Hiệu quả bước đầu mô hình Tổ Dân vận ở Quản Bạ
HGĐT- Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thực hiện Đề án 05 thành lập thí điểm Tổ Dân vận ở thôn, tổ dân phố của BTV Tỉnh ủy, cuối năm 2012, huyện Quản Bạ đã thành lập 5 Tổ Dân vận, gồm: Thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ; thôn Tùng Pàng, xã Tùng Vài; thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ; thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến và Tổ dân phố I thị trấn Tam Sơn. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng các Tổ Dân vận đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, huy động lực lượng lớn mạnh, toàn diện của cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia công tác vận động quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Nhờ “Dân vận khéo” ngay ở cơ sơ, người dân thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, cho Công ty Binh Minh 3 thuê đất trồng cây dược liệu và làm công nhân lao động cho Công ty.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các thành viên của Tổ Dân vận thôn làm việc theo phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để giải thích, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các thành viên của Tổ đều là những cán bộ ở cơ sở, có điều kiện gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo; những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất giải pháp và là người trực tiếp vận động, hòa giải, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ. Mỗi Tổ đã sáng tạo các cách làm khác nhau để hoạt động ngày càng hiệu quả, gây dựng niềm tin trong nhân dân; đồng thời, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, vừa tuyên truyền vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có phương pháp vận động phù hợp. Điểm nổi bật của các Tổ Dân vận thôn, tổ dân phố là có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào “Dân vận khéo” thực hiện xây dựng Nông thôn mới, như: Vận động nhân dân đóng góp công sức, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kế hoạch hóa gia đình... Điển hình như: Tổ Dân vận thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ nơi có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất cao; thông qua các buổi tuyên truyền vận động đã giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, vận động chị em trong độ tuổi đến Trạm xá đặt vòng tránh thai; Tổ Dân vận phố I, thị trấn Tam Sơn vận động nhân dân không lấn chiếm lòng đường, xây dựng tuyến phố văn minh, vỉa hè đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp để đón và phục vụ khách du lịch đến với Quản Bạ và Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Còn Tổ Dân vận ở thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến đã vận động người dân cho Công ty Bình Minh 3 thuê đất trồng cây dược liệu, vận động người dân làm công nhân lao động cho công ty, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống. Hay như Tổ Dân vận thôn Nặm Đăm thể hiện tài “Dân vận khéo” trong vận động người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới, đã làm mới 1.040 mét đường bê-tông (loại 1,2 mét), xây mới 49 bể nước, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, thành lập đội văn nghệ, một đội lễ cấp sắc phục vụ khách du lịch...
Theo ông Dương Chính Phù, Trưởng ban Dân vận huyện Quản Bạ, sở dĩ nhiều công việc ở địa bàn dân cư được thực hiện trôi chảy là do trước khi triển khai thực hiện những công việc có liên quan đến người dân, các Tổ Dân vận đều tổ chức họp dân, bàn bạc công khai theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là tiền đề tạo nên sự đồng thuận trong nội bộ nhân dân để các chủ trương, kế hoạch đưa ra đều nhận được sự thống nhất cao. Bởi bất cứ công việc gì, cũng cần phải làm từ cơ sở thì người dân mới hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; muốn vậy, phải có những người ở gần dân, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư cùng hợp sức.
Bà Lệnh Thị Mai, Tổ trưởng Tổ dân phố I, thị trấn Tam Sơn tâm sự: “Có Tổ Dân vận rồi, các chính sách, nghị quyết của Đảng trở nên gần với người dân hơn. Người dân cũng được nói lên nguyện vọng, suy nghĩ của mình nhiều hơn”. Điều đó khẳng định Tổ Dân vận ở cơ sở đã thực sự phát huy hiệu quả. Tuy còn khó khăn, nhưng Quản Bạ đang quyết tâm phát huy tốt vai trò của Tổ Dân vận thôn, Tổ dân phố đẩy mạnh “Dân vận khéo” ngay từ cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong phát triển về KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao trình độ nhận thức cho bà con, đồng thời cũng là sợi dây thắt chặt khối đoàn kết toàn dân.
Ý kiến bạn đọc