Ghi nhận nhiều điển hình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Tham luận của đại biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 69 đã nêu bật những ưu điểm, kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt tỷ lệ điều tra, khám phá án cao.
Phát biểu tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 69, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lực lượng Công an toàn quốc cần tiếp tục phấn đấu kiềm chế sự gia tăng tội phạm, không để xảy ra đột biến, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, tập trung đấu tranh triệt phá tội phạm có tổ chức, không để hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án đã khởi tố; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bắt, giam giữ, xử lý tội phạm; kiên quyết không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai.
Báo cáo tình hình và kết quả công tác công an năm 2013, nhiệm vụ công tác công an năm 2014 nêu rõ: Lực lượng Công an nhân dân đã điều tra, khám phá 44.033 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 88.259 đối tượng, đạt tỷ lệ 74,49%, cao hơn 1,09% so với năm 2012. Giải quyết dứt điểm một số vụ án tham nhũng còn tồn đọng, kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Dương Chí Dũng...
Nhìn lại công tác phát hiện, trấn áp tội phạm hình sự trong năm 2013, các đại biểu ghi nhận nỗ lực của nhiều địa phương trong việc truy quét băng nhóm tội phạm hoạt động bảo kê, siết nợ kiểu “xã hội đen”, trong đó tiêu biểu là các chiến công của Công an Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên...
Nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động manh động, côn đồ, gây bức xúc dư luận đã bị Tổng cục Cảnh sát PCTP phối hợp với công an các địa phương đấu tranh, triệt phá như: Băng nhóm Nguyễn Văn Tý (tức Tý điên) ở bến xe Miền Đông, TPHCM; băng nhóm Phạm Khắc Tú (tức Tú “khỉ”) ở Hưng Yên; băng nhóm Đức “vẩu” ở Bắc Ninh...
Đáng chú ý, mô hình Tổ công tác 141 khai sinh từ Hà Nội (phối hợp giữa Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động chốt chặn tại các nút giao thông nhằm phòng ngừa và trấn áp tội phạm hình sự) cũng được nhân rộng tại nhiều địa phương.
Một công tác khác cũng góp phần trấn áp tội phạm được Công an TPHCM áp dụng là tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, dịch vụ mà đối tượng phạm tội chọn để tiêu thụ tài sản phạm pháp như: Tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện tử, kinh doanh điện thoại.
Cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì các địa phương khác như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ An... cũng đã xây dựng mô hình các đội săn bắt cướp để trấn áp kịp thời các đối tượng hoạt động lưu động, sử dụng vũ khí để cướp, cướp giật, chống người thi hành công vụ trên các tuyến giao thông, đô thị và địa bàn trọng điểm. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành liên tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Qua đó, đã góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng của tội phạm, triệt xóa nhiều băng, ổ nhóm nguy hiểm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án về trật tự xã hội đạt cao hơn năm 2012.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tội phạm về trật tự xã hội vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn, đối tượng có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Một số loại tội phạm tăng như tội phạm cưỡng đoạt tài sản, tội phạm hiếp dâm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Ngoài ra, tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn diễn biến đáng lo ngại ở các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, hiện đang nổi lên tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế.
Chính vì vậy, việc tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiềm chế sự gia tăng tội phạm… sẽ là một trong những mục tiêu chủ yếu được Bộ Công an tập trung thực hiện trong năm 2014.
Ý kiến bạn đọc