Cần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội
Ngày 22-10, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), theo đó nhiều đại biểu cho rằng, cần khẳng định rõ hơn về vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội được quy định trong luật.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, Quốc hội giữ trọng trách quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, tuy nhiên những quyết định này chưa được thể hiện một cách rõ nét, chưa phát huy được thế mạnh, vai trò là cơ quan dân cử. Đặc biệt là quyết định phân bổ ngân sách nhà nước.
Trong những năm qua việc quyết định ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định còn mang tính chung chung, hình thức. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, nguyên nhân là do cơ quan thẩm tra về phân bổ ngân sách chưa được tăng cường thực lực, tương xứng với chức năng nhiệm vụ. Chưa có cơ chế hữu hiệu tham vấn đội ngũ chuyên gia về phân bổ ngân sách, dự toán phân bổ ngân sách hằng năm còn có nhiều số liệu phức tạp, lập luận mang nặng tính tự biện. Phân bổ ngân sách chưa phản ánh được các vấn đề ưu tiên của chính phủ trong hoạt động, chưa thể hiện được những vấn đề "bức xúc" về phát triển kinh tế của đất nước.
"Luật Tổ chức Quốc hội cần đổi mới về thẩm quyền phân bổ ngân sách của Quốc hội để khẳng định rõ vai trò của Quốc hội - cơ quan đại diện của nhân dân và trở thành chủ nhân thực sự phân bổ đồng tiền do người dân đóng góp" - Đại biểu Huỳnh Nghĩa ý kiến.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, việc phân bổ ngân sách hằng năm phải được bàn bạc trên cơ sở kèm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh được những ưu tiên trong phát triển kinh tế. Thảo luận về ngân sách phải gắn với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời phải tăng cường năng lực của Quốc trong việc thẩm tra về ngân sách, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội phải mang tính định hướng chỉ ra cho đại biểu Quốc hội thấy rõ sự cần thiết về các khoản chi ngân sách trong từng lĩnh vực.
Cho rằng chức năng bảo hiến của Quốc hội trong luật chỉ được đề cập rất mờ nhạt, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định rõ chức năng bảo hiến của hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Ngoài ra cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn hành chính, số lượng đại biểu chuyên trách có tăng nhưng chưa cụ thể.
Đại biểu của Hải Phòng cho rằng, "Luật ban hành cần tránh tính trạng hạn chế hành chính hóa hoạt động của đại biểu Quốc hội. Luật cần quy định rõ số lượng đại biểu chuyên trách ở các địa phương, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các Ủy ban của Quốc hội".
Cùng quan điểm với đại biểu Trần Ngọc Vinh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khẳng định, việc nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội rất quan trọng. Đại biểu Quốc hội phải nói được tiếng nói của cử tri, của công bằng, lẽ phải. Tiêu chuẩn của đại biểu phải quy định chặt chẽ để chọn được người tiêu biểu cả về đức, tài, phải đề cao trí tuệ, bản lĩnh, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân.
“Cần nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, mỗi đoàn đại biểu phải có ít nhất hai đại biểu hoạt động chuyên trách” - Đại biểu Tiến Sinh đề nghị.
Cũng trong buổi thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu tán thành thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội như dự thảo. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), chức danh Tổng thư ký Quốc hội đáp ứng được nhu cầu hoạt động của Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn liền với thiết chế văn phòng Quốc hội. Chức danh Tổng thư ký giúp việc cho Chánh văn phòng Quốc hội và Ban thư ký là một tập thể do vậy không thể quyết định thay cho Tổng thư ký trong trường hợp tổng thư ký vắng mặt.
Bên cạnh đó, đại biểu Văn Tám cũng đề nghị cần có chức danh Phó tổng thư ký Quốc hội để giúp việc cho Tổng thư ký.
Tuy nhiên, đại biểu Văn Tám cũng lưu ý, Luật cần quy định theo hướng Văn phòng Quốc hội không phải là cơ quan hành chính nhà nước vì cơ quan hành chính nhà nước có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đó Văn phòng Quốc hội không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho nên chỉ quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan tham mưu, tổng hợp phục vụ cho Quốc hội.
Cũng trong phiên thảo luận nhiều đại biểu đã tập trung góp ý vào nhiều điều khoản quan trọng của Luật Tổ chức Quốc hội như các vấn đề về đoàn đại biểu quốc hội, đại biểu quốc hội chuyên trách, về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu, về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Ý kiến bạn đọc