Tham luận tại Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

08:42, 25/03/2015

* Kết nối giao thông trong liên kết vùng

Hà Giang có vị trí địa chính trị, quân sự chiến lược trọng yếu về AN-QP; có nhiều tiềm năng, lợi thế về khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, phát triển kinh tế biên mậu, cửa khẩu, nông – lâm nghiệp và du lịch. Nhưng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, chia cắt... Hệ thống giao thông của tỉnh đóng một vai trò quan trọng trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là đảm bảo AN-QP của tỉnh Hà Giang nói riêng và của cả nước nói chung. Trong quá trình sử dụng, do công tác đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức nên đã xuống cấp nghiêm trọng; đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Hà Giang.Tham luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải  Lê Đình Thọ, tại Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT-XH, AN-QP vùng Tây Bắc, Bộ Giao thông – Vận tải đã triển khai xây dựng kế hoạch và tập trung thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường trong khu vực theo thứ tự ưu tiên từ các nguồn vốn khác nhau như ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng ưu đãi, ODA... Hầu hết các tuyến đường huyết mạch và nhiều công trình trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng đưa vào cấp, cơ sở hạ tầng GTVT nhất là đường bộ đã được cải thiện đáng kể so với thời gian trước đây.

Trong phát triển liên kết vùng giữa Đông Bắc và Tây Bắc; giao thông đóng vai trò tiên phong. Về quy hoạch, các chiến lược, quy hoạch chuyên ngành để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh Hà Giang kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ đã cơ bản hoàn thiện, làm cơ sở từng bước thực hiện đầu tư. Về công tác đầu tư xây dựng, đã cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp các dự án Quốc lộ 2, 34, một số đoạn trên Quốc lộ 4C. Theo Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến nổi từ thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ được ưu tiên, xem xét nâng lên thành Quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe.

Về kế hoạch đầu tư các dự án giai đoạn 2015 – 2020: Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với AN-AP, phát huy tiềm năng và nguồn lực của các địa phương trong vùng, làm cơ sở chỉ đạo, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch trong vùng, Bộ GTVT đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Hiện đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020, trong đó đã đưa vào một số dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh Hà Giang như: Quốc lộ 2, 279, 4C, 34, đường nối Quốc lộ 4C – Quốc lộ 4D; tuyến đường nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai để làm cơ sở tiếp tục đầu tư, nâng cấp trong những năm tới. Đồng thời Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục kêu gọi, huy động vốn để đầu tư những dự trên với tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng.

VĂN NGHỊ (Lược ghi)

* Lựa chọn Hà Giang thí điểm tập trung phát triển ngành “Công nghiệp văn hóa”

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020. Theo đó vị trí, vai trò của vùng được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, AN-QP và đối ngoại của cả nước và đã có nhiều hỗ trợ, ưu đãi về cơ chế chính sách cho phát triển vùng. Có thể nhận thấy sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với KT-XH của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhưng tại sao KT-XH của vùng vẫn chưa phát triển như mong muốn, việc phát huy lợi thế vẫn còn mang tính tự thân của từng địa phương.Tham luận của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, tại Hội thảo Phát triển KT - XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Hà Giang vừa mang những đặc tính cơ bản của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vừa có những điểm đặc thù riêng, đang dồn sức, tạo động lực cho sự chuyển dịch, phát triển KT-XH từ công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, mậu dịch biên giới nên cần hơn nữa sự tương tác với vùng và cũng nên bắt đầu từ cơ chế, chính sách. Nói ví von như trong lĩnh vực văn hóa “Có bản nhạc hay rồi, có dàn hợp xướng tuyệt vời rồi, thì cần phải có một nhạc trưởng giỏi với bàn tay sắt để chỉ huy”. Tóm lại, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH vùng đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho bài bản, cụ thể, khoa học theo lộ trình và có kiểm tra, đôn đốc, điều chỉnh thường xuyên để các chính sách đi vào cuộc sống bền vững.

