Không ngừng quan tâm, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

07:41, 16/12/2014

HGĐT- Qua 5 năm, từ 2009 – 2014, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình, mục tiêu về phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc ngày càng phát triển, ổn định về mọi mặt.


Với sự quan tâm lớn của tỉnh, thể hiện qua việc BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 28.11.2011, về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnhgiai đoạn 2011 – 2015; UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước... Giai đoạn 2009 – 2014, chúng ta triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình 135 thực hiện từ năm 2009 – 2013 thực hiện trên địa bàn 123 xã, 93 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II, năm 2014 thực hiện trên 140 xã và 98 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng II; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư theo Quyết định 33/2007 và 1342/2013 của Thủ tướng Chính phủ, xen ghép dự án định canh, định cư tập trung; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, DTTS; Chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ...


Thông qua các chính sách hỗ trợ, giúp cho sản xuất nông – lâm nghiệp vùng đồng bào DTTS đạt được rất nhiều thành tựu. Chúng ta đã đảm bảo an ninh lương thực và từng bước đưa nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa với việc đẩy mạnh áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hệ số sử dụng đất, đưa vụ Đông dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ từng bước phát triển mạnh. Tỉnh đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản, điện năng... Với việc đầu tư phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, sản xuất điện năng, từng bước làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Qua đó, là cơ hội giải quyết việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.


Những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là vai trò tham gia của đồng bào DTTS thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến về hiến đất làm đường và các công trình cộng đồng; xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Thực hiện nhiều phong trào như: Bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh trật tự; khuyến học, khuyến tài...


Với sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, những năm qua tỉnh ta đã tập trung nguồn lực không nhỏ cho việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như: Giao thông, trường học, trạm xá, đưa điện lưới Quốc gia... về vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Từ đó, giúp cho các lĩnh vực như: Giáo dục,y tế, văn hóa thông tin tiếp tục có bước tiến rõ nét. Chúng ta tiếp tục củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS, hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tính đến nay, toàn tỉnh có 97 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 124 trường phổ thông dân tộc bán trú. Các chính sách dành cho học sinh dân tộc được thực hiện nghiêm túc và trong những năm qua đã có 480 học sinh DTTS được xét cử tuyển đi học tại 22 trường đại học. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS được quan tâm. Hiện nay, ở cấp tỉnh, số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS có 3.638 người, chiếm 42,7% tổng số cán bộ, công chức, viên chức; cấp huyện số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chiếm 55%; cấp xã chiếm 84,16%. Tỷ lệ đảng viên là người DTTS hiện chiếm 69,5% trong tổng số đảng viên toàn tỉnh. Mạng lưới y tế được củng cố, được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, đến nay có 58,5% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được quan tâm, bảo tồn. Chúng ta vinh dự có nhiều di sản văn hóa được công nhận, tiêu biểu trong số đó là Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và nhiều di tích, lễ hội độc đáo khác. Hệ thống thông tin, viễn thông tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển rộng khắp. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có điện lưới Quốc gia, 76,47% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia.


Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chúng ta tiếp tục phân công các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp theo dõi, giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo tìm các giải pháp để thoát nghèo cũng như kêu gọi nguồn lực vật chất hỗ trợ. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có 3.210 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, trên 58.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi lãi suất, trên 300.000 lượt người nghèo được tập huấn kỹ thuật, khuyến nông; trên 17.300 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở, 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Cùng với đó, hệ thống các trường đào tạo nghề được xây dựng, củng cố với 18 trường trong toàn tỉnh. Qua đó, từ 2009 đến nay, có 70.833 lượt lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong đó, có trên 43.000 lao động là đồng bào DTTS. Với nỗ lực lớn của toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 41,8% năm 2010 xuống còn 26,95% năm 2013.


Vượt qua điều kiện của một tỉnh thuộc diện khó khăn nhất cả nước, chúng ta đã thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách phát triển dành cho cho đồng bào DTTS. Từ đó, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH, cùng cố hệ thống chính trị, ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn. Những kết quả đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS mà còn khẳng định, chúng ta đã quyết tâm thực hiện tốt 8 điều Bác Hồ dạy khi Người lên thăm tỉnh ta năm 1961.


Bên cạnh thành tựu đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại như: Kinh tế vùng đồng bào DTTS tuy có bước phát triển, nhưng còn chậm; sự phát triển kinh tế giữa các vùng, các dân tộc chưa đồng đều; kết cấu hạ tầng KT - XH còn những hạn chế như nhiều nơi vẫn còn khó khăn về điện lưới Quốc gia, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế...; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững; trình độ nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế so với mặt bằng chung của tỉnh; một bộ phận người dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước... Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới chúng ta cần phải nỗ lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chiến lược công tác dân tộc mà T.Ư và Đảng bộ tỉnh đề ra; tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn; tích cực tăng cường phát triển văn hóa thông tin, giáo dục về cơ sở. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Trong đó, cần phải chú trọng xây dựng và quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là người DTTS.


Đàm Văn Bông (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
HGĐT- Là địa bàn cư trú của 15 thành phần dân tộc với tổng số gần 53 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 93%, những năm qua, huyện Bắc Mê đã có nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong thực hiện các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, đời sống cho người dân và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng vững mạnh.
16/12/2014
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hà Giang và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
HGĐT- Ngày 15.12, tại Hà Nội, UBND tỉnh phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Tọa đàm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hà Giang và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Các ông Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Hùng, Phó trưởng Ban điều phối Viện trợ nhân dân chủ trì. Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo
15/12/2014
Họp báo thông báo kết quả Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh, khóa XVI
HGĐT- Ngày 12.12, HĐND tỉnh tổ chức Họp báo thông báo kết quả Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVI (2011-2016). Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng quyết định những vấn đề lớn của tỉnh nhằm quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2010 – 2015 đã đề ra. Đến dự có đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
15/12/2014
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh kiểm tra tình hình hoạt động của Nhà máy ô tô Giải Phóng
HGĐT- Ngày 12.12, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của Nhà máy ô tô Giải Phóng tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo Sở Công thương.
13/12/2014