Sơ kết “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội
HGĐT- Sáng 16.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết “4 đổi mới, 8 đột phá và 15 chương trình trọng tâm” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự, phát biểu chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội nghị.
Dự, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố…
3 năm thực hiện “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội cho thấy quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy sâu sát, đúng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu cơ bản trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trong chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, địa chất, tâm linh. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, trong đó đầu tư trọng điểm một số di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể… Qua đó, các chỉ tiêu đột phá trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đều đạt kế hoạch đề ra, cụ thể: Lượng khách và doanh thu du lịch ngày càng tăng, đến năm 2013, khách đến Hà Giang đạt trên 550.000 lượt người, doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng; tỉnh ra mắt được 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng; 52 di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được xếp hạng các cấp…
Về chương trình đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng y tế - kế hoạch hóa gia đình. Toàn ngành Y tế nỗ lực thực hiện giải pháp để thực hiện như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ; luân chuyển và đưa bác sỹ về cơ sở; phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh… Do đó, bộ máy của ngành Y tế dần hoàn thiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, trung bình toàn tỉnh có 7,2 bác sỹ và dược sỹ đại học/10.000 dân; 100% xã, phương, thị trấn có bác sỹ công tác; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 22,5%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,59%...
Trong chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được hoàn thiện, đến nay tỉnh có 18 cơ sở dạy nghề với 428 cán bộ, giáo viên. Từ năm 2011 đến 2014, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 70.000 lao động, giải quyết việc làm cho trên 63.000 lao động… Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó nổi bật là mạng lưới trường, lớp được củng cố, đội ngũ cán bộ, giáo viên được bổ sung đảm bảo cả chất lượng, số lượng…
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Vương Mí Vàng, Đàm Văn Bông nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị này là nhằm đánh giá kết quả về “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, qua đó xác định rõ nội dung đột phá, đổi mới và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Gợi ý một số nội dung trong từng lĩnh vực cần được các ngành quan tâm, trong lĩnh vực du lịch, ngành chuyên môn cần xác định rõ nhiệm vụ để thực hiện quy hoạch Hà Giang trở thành vùng du lịch trọng điểm khu vực trung du miền núi phía Bắc và quy hoạch các khu chức năng trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Khai thác các sản phẩm du lịch vật thể, phi vật thể nhằm tạo được nét riêng của Hà Giang. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng cần quan tâm tập huấn cho người dân làm du lịch cách giao tiếp, ứng xử với du khách từ những hành vi nhỏ nhất. Trong lĩnh vực đổi mới giáo dục – đào tạo, cần tập trung bàn, xác định khâu đột phá trong những năm tới, trong đó quan tâm đến đổi mới về nhận xét, đánh giá cán bộ; xây dựng kỹ năng sống, ứng dụng công nghệ thông tin… Về y tế, bên cạnh những kết quả trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, phát triển mạng lưới thì vấn đề còn yếu đó là công tác truyền thông chưa thực sự hiệu quả, do đó trong xã hội còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối như ngộ độc thực phẩm, tự tử, tảo hôn… Đó cũng là những yếu điểm mà ngành Y tế cần xác định để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nghiên cứu, xem xét để thực hiện công tác dạy nghề chất lượng quốc tế… Và để thực hiện đạt kết quả các khâu đột phá, đổi mới trên các lĩnh vực, cần quán triệt, thực hiện quan điểm “Đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác quản lý, điều hành của chính quyền, đổi mới công tác tham mưu của các ngành chức năng”…
Ý kiến bạn đọc