Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ
BHG- Chiều 30.7, BCĐ T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ. Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Tính từ tháng 1 – 6.2015, có 14 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, gây ra 2 đợt rét đậm, rét hại; ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, gây mưa vừa, mưa to và dông. Trong 6 tháng đầu năm, có 3 đợt nắng nóng diện rộng và nắng nóng cục bộ, ngắn ngày xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh… Thiên tai đã làm 5 người chết và 6 người bị thương; 3 nhà bị sập, đổ hoàn toàn; 634 nhà bị tốc mái; 6 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 35 điểm trường và 2 Trạm y tế bị tốc mái; sạt lở đất, đá trên nhiều tuyến đường; một số công trình thủy lợi và các công trình khác bị hư hỏng; trên 71 ha ngô bị mất trắng và nhiều diện tích ngô, lúa chịu ảnh hưởng… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 15 tỷ đồng. Công tác phòng chống thiên tai được các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão; công tác thường trực, chỉ đạo, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai luôn chủ động, kịp thời…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh đã có mưa trong thời gian qua cần khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; chủ động ứng ngân sách dự phòng hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Do thời gian tới sẽ tiếp tục có mưa, các địa phương cần theo dõi sát sao các thông tin, cảnh báo về mưa lũ; thường xuyên thông tin cho nhân dân, tìm mọi cách thông tin tới mọi gia đình. Chỉ đạo tới các huyện và từng xã kiểm tra các hộ có nguy cơ sạt lở và có biện pháp kiên quyết di dời, sơ tán. Chủ động cảnh báo ở những nơi đặc biệt nguy hiểm; đảm bảo an toàn trong vận hành các hồ chứa; kiểm tra hệ thống đê và xử lý ngay những nơi có nguy cơ mất an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có thiên ta; tổ chức trực ban 24/24 giờ, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống…
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc