Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn hai công ước quốc tế

09:03, 24/10/2014

Sáng 23-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình Quốc hội phê chuẩn hai Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật và Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.


Nhất trí thực hiện toàn bộ Công ước về Quyền của người khuyết tật

Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13-12-2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Tính đến tháng 3-2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký Công ước và 141 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Trong khối ASEAN, đã có tám nước phê chuẩn Công ước, hai nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei. Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22-10-2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.

Theo Chủ tịch nước, Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước ta là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày cũng khẳng định, Công ước về quyền của người khuyết tật là một trong những điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về nhân quyền. Việt Nam là quốc gia đã ký Công ước từ năm 2007, là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, việc chậm phê chuẩn Công ước đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi đầy đủ quyền của người khuyết tật khi mà nước ta hiện có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, Ủy ban Đối ngoại cho rằng việc Quốc hội phê chuẩn Công ước này tại kỳ họp thứ 8 là hết sức cần thiết và nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ không bảo lưu điều khoản nào của Công ước.

Không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1984, có hiệu lực thi hành ngày26-6-1987và hiện có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam.

Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, Công ước chống tra tấn là điều ước quốc tế về quyền con người nên phải được trình Quốc hội phê chuẩn. Điều 25 Công ước chống tra tấn cũng quy định Công ước phải được phê chuẩn. Như vậy, việc phê chuẩn Công ước là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn theo quy định tại Điều 25 của Công ước và theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày cho rằng các nội dung của Công ước chống tra tấn về cơ bản phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền con người nói chung và về chống tra tấn nói riêng. Để chuẩn bị cho việc gia nhập Công ước, Bộ Công an đã thành lập Ban nghiên cứu để tổ chức rà soát công phu nhằm đánh giá sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước chống tra tấn, từ đó đưa ra những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.

Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, Công ước không có nội dung trái với pháp luật do Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội ban hành; Công ước có một số nội dung chưa được quy định trong văn bản pháp luật Việt Nam. Cụ thể, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tội danh tra tấn như tại Điều 1 Công ước; chưa có quy định về từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn... Các nội dung này đã được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Ủy ban Đối ngoại cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam, bảo lưu quy định tại Điều 20 của Công ước liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban chống tra tấn và Khoản 1 Điều 30 về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước.

Đối với các nội dung của Công ước chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong văn bản pháp luật trong nước nhằm nội luật hóa các nội dung của Công ước.


nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ
Thông cáo ngày 23/10 của Bộ Ngoại giao cho biết nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 27-29/10.
24/10/2014
Cần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Ngày 22-10, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), theo đó nhiều đại biểu cho rằng, cần khẳng định rõ hơn về vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội được quy định trong luật.
23/10/2014
Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ 24 (khóa XVII)
HGĐT- Ngày 21.10, BCH Đảng bộ huyện Quản Bạ tổ chức Hội nghị lần thứ 24, khoá XVII, nhiệm kỳ 2010– 2015. Dự có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy;các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy…
22/10/2014
Tập huấn công tác thông tin đối ngoại cho phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương
HGĐT- Ngày 22.10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thông tin đối ngoại dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Đến dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Vụ thông tin báo chí – Bộ Ngoại giao, Cục thông tin đối ngoại – Bộ Thông tin và Truyền thông, Học
22/10/2014