Hiệu quả từ phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Phố Cáo
BHG- “Tổ dân vận khéo” xã Phố Cáo (Đồng Văn) được thành lập theo Đề án 05 của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch số 107 của BTV Huyện ủy Đồng Văn. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, xã Phố Cáo đã có chuyển biến rõ nét về phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo AN-QP.
Mô hình may trang phục dân tộc tại thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo (Đồng Văn). |
Là xã khó khăn với 18 thôn, bản; trong đo, có 3 thôn biên giới, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Mông chiếm trên 93%); trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển... Từ thực tế đó, các cấp, các ngành của xã đã áp dụng nhiều hình thức “Dân vận khéo” phù hợp để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, XĐGN. Theo đó, để phong trào đạt hiệu quả, xã đã triển khai tới các hội, đoàn thể, các thôn đăng kí mô hình “Dân vận khéo”; vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Công tác tuyên truyền tại cơ sở cũng được đổi mới, nói cho dân dễ hiểu, dễ thực hiện; nội dung tuyên truyền tập trung vào phát huy từ nội lực trong dân gắn liền với phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới. Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có trình độ dân trí thấp xã có biện pháp “dân vận” tại nhà và đã mang lại hiệu quả ngay sau khi thực hiện.
Về phát triển kinh tế, xã vận động quần chúng nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT... Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hay như: Mô hình chăn nuôi bò, lợn, gà ở thôn Tráng Phúng A, Tráng Phúng B; mô hình may trang phục dân tộc ở thôn Sủa Pả A, Sủa Pả B, Tráng Phúng A, Tráng Phúng B... Thông qua các mô hình này, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư cho phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu như: Mô hình may trang phục dân tộc của gia đình chị Thò Thị Cho, thôn Cháng Phúng A, đem lại thu nhập 100 triệu đồng/năm; mô hình nuôi lợn hàng hóa của gia đình chị Hoàng Thị Thanh Bình, thôn Cháng Phúng A, đem lại thu nhập 140 triệu đồng/năm. Cùng với phát triển kinh tế, nếp sống văn hóa của người dân cũng được nâng lên; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 được kiềm chế; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng lên. Làm đường giao thông liên thôn, xây dựng các công trình vệ sinh, ngăn chuồng trại gia súc, gia cầm xa nhà; hiến đất xây dựng các công trình công cộng; xây dựng chỉnh trang khuôn viên nhà ở; ủng hộ ngày công lao động xây dựng Nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Nạn cờ bạc, ma túy dần được đẩy lùi.
Trao đổi với chúng tôi về công tác dân vận, đồng chí Vừ Mí Chơ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai phong trào thi đua, công tác dân vận của xã đã có những kết quả bước đầu đáng mừng. Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác Dân vận với phương châm “sát với dân, hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở”. Từ khi phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn bản và quần chúng nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia, điều đó góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, củng cố AN – QP, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mạnh Tường
Ý kiến bạn đọc