Vừa qua, BCH T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 33 cũng nhấn mạnh về phát triển CNVH. Hiện Chiến lược phát triển CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2013 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Với những đặc trưng thiên nhiên, văn hóa, du lịch của vùng, trong đó có Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, kiến nghị lựa chọn Hà Giang là địa phương thí điểm tập trung xây dựng, phát triển “Ngành công nghiệp văn hóa”. Qua mũi nhọn văn hóa, du lịch sau khi Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, rất mong nhận được sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang.

NGA LINH (Lược ghi)

* Bò vàng Cao nguyên đá có điều kiện thuận lợi trở thành sản phẩm thương hiệu mạnh

Tham luận của Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng tại Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Dự án “Ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển bò Cao nguyên đá Đồng Văn thành hàng hóa theo chuỗi giá trị”, được hình thành trên cơ sở nhu cầu phát triển thực tiễn của Hà Giang. Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, bò vàng vùng cao là một nguồn gen quý của Việt Nam, tỷ lệ thịt xẻ lên đến 52%, chất lượng thịt thơm, ngon... Những đặc điểm nổi bật này là yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển sản phẩm thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh với các sản phẩm bò thịt nhập ngoại.

Hiện thực hóa điều này, đòi hỏi phải tổ chức được chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có tiêu chuẩn, thương hiệu mang tầm quốc tế và khu vực; phải xây dựng cơ sở nghiên cứu, lai tạo, nhân giống từ giống bản địa và các giống nhập ngoại, từng bước cải tạo đàn, tạo đàn cái sinh sản nền chất lượng cao, giải quyết tình trạng suy giảm thể trạng do lai tạo cận huyết, giống đực kém chất lượng; phải xây dựng khu vỗ béo, giết mổ, chế biến tập trung nhằm kiểm soát chất lượng trước khi giết mổ. Việc trước mắt cần xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa, xây dựng thương hiệu “Bò vàng Cao nguyên đá” và hệ thống tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm khép kín các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tiêu chuẩn, ổn định cho khâu giết mổ, chế biến, phải phát triển hệ thống gia trại vệ tinh quy mô 10-15 con/gia trại, khoảng 1 nghìn gia trại/70 nghìn hộ chăn nuôi tại 4 huyện. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng hệ thống tiêu thụ, quảng bá sản phẩm được tổ chức chặt chẽ nhằm mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm cho thị trường.

Thực hiện các mục tiêu trên, cần tạo được liên kết giữa Bộ KHCN với chính quyền - người dân - doanh nghiệp - tổ chức tín dụng, trong mối quan hệ đối tác công tư. Trong đó vai trò, trách nhiệm từng bên phải được cụ thể ở mỗi khâu của chuỗi giá trị. Một trong những vấn đề quan trọng để dự án được triển khai thành công, giảm thiểu các tổn thất cho người dân, doanh nghiệp, nhất là ở giai đoạn đầu thực hiện cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách bảo hiểm cho dự án. Đối tượng vừa là con bò nuôi tại các hộ dân, doanh nghiệp, cũng như bảo hiểm toàn bộ các hoạt động trong chuỗi giá trị từ con giống đến sản phẩm chế biến, với các mức phù hợp.

Thiên Thanh (Lược ghi)

* Phát triển dược liệu cần đội ngũ cán bộ khoa học tài năng

Tham luận của Viện sĩ NGUYỄN VĂN HIỆU, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam  tại Hội thảo chuyên đề về “Tái cơ cấu nôn g nghiệp gắn với phát triển giá trị đặc sản và nông - công nghiệp dược liệu Hà Giang

Cây dược liệu là một sản phẩm của ngành trồng trọt, đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật tiên tiến cao hơn hẳn kỹ thuật trồng các cây lương thực và thực phẩm. Chế biến cây dược liệu (DL) thành các dược phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và cạnh tranh thắng lợi với các sản phẩm Đông dược từ nước ngoài, đương nhiên đòi hỏi công nghệ sau thu hoạch phải đạt trình độ cao hơn nhiều so với công nghệ chế biến các nông sản thông thường.

Có một hệ thống cơ sở nông nghiệp trồng cây theo GAP và các thiết bị hiện đại của hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển DL là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Còn phải có một số lượng nhất định các chuyên gia khoa học sử dụng có hiệu quả các thiết bị của hệ thống các phòng thí nghiệm đó. Vì vậy, đồng thời với cơ sở vật chất hiện đại, một đội ngũ cán bộ khoa học tài năng cũng là một thành phần quan trọng của nền tảng phát triển DL. Đào tạo đội ngũ chuyên gia đó không đòi hỏi nhiều kinh phí, nhưng là việc cấp bách phải làm ngay trong năm 2015 thì đến năm 2018 mới có thể thực sự bắt tay vào công việc tại các cơ sở của 2 Trung tâm bảo tồn và phát triển DL Hà Giang.

Ngoài ra, tại các cơ sở thử nghiệm trồng và nghiên cứu trồng cây theo tiêu chuẩn GAP còn rất cần thiết phải có sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học trong Viện DL và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Sự hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tỉnh Hà Giang trong lĩnh vực cây DL đã được khởi đầu từ năm 2014. Thực hiện thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, Viện Hóa sinh biển và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh thu mẫu 9 loại DL đương quy. Ngày 10.11.2014 tại Hà Giang, Sở NN&PTNT Hà Giang và Viện Hóa sinh biển đã ký bản thỏa thuận hợp tác lâu dài trong lĩnh vực đánh giá chất lượng và nâng cao giá trị cây thuốc Hà Giang.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã đầu tư phòng thí nghiệm khá đầy đủ thiết bị hiện đại để xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm DL. Nhằm phát huy các thiết bị hiện đại đó đạt hiệu quả cao nhất, tôi xin đề nghị UBND tỉnh Hà Giang có chính sách thu hút vào làm việc trong Trung tâm các chuyên gia khoa học có trình độ cao. Đồng thời, Trung tâm có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các Viện Khoa học của T.Ư cùng có nội dung hoạt động khoa học giống như hoạt động khoa học của Trung tâm. Viện Hóa sinh biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tiến hành phân tích xác định thành phần và cấu trúc hóa học của các cây thuốc có triển vọng nhất của tỉnh Hà Giang (đã được thu mẫu trong năm 2014). Việc công bố thành phần hóa học các DL là biện pháp tốt nhất tạo ra thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm.

Tiếp theo việc hợp tác xây dựng các quy trình phân tích hiện đại còn có một nội dung hợp tác nghiên cứu triển khai các công nghệ hiện đại sản xuất các dược chất tinh khiết dùng làm nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc chữa bệnh trong y học hiện đại để chữa bệnh cho nhân dân. Các dược chất đó cũng đồng thời có thể được xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho tỉnh.

KIM TIẾN (Lược ghi)

* Liên kết vùng – Giải pháp đột phá kinh tế Hà Giang

Tham luận của Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Giám đốc Học viện Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền tỉnh Hà Giang

Tại sao Hà Giang chưa phát triển!?. Trong nhiều nguyên nhân, có nhóm nguyên nhân chung: Cơ sở hạ tầng thiếu, yếu và kém kết nối; nhân lực thiếu, yếu và thiếu cơ chế, chính sách đặc thù và nhóm nguyên nhân đặc thù: Chưa hình thành được các liên kết kinh tế vùng, tiểu vùng để khai thác các lợi thế phát triển; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai các quy hoạch.

Khi đã chỉ ra những nguyên nhân chung và nhóm nguyên nhân đặc thù, để Hà Giang phát triển cần thực hiện những giải pháp sau: Giải pháp về kết nối không gian. Trong đó: Kết nối các tỉnh biên giới thành hành lang kinh tế liên tỉnh thông qua trục Quốc lộ vành đai biên giới, phối hợp liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Bắc và Tây Bắc nhằm tận dụng phát huy các lợi thế và tiềm năng của Hà Giang và các địa phương trong vùng. Kết nối quốc tế thành hàng lang kinh tế châu Văn Sơn – Hà Giang – Tuyên Quang – Hà Nội – Hải Phòng, tiến tới thành lập Hiệp hội các tỉnh cùng hàng lang kinh tế dọc trục Quốc lộ 2. Kết nối du lịch, đầu tư vào du lịch, tập trung vào Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vừa làm động lực phát triển vừa ổn định an sinh xã hội cho vùng tạo thành tua, tuyến du lịch văn hóa, tâm linh Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) – Đền Hùng (Phú Thọ) – Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, cần ưu tiên cho các giải pháp như: Ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ về chế biến dược liệu, tái cơ cấu ngành nông – lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa ngành dược liệu, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và ưu đãi xuất khẩu dược liệu qua biên giới. Kết nối thương mại bằng các cơ chế như miễn thuế từ 5-10 năm để kích thích giao thương quốc tế qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, trong đó có một số hàng hóa vùng Tây Bắc cần cho phát triển, tiến tới từng bước hình thành hành lang kinh tế mới...

Để thực hiện các giải pháp trên, vai trò của Chương trình Tây bắc và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với tỉnh Hà Giang trong cung cấp cơ sở dữ liệu tích hợp liên vùng, liên ngành, trong đó có: Điều chỉnh quy hoạch, chiến lược phát triển của Hà Giang trong mối liên hệ với các chuỗi liên kết vùng và liên vùng. Xác định luận cứ khoa học và thực tiễn về xây dựng khu kinh tế biên mậu xuyên biên giới Thanh Thủy – Thiên Bảo. Xác định luận cứ khoa học và thực tiễn về xây dựng Hành lang kinh tế: Châu Văn Sơn – Hà Giang – Hà Nội – Hải Phòng, trong đó Cửa khẩu Thành Thủy và Quốc lộ 2 là trục phát triển. Về phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các sở, ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức được 12 khóa cho các tỉnh vùng Tây Bắc trong đó có Hà Giang 3 lớp); nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, tập trung vào các trường nghề; tăng cường tư duy đổi mới, liên kết trong đội ngũ cán bộ cấp sở, ngành; phát triển nhân lực sản xuất trực tiếp về dược liệu, du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư, vì có nhân lực tại chỗ và không ưu tiên phát triển nhân lực cấp Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ tránh “thừa thầy, thiếu thợ”.

NHẬT LINH (Lược ghi)

* Huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ 3 trụ cột kinh tế cơ bản trong điều kiện mới

Tham luận của đồng chí Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH-ĐT tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền tỉnh Hà Giang

So với các tỉnh biên giới phía Bắc, hệ thống cơ sở hạ tầng của Hà Giang bộc lộ nhiều hạn chế so với các địa phương, vùng miền trong nước cũng như với nước láng giềng. Điều này, đang là rào cản phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, một trong những đột phá quan trọng để phát triển KT-XH của tỉnh là phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để khai thác cơ hội phục vụ phát triển, thậm chí để “cất cánh” về kinh tế. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ tăng sự kết nối chặt chẽ giữa Hà Giang với các địa phương trong nước cũng như các địa phương khác của Trung Quốc. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH Hà Giang; trước hết, cần coi trọng việc huy động các nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần hình thành vùng kinh tế Tây Bắc có tính liên kết cao trong chiến lược phát triển kinh tế theo vùng của cả nước. 

Hà Giang có nhiều tiềm năng để phát triển như tài nguyên đất, đá, con người; tiềm năng du lịch, cửa khẩu quốc tế và nền công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm sản..., các thế mạnh này cấu thành 3 trụ cột kinh tế cơ bản. Trụ cột 1: Phát triển công nghiệp có thế mạnh là khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim như sắt, chì kẽm, mangan, antimon, thiếc-vonfram. Ngành công nghiệp thủy điện và ngành Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm gắn với các sản phẩm địa phương như chè đặc sản, thảo quả, đậu tương, thực phẩm, thức ăn gia súc... Công nghiệp chế biến sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng xuất khẩu. Trụ cột 2: Đẩy mạnh thương mại cửa khẩu, trong quan hệ với Trung Quốc, Hà Giang có 1 cặp cửa khẩu quốc tế (Thanh Thủy - Thiên Bảo); 3 cặp cửa khẩu phụ (Phó Bảng - Đổng Cán;  Xín Mần - Đô Long; Săm Pun - Điền Bồng) và 17 đường mòn. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy tạo ra động lực phát triển mới, thông qua phát triển quan hệ thương mại nhiều hình thức với Trung Quốc cũng như kết nối Hà Giang với các địa phương trong nước. Đây là cơ hội để đưa các sản phẩm có thế mạnh của Hà Giang ra nước ngoài trước hết sang thị trường Trung Quốc. Trụ cột 3: Mở rộng dịch vụ du lịch đa dạng, Hà Giang có Công viên Địa chất Toàn cầu, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia. Ngoài ra, Hà Giang có nhiều lễ hội truyền thống và có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan mang đặc trưng địa phương đang ở trạng thái nguyên sơ, chưa được khai thác.

Việc huy động các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ba trụ cột kinh tế của tỉnh Hà Giang có thể thực hiện thông qua nhiều chủ thể khác nhau. Điều này, xuất phát từ nhu cầu khai thác và phát huy thế mạnh của tỉnh trong điều kiện kết nối sâu sắc giữa tỉnh Hà Giang với các địa phương trong cả nước và với nước láng giềng Trung Quốc.

Để thực hiện mục tiêu huy động có hiệu quả, cần xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh Hà Giang dựa trên ba trụ cột kinh tế cơ bản nêu trên, cũng như cần tính toán, xác định nhu cầu về vốn đầu tư trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh trong tầm nhìn 20-30 năm. Kinh nghiệm của một số tỉnh trong huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt là đường giao thông trong điều kiện miền núi là bài học quan trọng đối với tỉnh Hà Giang. Đây cũng là lợi thế của “người đi sau” trong phát triển kinh tế. Chiến lược và chính sách phát triển của tỉnh rõ ràng và hấp dẫn sẽ tạo lòng tin cũng như thu hút hiệu quả các nhà đầu tư có tiềm năng...

VĂN NGHỊ (Lược ghi)

* Phát huy những lợi thế riêng có

Tham luận của PGS.TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – Tổng cục du lịch (tại Hội thảo Chiến lược phát triển kinh tế du lịch Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh trong Khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc

...Hà Giang có lợi thế về khí hậu, có Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều thành phần dân tộc bản địa cư trú còn lưu lại nét văn hóa truyền thống lâu đời; phong cảnh núi cao hoang sơ, ít bị tác động; có điểm cực Bắc, có lễ hội chọi dê... là những điểm khác biệt so với các tỉnh khác cần phải nhấn mạnh khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nâng cao nhận thức của các bên tham gia vào phát triển du lịch. Đặc biệt là các nhà quản lý, doanh nghiệp về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy các lợi thế so sánh của du lịch Hà Giang để nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của điểm đến. Qua đó, tạo ra những bứt phá cho du lịch Hà Giang trong giai đoạn phát triển mới...                              

 

 

 

Hải Lê (Lược ghi)

* Đưa văn hóa tâm linh vào Bảng giá trị du lịch

...Cần phải đưa văn hóa tâm linh vào bảng giá trị du lịch của Hà Giang. Cụ thể, tăng cường xây dựng, tôn tạo một số đền, chùa như: Chùa Sùng Khánh, Bình Lâm, Nậm Dầu... để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với các hình thức du lịch khác của tỉnh sẽ tạo thành những tuor du lịch ý nghĩa, đây cũng là loại hình đang được ưa chuộng hiện nay. Kết hợp với lợi thế Cột cờ Lũng Cú, là điểm cực Bắc của đất nước làm nên điểm nhấn du lịch, hành trình về nguồn khiến du khách cảm nhận được ý nghĩa nhân văn sâu sắc.Tham luận của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan tại Hội thảo Chiến lược phát triển kinh tế du lịch Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh trong Khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc...Cần phải đưa văn hóa tâm linh vào bảng giá trị du lịch của Hà Giang. Cụ thể, tăng cường xây dựng, tôn tạo một số đền, chùa như: Chùa Sùng Khánh, Bình Lâm, Nậm Dầu... để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với các hình thức du lịch khác của tỉnh sẽ tạo thành những tuor du lịch ý nghĩa, đây cũng là loại hình đang được ưa chuộng hiện nay. Kết hợp với lợi thế Cột cờ Lũng Cú, là điểm cực Bắc của đất nước làm nên điểm nhấn du lịch, hành trình về nguồn khiến du khách cảm nhận được ý nghĩa nhân văn sâu sắc.Tham luận của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan tại Hội thảo Chiến lược phát triển kinh tế du lịch Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh trong Khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Lê Hải (Lược ghi)

* Cần định vị được hệ thống sản phẩm du lịch

Tham luận của PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Hà Giang nằm trong khu vực giàu tài nguyên du lịch cảnh quan, sinh thái núi, đặc biệt Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tạo ra nét độc đáo riêng biệt so với các địa phương khác. Giá trị mang tính quốc tế của CVĐC là cơ sở xây dựng hình ảnh, thu hút khách du lịch quốc tế từ nhiều luồng khác nhau. Ngoài ra, các tài nguyên du lịch khác như cảnh quan rừng núi khu vực Tây Bắc, vùng hồ, làng bản gần thành phố Hà Giang cũng có nhiều ý nghĩa trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm hoàn chỉnh, tạo cơ sở cho khách lưu trú. Lợi thế về vị trí địa lý của Hà Giang được mở rộng hơn, khi Cửa khẩu Thanh Thuỷ được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế, mở ra cơ hội khai thác thị trường hàng trăm triệu dân khu vực Nam Trung Quốc, biến Hà Giang thành một trong những điểm chung chuyển du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, phát triển du lịch Hà Giang còn nhiều khó khăn, hạn chế khả năng liên kết với các vùng. Hạn chế đầu tiên chính là hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt đường giao thông chưa phát triển. Tại một số địa bàn du lịch, không gian hẹp cùng với điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế đã cản trở sự phát triển quy mô lớn; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, số lượng khách sạn, nhà nghỉ chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Điều quan trọng hơn cả đối với Hà Giang là việc định vị sản phẩm du lịch, với ý nghĩa xây dựng một hình ảnh riêng của du lịch Hà Giang trong mắt du khách. Hệ thống sản phẩm du lịch của Hà Giang có nhiều tiềm năng, vấn đề nằm ở khả năng sáng tạo, xây dựng và phát triển để nó tinh túy, độc đáo. Đi cùng với nó là quá trình thể hiện sản phẩm, diễn giải giá trị, tạo trải nghiệm và kết gắn các sản phẩm. Cao nguyên đá Đồng Văn có giá trị mang tính toàn cầu, nhưng giải thích nó thế nào, sản phẩm du lịch cộng đồng có những điểm gì khác, điểm gì độc đáo, điểm gì đem lại sự trải nghiệm cho khách vẫn là những bài toán chưa được giải rõ ràng.

Hà Giang đang có nhiều cơ hội phát triển du lịch cũng như liên kết với các địa phương lân cận, nhưng còn nhiều việc cần phải làm để thực sự có một vị trí trong mạng lưới du lịch khu vực, trong cả nước và kết nối quốc tế. Trước hết, cần có những định hướng rõ ràng về tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; cần định vị, xây dựng một hình ảnh du lịch riêng, xây dựng cơ chế hợp tác và chương trình hành động cụ thể cho quá trình hợp tác, phát triển du lịch trong khu vực...

Thiên Thanh (lược ghi)

Hưởng lợi từ hệ thống chính sách phát triển biên giới đất liền của Trung Quốc

Tham luận của GS.TS Đỗ Tiến Sâm - Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Hội thảo Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

Tuyến đường biên giới đất liền của Trung Quốc tiếp giáp 14 nước với chiều dài khoảng 22 nghìn km, phần tiếp giáp Việt Nam dài 1.450 km chạy qua 7 tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang. Chính sách phát triển biên giới đất liền của Trung Quốc nằm trong 3 hệ chính sách lớn gồm: Đại khai phá miền Tây, Hưng biên phú dân và Tự trị dân tộc. Vân Nam vừa là tỉnh biên giới phía Tây Trung Quốc, vừa có nhiều dân tộc nhất, có vị trí thuận lợi để mở cửa đối ngoại với 3 tuyến như qua Mianma sang Ấn Độ Dương, qua Lào đến Đông Nam Á lục địa, qua Việt Nam thông qua hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tỉnh Vân Nam có châu Hồng Hà và Văn Sơn tiếp giáp với các tỉnh Tây Bắc Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang.

Châu Văn Sơn tiếp giáp Hà Giang, có cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo hội tụ đủ 3 chính sách lớn nên được hưởng nhiều ưu đãi về thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các công trình miễn phí giáo dục biên giới, công trình văn hóa biên giới, tích cực triển khai các công trình khoa học kỹ thuật giúp đỡ khó khăn vùng biên giới... Các chính sách biên giới đất liền của Trung Quốc tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của Hà Giang. Trung Quốc ưu tiên phát triển tuyến biên giới đất liền, thúc đẩy mở cửa sự phát triển của Vân Nam nói chung, Văn Sơn nói riêng cũng tạo cơ hội cho Việt Nam, Hà Giang phát triển. Tận dụng được cơ hội này, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến biên giới; đẩy mạnh liên kết vùng giữa Hà Giang và các tỉnh nội địa Việt Nam. Sự hợp tác phát triển giữa Hà Giang với Vân Nam, trước hết châu Văn Sơn cần đặt trong tổng thể hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Phương châm chung của hợp tác thời gian tới là tôn trọng và tin cậy lẫn nhau; hợp tác cùng có lợi và cùng thắng; cùng nhau phát triển bền vững.

TIẾN CHIẾN (lược ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

UBND tỉnh họp phiên tháng 3

BHG- Ngày 24.3, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3 nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH quý I, triển khai nhiệm vụ quý II; cho ý kiến vào tờ trình của các ngành chức năng. 

24/03/2015
Công điện của UBND tỉnh về việc chủ động đối phó với ảnh hưởng của gió lốc, mưa đá

BHG - Ngày 24.3, UBND tỉnh đã có Công điện số 826/CĐ – CTUBND về việc chủ động đối phó với ảnh hưởng của gió lốc, mưa đá trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông ký, gửi.  Trước những diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết, nâng cao cảnh giác, chủ động đề phòng khi mưa lốc xảy ra…

24/03/2015
Hội CQN Trung đoàn 457 Sư đoàn 313 gặp mặt truyền thống

BHG- Chiều 21.3 tại TP Hà Giang, Hội Cựu quân nhân (CQN) Trung đoàn 457 pháo binh thuộc Sư đoàn 313 đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc tại mặt trận Vị Xuyên, tổ chức gặp mặt đầu Xuân với gần 40 CQN và thân nhân CQN trên địa bàn TP Hà Giang. Đến dự có lãnh đạo Ban Liên lạc (BLL) CQN Sư đoàn 313 và Hội CCB TP Hà Giang. 

23/03/2015
Đoàn công tác Ban kinh tế Trung ương thăm Công viên địa chất Toàn Cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG- Ngay sau chương trình Hội thảo Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc diễn ra thành công tốt đẹp. Ngày 21.3, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, thị sát các điểm du lịch trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC CNĐ ĐV). 

23/03/2015