Báo Hà Giang kỷ niệm 50 năm thành lập, ra số báo đầu tiên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
HGĐT- Ngày 12.4, Báo Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, Báo ra số đầu tiên (13.4.1964 – 2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm.
Ngày 12.4, Báo Hà Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, Báo ra số đầu tiên (13.4.1964 – 2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến dự có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo lão thành của tỉnh gồm: Hoàng Minh Nhất, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Trong Quý, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Xuân, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang; lãnh đạo Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo T.Ư; Học viện Báo chí và tuyên truyền; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các Huyện, Thành ủy, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các đồng chí cán bộ lão thành của tỉnh; đại diện nhiều báo Đảng ở các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam, Báo Quân khu II; các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên qua các thời kỳ của Báo Hà Giang, Hà Tuyên…
Đồng chí Lê Trọng Lập, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Hà Giang trình bày diễn văn, ôn lại những sự kiện và dấu ấn của Báo Hà Giang.
Tại buổi lễ, đồng chí Lê Trọng Lập, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Hà Giang trình bày diễn văn, ôn lại những sự kiện và dấu ấn của Báo Hà Giang qua các thời kỳ. Diễn văn nêu rõ: Ngày 13.4.1964, BTV Tỉnh ủy Hà Giang họp bàn và ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về việc nâng tờ Tin Hà Giang thành tờ Báo Hà Giang, đồng thời thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt
50 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, tờ báo Hà Giang, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã trải qua các giai đoạn lịch sử, gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước. Với biết bao khó khăn của thời kỳ đầu thành lập, trải qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và gần 30 năm đổi mới từ 1986 đến nay, Báo Hà Giang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.
Năm 1976, 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên. Hai tờ báo Đảng của 2 tỉnh cũng được hợp nhất với tên gọi là Báo Hà Tuyên. Năm 1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh như trước năm 1976 và tờ báo Hà Tuyên cũng được tách lập thành Báo Hà Giang và Tuyên Quang.
Qua từng bước phát triển, từ chỗ Báo Hà Giang phát hành 1 kỳ/tuần, với số lượng phát hành 700 tờ/kỳ. Đến nay, Báo Hà Giang ra 4 kỳ/tuần với lượng phát hành từ 8.000 – 8.500 tờ/kỳ. Báo được phát hành tới tất cả các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, thị trấn, tổ dân phố và thôn bản trong tỉnh. Báo hiện có các loại hình như: Báo Hà Giang thường kỳ, Báo Hà Giang Cực Bắc với hình thức chữ to, ảnh màu phục vụ đồng bào vùng cao. Từ ngày 3.2.2007, Báo Hà Giang điện tử ra đời, không chỉ khẳng định sự vượt trội của loại hình báo chí mới mà còn khẳng định sự lớn mạnh của Tòa soạn Báo Hà Giang. Cùng với đó, Báo đã tạo dựng được lực lượng cộng tác viên hùng hậu trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng tờ báo ngày càng phong phú về nội dung thông tin. Với các loại hình báo chí đã và đang thực hiện, Báo Hà Giang đã trở thành một kênh thông tin quan trọng của tỉnh, là người bạn đồng hành của bạn đọc gần xa, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bám sát định hướng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, những năm qua Báo Hà Giang luôn đổi mới nội dung, hình thức, chú trọng chất lượng và hiệu quả tuyên truyền. Với phương châm “nhanh, đúng, trúng, hay”, những năm qua Báo duy trì tốt nhiều chuyên trang, chuyên mục, đồng thời, mở mới các chuyên mục được độc giả quan tâm như: Ý kiến cử tri, nhân dân; Chính sách cuộc sống; Trả lời ý kiến cử tri, nhân dân. Báo không chỉ thực hiện tốt việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương vào đời sống mà còn trở thành kênh thông tin, tham mưu giúp cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành; biểu dương kịp thời những nhân tố mới, gương điển hình, những cách làm hay trong phát triển KT – XH, XĐGN…; đẩy mạnh vai trò phản biện xã hội, kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, những hạn chế và tiêu cực trong xã hội cần xử lý…
Đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên truyền ngày càng cao, những năm qua đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên không ngừng được củng cố. Đến nay, 20/22 phóng viên, biên tập viên có trình độ đại học với hơn 90% là đảng viên. Trình độ, năng lực, phương pháp làm báo của các phóng viên, biên tập viên từng bước được hoàn thiện, nang cao. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất ngày càng được tỉnh quan tâm, đầu tư hiện đại, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Các khâu làm việc của Tòa soạn đã được tin học hóa; chế độ nhuận bút từng bước được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm theo điều kiện cụ thể của tỉnh.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Báo Hà Giang đã luôn tích cực trong các hoạt động xã hội. Hàng năm, không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ phụ trách, giúp đỡ xã khó khăn do tỉnh phân công, Báo còn trở thành một địa chỉ tích cực tham gia kêu gọi các nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, các hoàn cảnh khó khăn một cách hiệu quả…
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hà Giang qua các thời kỳ, đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ để xây dựng tờ báo luôn vững vàng về chính trị, sắc bén về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân các dân tộc Hà Giang. Đồng chí mong muốn thời gian tới, Báo Hà Giang cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo về chính trị, tư tưởng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện nhiệm vụ được giao kịp thời, sắc bén, chất lượng, hiệu quả, đem đến nhân dân những tác phẩm báo chí thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu, tính văn hoá, tính dân tộc, tính khoa học và đại chúng…
Thay mặt cho các thế hệ làm báo, đồng chí Nguyễn Văn Tông, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Giang và nhà báo Nguyễn Huy Toán thay mặt cho thế hệ trẻ Báo Hà Giang đã phát biểu, bày tỏ những tâm tư, tình cảm của các thế hệ làm báo với nghề, với Toàn soạn Báo Hà Giang. Đồng thời thể hiện quyết tâm xây dựng tờ Báo Hà Giang ngày càng đổi mới, phát triển.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh trao Huân chương lao động hạng Nhất cho Báo Hà Giang.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh trao Huân chương lao động hạng Nhì, hạng Ba cho các cá nhân của Báo Hà Giang.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Báo Hà Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân.
BCH Đảng bộ tỉnh trao bức trướng mang dòng chữ: “Đổi mới, trí tuệ, hội nhập và phát triển, xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng bộ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.
Ghi nhận những công lao đóng góp của Tòa soạn Báo Hà Giang qua các thời kỳ, nhân dịp này, Báo Hà Giang vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Các đồng chí: Lê Trọng Lập, Tổng biên tập, Đặng Quang Vượng, Phó tổng biên tập được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; các đồng chí Sùng Mí Chứ, Phó tổng biên tập và Vũ Thị Thành, nguyên Trưởng phòng Thư ký xuất bản được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Báo Hà Giang vinh dự được BCH Đảng bộ tỉnh trao bức trướng mang dòng chữ: “Đổi mới, trí tuệ, hội nhập và phát triển, xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng bộ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.
Trích bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh
tại Lễ kỷ niệm
Kính thưa các vị khách quý!
Thưa các vị đại biểu!
Hôm nay, trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước cũng như ở Hà Giang đang dấy lên phong trào thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm 39 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5,Chuyển biến hành vi, tạo hành động mới động 1.5, 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2014) và kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2014). Tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Hà Giang và kỷ niệm Ngày ra số Báo đầu tiên (13.4.1964 – 13.4.2014) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tôi xin gửi đến các đồng chí đại biểu, các vị khách quí cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hà Giang lời chúc mừng tốt đẹp nhất! chúc buổi Lễ thành công tốt đẹp!
Thưa các đồng chí!
Báo Hà Giang - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Hà Giang thành lập đến nay vừa tròn 50 năm. Trải qua nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên cơ quan Báo Hà Giang qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo Hà Giang đã không ngừng lớn mạnh về nội dung và hình thức; ngày càng làm tốt chức năng nhiệm vụ, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, các độc giả trong và ngoài tỉnh; đồng thời là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền địa phương, là diễn đàn của nhân dân, cầu nối giữa nhân dân với Đảng, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu mạnh. Trong 50 năm qua các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên cơ quan Báo Hà Giang qua rèn luyện, thử thách, ngày càng thể hiện lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc; luôn đoàn kết, yêu nghề, say mê học tập, không ngừng lao động sáng tạo, đổi mới, từng bước đưa tờ báo của Đảng bộ tỉnh vươn lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị ở địa phương, hoà nhập, theo kịp với sự tiến bộ hiện đại của nền báo chí cả nước. Nhiều nhà báo qua các thời kỳ đã có những đóng góp rất lớn vào công tác tuyên truyền ở địa phương cũng như cả nước, được nhiều giải thưởng báo chí, văn học ở Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh những năm qua.
Thưa các đồng chí đại biểu và các vị khách quý!
Trong 3 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Hà Giang cùng với cả nước thực hiện cắt giảm đầu tư công, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng tỉnh Hà Giang vẫn giành được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thu ngân sách trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, đạt gần 1.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và xuất hiện yếu tố bền vững. Các chỉ tiêu xã hội tích cực; công tác đối nội, đối ngoại góp phần xây dựng một Hà Giang có nhiều đổi mới; quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị được đảm bảo và tăng cường, chất lượng hoạt động thiết thực hơn, sâu sát hơn và tiếp tục khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị xã hội. Để có được điều đó có thể khẳng định có vai trò rất lớn của đội ngũ phóng viên và báo chí nói chung và của Báo Hà Giang nói riêng.
Cùng với sự phát triển KT-XH của tỉnh, trong những năm qua nhất là 5 năm trở lại đây, Báo Hà Giang đã có nhiều đổi mới, sáng tạo ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đã tăng kỳ xuất bản từ 3kỳ/tuần lên 4 kỳ/tuần, số lượng phát hành từ 6.000 tờ lên 8.500tờ/kỳ. Duy trì và cải tiến mở rộng khổ tờ báo tin ảnh Hà Giang Cực Bắc 4 trang, in 4 mầu, dành cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xuất bản 1 tháng/kỳ với số lượng 3.000 tờ/kỳ. Đặc biệt ngay từ đầu năm 2007, Báo Hà Giang đã cho ra mắt tờ Báo Hà Giang Điện tử (báo mạng Internet), thời gian cập nhật tin, bài, ảnh 24/24 giờ với những thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quảng bá về mảnh đất - con người Hà Giang, về tiềm năng, lợi thế của tỉnh và kêu gọi đầu tư...
Đến nay Báo Hà Giang điện tử đã có trên 50 triệu lượt người trong nước và thế giới truy cập thông qua đó đã minh chứng được sự quan tâm của bạn bè cả nước đối với tỉnh Hà Giang và cho thấy vị trí của Hà Giang trong lòng cả nước. Sự lớn mạnh của Báo Hà Giang, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, trước hết phải khẳng định đó là có sự nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên cơ quan Báo Hà Giang, không ngừng cải tiến nội dung và hình thức tuyên truyền, với các bài viết nhiều thể loại, nhiều chuyên trang, chuyên mục, phong phú, hấp dẫn. Các bài viết luôn gắn liền với thực tế cơ sở, thực tiễn đời sống xã hội phản ánh được đời sống chính trị và đã góp phần rất quan trọng vào phát triển KT-XH, giữ vững AN-QP ở địa phương. Nhiều nhà báo đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, trèo đèo, lội suối đến những vùng núi cao, thôn bản xa xôi, hẻo lánh, vùng thiên tai lũ quét, dịch bệnh... để phát hiện, để viết tin, bài tuyên truyền nhân tố mới, con người mới đến độc giả. Các nhà báo hiện nay về cơ bản luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ chuyên môn cao, đồng đều, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới ở địa phương vàtích cực trong chuyển tải công cuộc đổi mới của cả nước đến đồng bào nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên cơ quan Báo Hà Giang qua các thời kỳ đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ để xây dựng tờ báo luôn vững vàng về chính trị, sắc bén về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân các dân tộc Hà Giang...
Thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!
Tại buổi Lễ kỷ niệm long trọng này, Báo Hà Giang vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân... Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang đối với những đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hà Giang trong 50 năm qua.
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, tôi đề nghị cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Giang cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là, tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất ý chí, không ngừng học tập chính trị để nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động; tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Nhà báo cách mạng vĩ đại của Việt Nam. Thực hiện tốt “Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
Hai là, tích cực học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, để thông tin trên báo chí có định hướng đúng đắn, đưa đến người đọc, công chúng những hành động, tình cảm tốt đẹp.
Ba là, công cuộc đổi mới của đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như ở tỉnh đang đòi hỏi các nhà báo không những phải có phẩm chất chính trị tốt, mà phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi để làm tốt công tác tuyên truyền, xứng đáng là “chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá”, chống lại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch và những phần tử chống Đảng dưới hình thức báo chí, văn học - nghệ thuật... Do đó, Báo Hà Giang cần phải chăm lo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho người làm báo lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, tính trung thực, khách quan. Đặc biệt là tôn trọng và thực hiện tốt 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp Báo chí Việt Nam, không để bị tiêu cực chi phối, bẻ cong ngòi bút; đồng thời cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nhiệm vụ được giao kịp thời, sắc bén, chất lượng, hiệu quả, đem đến nhân dân những tác phẩm báo chí thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu, tính văn hoá, tính dân tộc, tính khoa học, đại chúng... Vì vậy, Báo Hà Giang cần quan tâm chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có đủ trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng tư tưởng; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên là người dân tộc thiểu số, người địa phương.
Năm là, tiếp tục đổi mới công tác báo chí, xây dựng tờ Báo của Đảng bộ tỉnh (kể cả báo in và báo Điện tử) ngày càng phong phú, có chất lượng về nội dung và đẹp về hình thức. Thông tin cần cập nhật nhanh hơn, chất lượng cao hơn, số lượng báo phát hành rộng hơn, để tờ báo đến tận tay nhân dân, bạn đọc, thực sự gần gũi, gắn bó với đời sống và công tác của từng đọc giả, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Hà Giang và ngày ra số báo đầu tiên báo của Đảng bộ tỉnh, tôi xin nêu lại một số nội dung trong Nghị quyết số 11 ngày 13.4.1964 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác của Báo Hà Giang đó là “Báo Hà Giang phải giải đáp được những vấn đề mà phong trào yêu cầu; phải luôn luôn nhìn về phía tiến lên của phong trào” để tuyên truyền, để nâng cao nhận thức, để chuyển biến hành vi, tạo hành động mới vì Hà Giang phát triển.
Một lần nữa, tôi xin chúc các vị đại biểu, các vị khách quý, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hà Giang sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ý kiến bạn đọc