Hội thảo Phát triển KT-XH Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

20:13, 21/03/2015

BHG- Chiều 20.3, BCĐ Tây Bắc, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo Phát triển KT-XH trong mối liên kết vùng Đông Bắc, Tây Bắc.

[links()]

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Bắc cùng các Ủy viên BCH T.Ư Đảng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự hội thảo có các đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Sáng Vang, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; các đồng chí trong BTV, BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành; các nhà khoa học...

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh chủ trì Hội thảo.
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh chủ trì Hội thảo.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nêu rõ: Hà Giang đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành và xác định được tiềm năng, lợi thế phát triển. Hà Giang xác định phát triển trên quan điểm “một trục - hai hướng” như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Hà Giang -  Tuyên Quang - Vĩnh Phúc với thị trường châu Văn Sơn (Trung Quốc).

Trước khi diễn ra hội thảo phát triển KT-XH Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc, 3 phiên hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế biên mậu, phát triển du lịch, tái cơ cấu nông nghiệp và công - nông nghiệp dược liệu được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước. Tại phiên hội thảo chuyên đề về phát triển thương mại biên giới, tạo động lực cho phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền của tỉnh, có gần 100 đại biểu tham gia, hội thảo nhận được 37 bài tham luận và lựa chọn 8 bài trình bày. Tại phiên hội thảo chuyên đề về Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thu hút được 130 đại biểu tham gia, có 21 bài tham luận gửi đến, 11 tham luận trình bày. Phiên thảo luận tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông - công nghiệp dược liệu có 150 đại biểu tham gia, 23 bài tham luận gửi đến, 14 tham luận được trình bày.

....
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày cam sành Hà Giang.

Tại 3 phiên hội thảo chuyên đề, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò của việc phát triển thương mại tuyến biên giới đất liền của tỉnh trong thời gian qua; một số giải pháp phát triển thương mại biên giới tuyến biên giới đất liền của tỉnh; đánh giá tiềm năng du lịch, công tác lãnh chỉ đạo, quy hoạch và thực hiện quy hoạch; phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, tín ngưỡng; đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm, quà tặng du lịch; đánh giá thực trạng ngành nông nghiệp và tiềm năng phát triển công nghiệp dược liệu; phát triển chăn nuôi bò vàng tại 4 huyện vùng cao...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình dệt vải lanh tại khu trưng bày.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình dệt vải lanh tại khu trưng bày.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Hà Giang nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, hàng hóa nước ngoài tràn vào nhiều... Vậy phải làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh, biến lợi thế thành sức mạnh cạnh tranh, tranh thủ được sự phối hợp của các bộ, ngành T.Ư, các địa phương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Giang và các địa phương trong vùng cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, có chính sách kinh tế biên mậu nhạy bén, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, nghiên cứu kỹ thị trường Trung Quốc để hai bên cùng có lợi; hoàn thiện quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, tránh chồng lấn, xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, sắp xếp ổn định dân cư biên giới, hỗ trợ cư dân biên giới phát triển; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa đặc sắc các dân tộc, xây dựng cơ chế, thể chế, có phương thức phát huy các giá trị tăng trưởng xanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách cho Chính phủ. Đối với các bộ, ngành T.Ư cần nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị tại hội thảo, tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Giang. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng, tiến hành quy hoạch kết cấu hạ tầng KT-XH và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu...

Tham dự hội thảo, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ; Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ; Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GT-VT; Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KHCN; Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL; PGS, TS Phạm Trương Hoàng, Đại học Kinh tế Hà Nội; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... đã tham luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

THIÊN THANH - VĂN NGHỊ

Bài phát biểu của GS.TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc,

Thưa đồng chí Triệu Tài Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang,

Thưa các nhà khoa học, quý vị đại biểu tham dự Hội thảo,

Hôm nay, Ban Kinh tế Trung ương rất vui mừng cùng Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”. Thay mặt lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các quý vị đại biểu đã tham dự Hội thảo.

Thưa quý vị đại biểu!

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả Vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng; có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng. Xây dựng Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong Vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, các tỉnh uỷ trong vùng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt trên 11%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng dần tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp). Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến và đảm bảo an ninh lương thực. Công nghiệp phát triển nhanh, khai thác tốt tiềm năng về khai khoáng, thủy điện, chế biến lâm sản, tạo động lực cho chuyển đổi cơ cấu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23%/năm, thu ngân sách tăng bình 29,31%/năm. Tổng đầu tư toàn xã hội đạt khá, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm, nhiều công trình trọng điểm ghi trong Nghị quyết đã và đang được thực hiện. Công tác di dân, tái định cư các dự án thủy điện bước đầu đạt kết quả tốt. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ: đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng kinh tế - xã hội của Vùng, nhất là các tỉnh giáp biên giới như Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây vẫn là vùng nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 trung bình của Vùng là 21,14%, riêng Hà Giang là 26,95%[1]. Nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 50%. Toàn Vùng hiện có 34/62 huyện nghèo và 916/1.761 xã đặc biệt khó khăn của cả nước[2].Về phát triển kinh tế, đây là vùng có mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn nhiều so với một số vùng khác trong cả nước: nhiều tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước; công nghiệp chủ yếu là khai thác và chế biến khoáng sản, giá trị sản xuất không cao, chưa có sự kết nối với nông nghiệp, lâm nghiệp, tỷ trọng sản xuất trong giá trị kinh tế chung còn thấp; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế, cả về tổng giá trị vốn đầu tư cũng như quy mô dự án. Theo đánh giá của VCCI, ngoại trừ Thái Nguyên và Lào Cai, đa số các tỉnh trong vùng có năng lực cạnh tranh tương đối thấp.

Thưa quý vị đại biểu!

Tỉnh Hà Giang được thành lập ngày 20/8/1891 và tái thành lập ngày 1/10/1991, là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc thuộc Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ: diện tích tự nhiên trên 7.800 km2; dân số khoảng 730 nghìn người gồm 22 dân tộc trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Dao; địa hình chủ yếu là núi đá, diện tích canh tác rất hạn chế, hết sức khó khăn về nguồn nước, thời tiết khí hậu hết sức khắc nghiệt. Về cơ bản Hà Giang là tỉnh nghèo nhất cả nước[3]; kết cấu hạ tầng còn yếu, nhất là hệ thống giao thông; tăng trưởng kinh tế chủ yếu còn theo bề rộng, chưa theo chiều sâu, thiếu tính bền vững; hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị gia tăng còn thấp, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cũng như kinh tế Hà Giang nhìn chung không cao; thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu và kinh tế cửa khẩu còn nhiều mặt hạn chế; các liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội Vùng và trên các lĩnh vực, ngành, sản phẩm chưa được phát huy; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chưa có bước đột phá.

Tuy vậy, Hà Giang cũng có nhiều tiềm năng lợi thế so sánh để phát triển. Là vị trí cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có 4 tuyến quốc lộ đi qua, có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài hơn 277 km, Hà Giang có điều kiện quan trọng kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và với các nước khác. Với lợi thế này, Hà Giang có thể cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, liên kết đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đột phá về thể chế, hạ tầng nhằm triển khai mạnh mẽ kinh tế biên mậu trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu kinh tế.

Tỉnh cũng như các địa phương trong vùng có lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu hết sức đặc thù để hình thành và phát triển vùng hàng hoá cây dược liệu và phát triển công nghiệp chế biến dược phẩm cũng như các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản chế biến giá trị cao. Với diện tích rừng tự nhiên lên đến 45%, với hệ sinh thái động thực vật nhiều loài quý hiếm, Hà Giang có lợi thế quan trọng phát triển công nghệ sinh học, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn, phát triển vùng dược liệu, du lịch sinh thái và vùng nguyên liệu gỗ, sản phẩm đặc sản. Những lợi thế so sánh này, cần được phát huy nhằm định hướng mô hình tăng trưởng mới cho nông nghiệp, nông thôn Hà Giang.

Hà Giang có Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều danh thắng như Cột cờ Lũng Cú, núi Cô Tiên, Cổng Trời, nhiều suối nước nóng, di tích quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…; nhiều dân tộc với nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống, lễ hội đặc trưng; các di tích người tiền sử.v.v…Đây là tiềm năng quan trọng để Hà Giang cùng các địa phương trong vùng hình thành và phát triển du lịch quy mô lớn, giá trị cao, kết nối quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình cơ cấu lại kinh tế vùng.

Ngoài các chủ trương, cơ chế chính sách cho Vùng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của Hà Giang. Kết luận số 71-KL/TW ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư đã xác định một số định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển tỉnh Hà Giang đến năm 2020 là: "Xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia, gắn với khai thác, phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn"; "Phát huy tối đa mọi nguồn lực, lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi đàn gia súc, cây dược liệu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển dịch vụ gắn với kinh tế biên mậu - cửa khẩu, du lịch cao nguyên đá Đồng Văn". Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/9/2104 về những nhiệm vụ chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang cũng đã nhấn mạnh: hình thành một số sản phẩm chủ yếu, có thương hiệu trong cả nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế; tiết kiệm tài nguyên, an toàn trong sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài nguyên, lợi thế; tăng cường hợp tác quốc tế; ưu tiên hàng đầu việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo cơ sở liên kết vùng để phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đầu tư và xây dựng hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, coi trọng việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; xây dựng các khu kinh tế quốc phòng theo quy hoạch.

Những năm vừa qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, với vị trí tiền tiêu của Tổ Quốc, địa bàn chiến lược với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã cố gắng nỗ lực rất cao, năng động, dám nghĩ, dám làm, có nhiều cách làm mới sáng tạo có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Kinh tế của Tỉnh phát triển ổn định, tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu phát huy lợi thế cạnh tranh như phát triển sản phẩm đặc sản, sinh thái vùng cao; phát triển nông nghiệp dược liệu; có nhiều mô hình hay về khuyến nông và cải thiện sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc. Xây dựng nông thôn mới có cách làm rất sáng tạo trong phát triển sản xuất, hạ tầng và tổ chức cộng đồng xã hội, tổ chức hệ thống chính trị vùng sâu, vùng xa. Với phát triển công nghiệp, tuy còn khó khăn nhưng Tỉnh cũng đã từng bước hình thành được các khu công nghiệp tạo động lực cho địa phương; Tỉnh đã rất năng động trong phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế cửa khẩu...

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cơ bản Hà Giang vẫn còn là tỉnh nghèo. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Bí thư, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần sớm xây dựng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang; các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh, đảm bảo phát huy vị trí của Hà Giang là tỉnh kết nối giữa Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối giữa Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phát triển vùng nông lâm nghiệp miền núi kết nối với toàn Vùng trên cơ sở lợi thế cạnh tranh và gắn kế chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ du lịch. Phát triển công nghiệp khai khoáng gắn với chế biến sâu và đảm bảo tốt môi trường sinh thái; phát triển dịch vụ thương mại trên cơ sở liên kết hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN; phát triển mạnh các khu kinh tế biên mậu, liên kết chặt chẽ du lịch với nông lâm nghiệp trong Vùng miền núi và trung du Bắc Bộ; phát triển mạng lưới hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị vừa và nhỏ gắn với du lịch, kinh tế biên mậu, nông nghiệp, an ninh - quốc phòng. Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang cần được cụ thể thành quy hoạch không gian phát triển, trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên cơ sở "tích hợp" các loại quy hoạch trong một "quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ".

Thứ hai, trên cơ sở lợi thế “Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”, Tỉnh nên nghiên cứu đề xuất chủ trương, cơ chế chính sách đột phá để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch cao cấp quốc gia và quốc tế về sinh thái, văn hoá dân tộc, khám phá, khoa học, với sản phẩm đặc sản địa phương. Từng bước hình thành các chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng trong Tỉnh, kết nối với các tỉnh trong vùng hình thành một không gian chung cho kinh tế du lịch, kết nối chặt chẽ với quốc tế.

Thứ ba, với điều kiện đặc thù về sinh thái, địa hình thuận lợi cho phát triển dược liệu, Tỉnh cần xây dựng chiến lược, các đề án quy hoạch, phát triển nông - công nghiệp dược liệu đảm bảo tính truyền thống, hiện đại, gắn với việc hình thành ngành nông - công nghiệp dược liệu cho toàn Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; hình thành một số khu công nghiệp chế biến dược liệu, có cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành sản xuất có lợi thế này của Tỉnh. Ngành nông nghiệp - công nghiệp dược liệu nên được quy hoạch, phát triển gắn kết với dịch vụ du lịch để đảm bảo quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và thu hút đầu tư, hình thành thương hiệu sản phẩm dược liệu Hà Giang, Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với các đặc trưng độc đáo, sinh thái, tự nhiên, an toàn, hiệu quả, truyền thống, hiện đại. Phát triển nông - công nghiệp dược liệu chú ý gắn chặt chẽ với lâm nghiệp, với bảo vệ và phát triển rừng, phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.

Thứ tư, trên cơ sở đặc thù về sinh thái, địa hình, tỉnh Hà Giang nên tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trên cơ sở định hướng xây dựng một nền nông nghiệp mới dựa trên lợi thế đặc thù tự nhiên với các chuỗi giá trị: (1) Đặc sản và sinh thái, quản trị tốt hiện đại, gắn với chế biến và đóng gói quy mô nhỏ và vừa, xây dựng và phát triển thương hiệu thương mại công bằng dựa trên sinh thái, văn hoá và vùng khó khăn. Cần gắn kết với sự phát triển toàn Vùng, hình thành những vùng nông nghiệp đặc sản - du lịch, dùng đặc sản để quảng bá du lịch và địa phương; (2) Quy hoạch và phát triển nền nông nghiệp dược liệu kết nối chặt chẽ với công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch. Tỉnh cần nghiên cứu hình thành những hệ thống sản xuất nông nghiệp dược liệu khác nhau đa dạng từ tập trung, phân tán, gắn với giao đất giao rừng, bảo vệ rừng, gắn với việc thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chính sách cho đồng bào dân tộc; (3) Tỉnh cần đề xuất chủ trương đột phá trong xây dựng mô hình nông thôn mới vùng khó khăn, khu vực biên giới trên cơ sở phát triển hệ thống sản xuất đặc thù cho đồng bào dân tộc, có thể có sự hỗ trợ thường xuyên của Nhà nước qua dịch vụ công và chính sách hỗ trợ để tạo ra khả năng tham gia thị trường, gắn với quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, về phát triển kinh tế biên mậu với trung tâm là cặp Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) và Thiên Bảo (Trung Quốc), tỉnh Hà Giang cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là giao thông, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục thông quan; có cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng nhanh kinh tế biên mậu; thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư… Đồng thời, quan tâm phát triển các cặp cửa khẩu phụ gắn với sắp xếp, ổn định dân cư dọc biên giới. Từng bước đưa kinh tế biên mậu trở thành động lực chính để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra những chuyển biến về đời sống xã hội và giải quyết việc làm cho cư dân vùng biên, đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia.

Thưa quý vị đại biểu!

Tôi rất vui mừng được tham dự và đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức. Những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang, mà còn góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc, cung cấp thêm luận cứ để Hà Giang và các tỉnh trong vùng trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Xin chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc!

Chúc Hội thảo thành công và thu được những kết quả hữu ích.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

[1] Quyết định số 529/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 05 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 trên phạm vi toàn quốc.

[2] Báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư vùng Trung du và Miền núi phía bắc, VCCI 2012.

[3] Hà Giang có 6 huyện/11 huyện, thành phố đặc biệt khó khăn theo chương trình 30a của Chính phủ, 120 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2013 còn 26,95%.

 

Bài phát biểu của đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng,

Bí thư Tỉnh uỷ

- Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

- Kính thưa: Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

- Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các trường, các trung tâm, các viện nghiên cứu; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các đồng chí chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến dự hội thảo.

- Thưa toàn thể các Quý vị đại biểu, khách quý; phóng viên các cơ quan thôn tấn, báo chí đến dự và đưa tin về hội thảo.

Hôm nay, tỉnh Hà Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, tôi xin trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc về dự và chỉ đạo Hội thảo; nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và toàn thể quý vị đại biểu, xin kính chúc toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới và dân tộc, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, là tỉnh có vị trí địa chính trị, chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; là không gian kết nối giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, giữa các tỉnh dọc Quốc lộ 2 với vùng phía Nam của nước CHND Trung Hoa rộng lớn, gồm 01 cặp cửa khẩu Quốc tế (Thanh Thuỷ - Thiên Bảo), 03 cặp cửa khẩu phụ (Phó Bảng - Đổng Cán, Săm Pun - Điền Bồng, Xín Mần - Đô Long) và nhiều lối mở biên giới.

Trong lịch sử phát triển của mình, Hà Giang luôn có các thủ lĩnh là người dân tộc thiểu số đứng lên theo Đảng, theo Bác Hồ bảo vệ quê hương Hà Giang trước nạn thổ phỉ loạn lạc và đạo tặc. Đó là thủ lĩnh người Mông - Vương Chí Thành, người đã giác ngộ theo Đảng, theo cách mạng và tham gia Đại biểu Quốc hội khoá I; đó là anh hùng Sùng Dũng Lù vào hang bắt cọp ổn định một vùng biên viễn Vần Chải; đó còn là những cây “đại thụ” tiễu phỉ bên kia Cổng trời Cao nguyên đá Đồng Văn; đó là con đường hạnh phúc, con đường xoá bỏ sự cách biệt giữa Cao nguyên đá Đồng Văn với vùng cách mạng mới được giải phóng. Hôm nay, chúng ta tổ chức hội thảo đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm “con đường hạnh phúc” có ý nghĩa đặc biệt, đây chính là dịp để các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục tìm con đường phát triển kinh tế để tiếp bước con đường Hạnh Phúc đã có kỳ vọng cao hơn, tốt hơn, để Hà Giang phát triển hơn đúng với kỳ vọng “con đường hạnh phúc” mà 50 năm trước các thế hệ thanh niên xung phong đã mở. Chính vì vậy, tỉnh Hà Giang đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý trên cơ sở khoa học quản lý kinh tế, lý luận về mô hình tăng trưởng cũng như khoa học lãnh đạo và thực tiễn kinh nghiệm đã có của các địa phương khác và quốc tế, tích cực tham gia thảo luận, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách, cách làm, đề xuất phù hợp với trung ương ưu tiên phát triển tỉnh Hà Giang đúng vị trí, vai trò chiến lược nơi địa đầu tổ quốc. Sự phát triển và ổn định của Hà Giang sẽ góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế có hiệu quả.

Thưa các đồng chí!

Để phát triển, tình Hà Giang đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành và đã xác định được tiềm năng, lợi thế như tiềm năng về phát triển cây dược liệu, tiềm năng chăn nuôi bò vàng vùng cao, tiềm năng phát triển du lịch cũng như tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu. Các tiềm năng đó đã được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ thống nhất kết luận và trở thành chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiều năm tới. Vừa qua, tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương tập trung quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, dược liệu, lập các dự án khoa học công nghệ để xây dựng thương hiệu sản phẩm “bò vàng cao nguyên đá”, tiến độ triển khai các nhiệm vụ này đã có tác động tích cực đến sự phát triển, tạo xung lực cho phát triển rất tốt. Tuy nhiên, tiềm năng về kinh tế biên mậu, cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ. Đó là cơ chế tài chính đầu tư hạ tầng, cơ chế quản lý và độ thông thoáng trong giao dịch biên giới, hoặc một số chính sách của địa phương cũng như nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh Hà Giang cần phải được tháo gỡ, giải quyết, cải tiến, bổ sung kịp thời. Hà Giang đã xác định phát triển trên quan điểm: “một trục - hai hướng”  như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Hà Tuyên - Vĩnh Phúc trước đây với thị trường Châu Văn Sơn, đây là lợi thế không chỉ của Hà Giang, mà lợi thế này, nhiệm vụ này còn là của các cơ quan trung ương, các địa phương cùng tổ chức thực hiện. Muốn vậy cần phải có cơ chế phù hợp, hợp tác tích hợp, liên kết chặt chẽ, thông tin đầy đủ, sản phẩm và dịch vụ có thế mạnh để cùng nhau phát triển.

Kính thưa các đồng chí!

Hôm nay, tại hội thảo này chúng ta sẽ được nghe các bài tham luận của các nhà khoa học trong quản lý kinh tế, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, đồng thời chúng ta cũng được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, phát biểu định hướng của Ban Kinh tế Trung ương trong phát triển kinh tế tỉnh Hà giang trong mối liên kết vùng và các ý kiến thảo luận khác. Tỉnh Hà Giang trân trọng, mong muốn và hy vọng các ý kiến tham luận nhất định sẽ tạo ra chất lượng và sư thành công của hội thảo lần này với chất lượng cao nhất, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân tỉnh Hà Giang nói riêng và sự quan tâm của nhân dân cả nước nói chung.

Thưa toàn thể các vị đại biểu!

