và làng Pháp Thổ Long, đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý và khuyến khích người dân mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, tập trung sản xuất những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao làm tiền đề, động lực cho sự phát triển chung. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch được coi trọng, đây là yếu tố then chốt trong xây dựng các làng văn hóa thu hút du lịch. /.
ĐÌNH ANH (Đài PT-TH Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc