Trách nhiệm đảng viên trong công tác Dân vận ở thôn Ma Lù Súng
HGĐT- Xác định công tác dân vận là cách làm gần gũi để tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Chính vì vậy Chi bộ thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì luôn gắn trách nhiệm của từng đảng viên để làm công tác dân vận và đã thu được nhiều kết quả khích lệ.
Người dân thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng giúp nhau mở đường giao thông.
Thôn Ma Lù Súng, cách trung tâm xã Bản Nhùng khoảng chừng 3km, nhưng để vào đến thôn cũng mất 2 tiếng đồng hồ bằng xe máy. Con đường vào thôn thường xuyên bị chia cắt bởi sạt lở tả luy dương càng trở nên khó đi; toàn thôn có 85 hộ, cuộc sống của hầu hết các hộ đều khó khăn. Trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền vận động trong việc phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới...
Trong xây dựng Nông thôn mới, lãnh đạo thôn luôn xác định lấy dân làm gốc để hoàn thành những tiêu chí mà nội lực đã có. Ban đầu, toàn thôn chỉ có 4 -5 nhà thực hiện xây nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm. Rồi Chi bộ tổ chức họp thôn, phân tích lợi ích, đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho con người; sau họp thôn, ai cũng hiểu nhưng nhiều hộ còn rụt rè, không giám thực hiện. Phần do tập quán sinh hoạt, phần kinh tế khó khăn, ngại thay đổi. Nắm bắt được tình hình cụ thể, Chi bộ thôn tổ chức họp chuyên đề về vấn đề này, gắn trách nhiệm của từng đảng viên đến vận động, phân tích cho họ hiểu và thực hiện, đồng thời các gia đình có đảng viên phải thực hiện trước để dân biết và làm theo. Từ đó, phong trào làm bể nước, nhà tắm và nhà vệ sinh ra xa nhà ở được người dân trong thôn ủng hộ thực hiện. Kết quả từ đầu năm 2014 đến nay, đã có gần 50 hộ thực hiện đủ 3 công trình, nhiều hộ thực hiện được 1-2 công trình...
Công tác dân vận được thống nhất từ Chi bộ thôn đến từng đảng viên, chính vì vậy từ năm 2013 đến nay, thôn đã cùng bà con đóng góp nhiều ngày công, tiền của làm được hơn 1km kênh mương kiên cố; đầu tháng 8 vừa qua, thôn đã hoàn thành một điểm trường Mầm non 3 gian bằng gỗ, lợp prô – xi măng; toàn thôn không có trường hợp sinh con thứ 3, không tảo hôn và không có cặp vợ chồng lấy nhau cận huyết thống mà trước đây những trường hợp như vậy vẫn thường xuyên xảy ra.
Năm 2013, chợ phiên xã Bản Nhùng được hình thành; khi mới có chợ, người dân trong xã còn e ngại đem những hàng hóa nông sản ra chợ bán, tuy nhiên được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã vận động người dân trồng rau, chăn nuôi theo hướng hàng hóa... Chi bộ thôn Ma Lù Súng cũng giao nhiệm vụ cho các đảng viên đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn họ trồng rau trên những thửa đất bỏ không; kết qủa nhiều gia đình đã chủ động cải tạo đất trồng được những vườn rau xanh tốt..., không chỉ phụ vụ cho gia đình mà còn bán để mua các vận dụng sinh hoạt khác; kinh tế dần được cải thiện và nâng lên, năm 2012 số hộ nghèo trong thôn là 60%, đến nay giảm còn gần 46%.
Trong công tác bảo vệ rừng và trồng rừng, phát huy sự dân chủ trong các buổi họp thôn, lắng nghe các ý kiến đóng góp của dân, sự thống nhất, đồng thuận của dân nên thôn Ma Lù Súng đã đề ra Quy ước, Hương ước cụ thể để bảo vệ rừng, chẳng hạn như: Cây trong rừng là để phục vụ nhân dân trong thôn, khi nhà nào có nhu cầu khai thác phải họp thôn và được sự nhất trí của mọi người trong thôn đó; trưởng thôn sẽ hướng dẫn cho gia đình đó làm đơn xin cấp phép khai thác gửi UBND xã, khi được phép thì người dân mới được chặt cây mang về. Chính vì vậy rừng ở đây được bảo vệ nghiêm, còn nhiều cây gỗ to, quý như Ngọc am, Pơ mu, Lát... Từ Hương ước, Quy ước này mà nhiều thôn khác trong xã Bản Nhùng đã học tập, làm theo và phát huy hiệu quả trong việc giữ rừng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lù Văn Thanh, Trưởng thôn Ma Lù Súng, cho biết: Hiện toàn thôn có 19 đảng viên, để thực hiện tốt các phong trào đề ra, Chi bộ thôn luôn xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa Đảng với dân. Đặc biệt cán bộ, đảng viên phải thông suốt và gương mẫu, là vị trí hạt nhân trong các phong trào của xã, của thôn, gắn trách nhiệm của đảng viên vào từng phần việc cụ thể, phân công đảng viên phụ trách các gia đình nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, phát triển kinh tế. Hiện thôn đã thành lập Tổ “Dân vận khéo”, hoạt động từ đầu năm 2013. Đến nay, Tổ dân vận hoạt động rất hiệu quả. Thành phần của Tổ “Dân vận khéo” gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và các đoàn thể của thôn. Chính vì vậy việc phối hợp, sự gắn kết của công tác dân vận với với công tác Đảng được thống nhất, đồng thuận. Xây dựng Chi bộ thôn ngày càng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết. Đây là tiền đề để đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH, ổn định về an ninh chính trị và trật tự trong thôn.
Ý kiến bạn đọc