Quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2015, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ mới 2016 – 2020
Xuân 2015- Năm 2014, tổng sản phẩm trong tỉnh đạt trên 9.250 tỷ đồng, tăng 6,32% so với năm 2013. Con số này không đạt kế hoạch nhưng xét trên từng nhóm ngành, từng lĩnh vực cụ thể lại có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tiềm năng, lợi thế một số ngành, lĩnh vực bước đầu phát huy hiệu quả, tỉnh cũng xác định rõ các trọng điểm kinh tế để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông thăm Làng nghề Dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc). Ảnh: KHÁNH TOÀN |
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, do tình trạng hạn hán xảy ra ở nhiều địa phương trong vụ Xuân nên tỉnh thực hiện phương châm “lấy Mùa và vụ Đông bù Xuân”. Nhờ đó, toàn tỉnh đảm bảo những chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng sản lượng lương thực trên 386.000 tấn, đạt 100,2% kế hoạch; giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác cây hàng năm đạt gần 40 triệu đồng; diện tích cây vụ Đông trên 10.500 ha... Nổi bật, tỉnh thu hút các doanh nghiệp triển khai các chương trình liên kết trong sản xuất, bước đầu đạt kết quả tích cực. Trong đó thu hút Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) liên kết trồng cây chanh leo, gấc; Công ty Bình Minh 3 và Tập đoàn GFS - DKPharma thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu... Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đã triển khai chương trình hỗ trợ cho 10.000 hộ nghèo mua trâu, bò sinh sản. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện cho hộ nghèo có con giống để phát triển kinh tế, do đó khi triển khai nhận được sự đồng tình cao của nhân dân. Trong lĩnh vực xây dựng NTM, tỉnh thực hiện phân cấp triệt để nguồn kinh phí cho huyện, xã nhằm tạo sự chủ động trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó lồng ghép, thu hút nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng. Kết quả, 41 xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 thực hiện tăng từ 1 đến 2 tiêu chí. Đến cuối năm tỉnh có 3 xã đạt chuẩn NTM: Việt Lâm (Vị Xuyên); xã Phương Độ và Phương Thiện (thành phố Hà Giang).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các huyện, thành phố tham quan mô hình sản xuất cá giống tại Trung tâm Thủy sản. Ảnh: VĂN NGHỊ |
Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế trên 3.600 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch. Tỉnh chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm hạn chế, yếu kém nhất là việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động khai khoáng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện, các dự án trọng điểm. Xây dựng kế hoạch nâng cấp cửa khẩu Xín Mần, Săm Pun thành cửa khẩu Quốc gia. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, tiêu dùng xã hội đạt 5.757 tỷ đồng, đạt trên 110% kế hoạch. Giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu ước cả năm đạt 250 triệu Đô la Mỹ. Mặc dù là một năm khó khăn nhưng với sự nỗ lực chung của tỉnh, công tác thu các khoản thuế, phí trên địa bàn tỉnh đạt khá, tổng thu trên địa bàn đạt 1.440 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Trong tháng 12 vừa qua, tỉnh ta tổ chức lễ công bố Cửa khẩu Thanh Thủy chính thức được nâng cấp từ cửa khẩu Quốc gia lên cửa khẩu Quốc tế. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Hà Giang với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đường Xuân. Ảnh: LÊ LÂM |
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên. Toàn tỉnh hiện có 98/142 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác y tế, dân số được quan tâm, có những chuyển biến đáng khích lệ. Các chương trình y tế Quốc gia được triển khai theo đúng kế hoạch, hoạt động y tế dự phòng được duy trì thường xuyên. Các chương trình, dự án về giảm nghèo, giải quyết việc làm, trợ giúp người nghèo được thực hiện nghiêm túc, có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương. Từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ được lồng ghép, thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh có 8.400 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 21,65%. Điểm nhấn trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đó là Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch được quan tâm phát triển dưới nhiều hình thức, lượng khách du lịch tăng cao với trên 650 ngàn lượt khách, tăng 25% so với năm 2013. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ. 100% sở, ngành, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử. Năm 2014 chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh tăng 13 bậc so với năm 2013, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cao được quan tâm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh kết quả khả quan, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận còn những yếu kém cần khắc phục. Cụ thể, trong 24 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết HĐND tỉnh vẫn còn 8 chỉ tiêu không đạt. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, dạy nghề hiệu quả chưa cao. Việc phân cấp, phân quyền ở cơ sở chưa mạnh nên chưa phát huy được sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện hhiệm vụ ở cơ sở. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp hạn chế; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tự tử và ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra nhiều...
2015 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 5 năm 2010 – 2015, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Do đó, mục tiêu trọng tâm chúng ta cần thực hiện là: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng. Đảm bảo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010-2015. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Dự báo bối cảnh thực hiện nhiệm vụ trong năm tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách. Do đó nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh là hết sức nặng nề, để hoàn thành được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần vận dụng linh hoạt các giải pháp chỉ đạo theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó cần quan tâm, triển khai các nhóm giải pháp cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách, tạo sự bứt phá trong một số lĩnh vực. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy và phát triển kinh tế biên mậu để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Huy động và sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu khác để tạo điều kiện nâng cao mức sống của nhân trong vùng nghèo, xã nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm trên 5%.
Xuân Ất Mùi đang về trên quê hương Hà Giang cực Bắc của Tổ quốc. Với nhiều kỳ vọng mới, tôi kêu gọi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc đoàn kết, chia sẻ khó khăn, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015, tạo khí thế và động lực cho nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI./.
Đàm Văn Bông (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc