Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Chiều 18.4, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nguyên do đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí H’Ngăm Niê K’Dăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh ta, nhằm nắm bắt tình hình dân di cư tự do của tỉnh đến các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc với đoàn về phía tỉnh ta có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo 10 huyện.
Từ năm 2005 đến nay, tình hình di cư tự do trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn 2005 -2014, có 902 hộ với 4.194 khẩu di cư tự do đến các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc để sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông chiếm trên 98% tổng số dân di cư tự do. Địa phương có dân di cư tự do nhiều là các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Mèo Vạc, Yên Minh; dân di cư thường diễn ra vào thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch xong mùa vụ hoặc sau Tết Nguyên đán. Có một số tỉnh bạn, do quỹ đất sản xuất còn dư nên đã tạo điều kiện cho dân di cư tự do ở lại địa phương. Đối với các tỉnh bạn không còn quỹ đất sản xuất nên đã bắt buộc dân di cư phải hồi cư quay lại nơi ở cũ, một số hộ dân di cư tự do hồi cư tự nguyện. Các hộ dân hồi cư tự nguyện hoặc bắt buộc trở lại nơi ở cũ đã được địa phương tạo điều kiện tham gia các dự án bố trí dân cư. Tính từ 2007 đến hết năm 2013, tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện 62 dự án, phương án quy tụ, bố trí dân cư, đã có 3.872 hộ được bố trí về nơi ở mới. Các dự án khu bố trí dân cư tập trung cơ bản đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học… Tuy nhiên, do là tỉnh nghèo nên việc bố trí vốn cho các dự án, chương trình di giãn, quy tụ dân cư chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương, trong khi nguồn vốn cấp nhiều hạn chế, công tác huy động vốn từ các tổ chức khác rất khó khăn, dẫn đến việc thực hiện các dự án, chương trình hiệu quả không cao; hầu hết quỹ đất ở địa bàn đã giao cho các hộ gia đình, do đó diện tích đất có thể quy hoạch, xây dựng các dự án bố trí dân cư gặp nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, tỉnh ta đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên cần có đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ đối với các hộ di chuyển đến nơi ở mới theo các chương trình, dự án; có chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống để giảm bớt khó khăn cho các hộ khi vừa chuyển về nơi ở mới. Cần xây dựng các chính sách đặc thù cho các vùng dân tộc, ưu tiên hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trung ương cần ưu tiên bố trí đủ kinh phí hỗ trợ để tỉnh Hà Giang tổ chức triển khai thực hiện các dự án, chương trình về quy tụ dân cư, di dãn dân đã được phê duyệt nhưng còn thiếu vốn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí H’Ngăm Niê K’Dăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị, tỉnh Hà Giang cần xác đinh các điểm nóng, các hộ, nhóm hộ có nguy cơ di cư tự do để tập trung tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước và lồng ghép các chương trình, dự án được phân bổ để đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành và cấp, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể xã hội, xã hội hóa công tác bố trí dân cư, ổn định đời sống cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn để hạn chế mức thấp nhất dân di cư tự do. Các địa phương cần tăng cường bám nắm địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để làm công tác vận động đối với các hộ có ý định di cư tự do; thực hiện đẩy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc để họ yên tâm sinh sống, sản xuất ở nơi đang sinh sống. Đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các hộ hồi cư trở lại địa phương để người dân sớm ổn định được cuộc sống tại nơi ở cũ. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác nghiêm túc tiếp thu, báo cáo với Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc