Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII làm việc với UBND tỉnh
HGĐT- Sáng 24.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII của tỉnh do ông Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác Quy hoạch, đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 72 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, với tổng công suất lắp máy trên 768,8 MW. Qua đánh giá thực tế cho thấy: 13 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (Nậm Ngần 2, Thái An, Nho Quế 3,...) cơ bản đáp ứng việc cung cấp điện vào lưới điện Quốc gia, tham gia điều tiết nước, hạn chế tác hại của lũ cho vùng hạ du, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương,... Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án thủy điện chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập; chưa thực hiện lập phương án trồng rừng thay thế và chậm chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của Đoàn ĐBQH, đồng chí Nguyễn Văn Sơn giải trình, làm rõ ý kiến của Đoàn về những vấn đề thuộc thẩm quyền, và đề nghị: Các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát lại các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh việc quản lý, điều hành hồ, đập để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các nhà máy thủy điện...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Thào Hồng Sơn mong muốn UBND tỉnh: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc quản lý quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý việc đầu tư xây dựng thủy điện; chỉ đạo biện pháp khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thủy điện vừa và nhỏ. Đồng thời, rà soát lại và sớm có giải pháp xử lý phù hợp đối với các dự án thủy điện không đảm bảo hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng. Đặc biệt, UBND tỉnh sớm có buổi làm việc với Nhà máy Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) khẩn trương lập phương án trồng rừng thay thế (vì dự án này đã chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ của 3 xã Thượng Tân, Minh Ngọc, Lạc Nông của huyện Bắc Mê từ năm 2006 đến nay nhưng chưa xây dựng phương án trồng rừng thay thế). Chỉ đạo các đơn vị thủy điện nghiêm túc thực hiện cắm mốc bảo vệ đập, nhất là cắm mốc giới lòng hồ theo quy định của pháp luật, cũng như khôi phục lại diện tích rừng đã mất do làm công trình thủy điện và chi trả DVMTR...
Ý kiến bạn đọc