Buổi sáng hôm nay, các ý kiến tham luận và đề xuất, kiến nghị tại 03 phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổng hợp báo cáo tại hội thảo chiều nay, tuy nhiên, tại hội thảo này, tỉnh Hà Giang xin đề xuất một số cơ chế, chính sách và đề nghị các vị đại biểu cùng thảo luận, làm rõ những vấn đề trước khi đồng chí Phó Thủ tướng phát biểu chỉ đạo, các nội dung đó là:

1. Về phát triển thương mại biên giới tỉnh Hà Giang, hiện nay danh mục hàng hoá xuất - nhập khẩu do trung ương quy định, còn mang tính cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu thị trường... Nên để tăng nguồn thu qua cửa khẩu; để tỉnh chủ động, linh hoạt trong chính sách phát triển thương mại biên giới, nhất là phù hợp với chính sách phân cấp quản lý cửa khẩu cho chính quyền địa phương của Trung Quốc,

Đề nghị Chính phủ cho Hà Giang báo cáo phương án cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu hoạt động xuất - nhập khẩu để đầu tư hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn tới; cho Hà Giang được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thí điểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

2. Về triển khai Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kết luận số 39 của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Hà Giang. Đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các kết luận, ưu tiên giành nguồn lực để triển khai các đề án, dự án của tỉnh đã xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định. Trong đó trước mắt tập trung vào một số nhiệm vụ như:

- Ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối Hà Giang với Đông Bắc và Tây Bắc như: trục Quốc lộ 2; tuyến đường vành đai biên giới (Quốc lộ 4D); tuyến đường kết nối với Cao Bằng (Quốc lộ 34); kết nối Hà Giang với Lào Cai (Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 183, đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai...); bố trí kinh phí thoả đáng để đầu tư

- Bố trí kinh phí theo quy hoạch, dự án xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sớm trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia...

- Bố trí kinh phí triển khai dự án dược liệu tỉnh Hà Giang đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt. Đề xuất Chính phủ cho tỉnh Hà Giang được thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông - công nghiệp dược liệu; quy hoạch vùng trồng dược liệu khu vực Đông Bắc, Tây Bắc gắn với quy hoạch khu, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại tỉnh Hà Giang.

- Giành nguồn lực của Trung ương cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề cho đồng bào thiểu số và cho việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc.

3. Về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh: Đề xuất Trung ương cho Hà Giang được chủ động lập danh mục và phê duyệt các loại máy móc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp linh hoạt hơn, phù hợp hơn với điều kiện canh tác của Hà Giang. Hà Giang đề xuất với Trung ương đánh giá và quy hoạch lại vùng nguyên liệu giấy để chuyển đổi các công ty lâm trường tham gia vào chuối giá trị kinh tế nông nghiệp địa phương tốt hơn. Bên cạnh đó đề xuất Chính phủ có chính sách tín dụng cho kinh tế đồi rừng theo chu kỳ khai thác để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đồng thời kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm đơn vị đầu mối xây dựng dự án “Ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển Bò cao nguyên đá Đồng Văn thành hàng hoá theo chuối giá trị có thương hiệu trong khu vực”.

4. Về nguồn lực phát triển: Đề nghị Chính phủ cho chủ trương để tỉnh thí điểm việc lồng ghép các nguồn lực, các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia... cho mục tiêu phát triển của tỉnh. Cho chủ trương để tỉnh chủ động phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Tập đoàn, doanh nghiệp... tạo đầu mối để thu hút nguồn lực đầu tư; cho chủ trương để các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước được tính trước thuế các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới... Coi đây là nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho phát triển các địa phương.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Với những mong muồn và kỳ vọng nêu trên, một lần nữa thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, xin kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể các đồng chí về dự hội thảo mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc

BHG - Tối 20.3, tại Quảng trường 26.3, BCĐ Tây Bắc phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc. Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Bắc...

20/03/2015
Quyết định về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

BHG- Ngày 16.12.2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 3329/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Đơn vị H100, Lực lượng Thanh niên xung phong mở đường "Hạnh Phúc" Hà Giang – Đồng Văn. Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

20/03/2015
Cựu Thanh niên xung phong thăm lại con đường Hạnh Phúc

BHG- Thiết thực hướng đến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc (20.3.1965-2015), trong 3 ngày (từ 18-20.3), UBND tỉnh tổ chức chuyến tham quan, đưa các cựu Thanh niên xung phong (TNXP) thăm lại con đường Hạnh phúc. Đưa và đón tiếp đoàn có lãnh đạo Tỉnh đoàn và các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn…

20/03/2015
Chương trình "Tháng ba biên giới" tại huyện Đồng Văn

BHG- Ngày 19.3, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức Chương trình "Tháng ba biên giới" tại xã Lũng Cú và thị trấn (TT) Đồng Văn, huyện Đồng Văn. 

20/03/2015