Gặp những người lính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Quang Bình
BHG- Hòa chung không khí trang trọng, tưng bừng của những ngày mùa Thu tháng Tám với những thời khắc đã đi vào lịch sử của đất nước, dân tộc, chúng tôi tìm về Quang Bình, gặp lại những người chiến sỹ năm xưa đã chiến đấu oanh liệt, góp phần giữa vững độc lập, bình yên cho mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Giữa bộn bề cuộc sống, họ vẫn giữ trong tim những ký ức một thời không thể quên.
Lãnh đạo Hội CCB huyện thăm hỏi gia đình CCB Hoàng Văn Páo ở thôn Chì, xã Xuân Giang. |
Dưới ánh nắng dịu nhẹ của tiết trời thu, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Páo, một cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nay ở thôn Chì, xã Xuân Giang. Bên ấm nước trà, ông Páo kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình. Ông Páo sinh năm 1925, quê gốc ở Lào Cai, năm 21 tuổi ông làm đơn xin vào bộ đội, tham gia kháng chiến. Tháng 9.1946, ông trở thành chiến sỹ thuộc Đại đội 918, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Khu Lao – Hà – Yên. Sau khi nhập ngũ, ông tham gia chiến đấu giải phóng Tuyên Quang từ Chiêm Hóa đến cây 31. Đầu năm 1948, đơn vị ông tiến đánh địch ở Châu Phì (nay là huyện Hoàng Su Phì), cuối năm đó, ông được cử tham gia lực lượng vũ trang, sống với dân và hoạt động tuyên truyền cách mạng trong hơn 3 tháng ở xã Hồ Thầu. Hết thời gian đó, ông được đơn vị cho đi học trường đào tạo cán bộ ở Đồng Yên rồi về chiến đấu ở mặt trận Lê Hồng Phong. Suốt từ đó đến năm 1953, ông tham gia chiến đấu giải phóng đồn Yên Bình, Nghĩa Đô, Cam Đường (Lào Cai),... sau đó, do mắc bệnh, ông xuất ngũ trở về nhà, tham gia công tác dân quân xã cho đến tuổi về nghỉ. Trong cuộc trò chuyện, ông Páo kể về kỷ niệm trận đánh vẫn in sâu trong tâm trí ông đến ngày hôm nay khi đã ở vào tuổi 90: “Lúc đó là khoảng tháng 2.1950, sau 3 ngày đánh long cốt Bản Phiệt, tiểu đoàn chúng tôi do ông Triệu Minh chỉ huy 3 đại đội với 180 chiến sỹ chia làm hai đường, một đại đội đi Mường Khương chặn đường địch, hai đại đội còn lại, trong đó có tôi, đến Bản Lầu (Lào Cai) vừa nghỉ lấy sức, vừa tạo vòng vây địch để quân ta giải phóng thị xã Lào Cai. Với chiến thuật chuẩn xác, đúng đắn, sau 4 ngày bị quân ta vây đánh, địch đã phải rút lui, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn đó mà không mất đi đồng đội nào”.
Gia đình CCB Hoàng Văn Lương ở thôn Yên Phú, xã Yên Hà. |
Theo chân cán bộ Hội CCB huyện, chúng tôi đến nhà CCB Hoàng Văn Lương ở thôn Yên Phú, xã Yên Hà. Năm nay ông Lương đã 87 tuổi nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Nói về khoảng thời gian tham gia chiến đấu chống Pháp, ông vẫn nhớ và hào hứng kể lại cho chúng tôi. Nhập ngũ từ tháng 5.1947, ông ra chiến trường, để lại cô vợ trẻ Hoàng Thị Kéng vừa cưới chưa đầy năm. Mở đầu chiến đấu trong chiến dịch Lê Hồng Phong, ông là bộ đội Lao – Hà – Yên, thuộc Đại đội 918, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, Quân khu IV. Ông đã đi chiến đấu ở nhiều nơi, từ Lao Chải sang Phố Lu (Lào Cai), đi Phong Thổ (Lai Châu),.. Trong trận đánh Phong Thổ ác liệt cuối năm 1950, ông Lương lúc đó làm nhiệm vụ lắp đạn súng máy pren – lô, chiến đấu hạ địch từ lúc 4 giờ đến 12 giờ đêm thì địch tạm rút lui. Trận chiến đó, 3 người đồng đội của ông đã hy sinh, ông cũng bị địch bắn bị thương, đứt gân tay trái, vì lý do đó ông đành xuất ngũ. Trở về gia đình, quê hương, ông Lương tham gia công tác, làm xã Đội phó, Bí thư Đoàn xã, trở thành thầy giáo dạy những lớp bình dân học vụ,... Công lao của ông được Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì và Huy chương chiến thắng hạng Nhì.
Những người lính năm xưa giờ đang sinh hoạt tại các Chi hội CCB thôn, xã và luôn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. Với thế hệ trẻ, những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng của họ đã góp phần ôn lại truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta, khơi gợi niềm tự hào sâu sắc, kiến thức cho lớp người sau. Bác Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quang Bình cho biết: “Hội CCB huyện có 17 cơ sở Hội là nơi sinh hoạt cho hơn 2.700 hội viên là các chiến sỹ qua các thời kỳ kháng chiến. Họ đã chiến đấu để bảo vệ, giữ vững từng tấc đất quê hương, để lại cho thế hệ sau một Hà Giang tươi đẹp như ngày hôm nay, do đó, chúng tôi luôn tâm niệm phải hoạt động Hội sao cho hiệu quả để họ được hưởng quyền lợi đáng nhận được, tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho các hội viên có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn”.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc