Thế là Đại tướng đã ra đi!
HGĐT- Từ lâu, tôi đã chuẩn bị tài liệu cho bài viết về tài quân sự và làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mùa thu năm 2005, tài liệu cho bài viết “Nhà quân sự, nhà báo Võ Nguyên Giáp” tìm được đã nhiều, tôi tập trung nghiên cứu rất kỹ và thấy cần có một buổi gặp, trao đổi thêm để hiểu thật sâu, thật đúng về ông, tôi gọi điện cho anh Lê Văn Hải, một trong những thư ký của Đại tướng, để đăng ký xin gặp. Với cánh nhà báo chúng tôi, nếu bố trí được thời gian Đại tướng đáp ứng ngay, nhưng hôm ấy anh Hải bảo:- Anh phải chờ rồi, đúng dịp sinh nhật cụ, khách đông lắm!
Theo nguồn tài liệu đã có, thời tiền khởi nghĩa, khi hoạt động ở Việt Bắc, Đại tướng đã tự học và sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng của đồng bào miền núi. Những năm 1942 - 1943, khi hoạt động ở Cao Bằng, ông đã dịch bài diễn ca về Mười chính sách Việt Minh của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước sang 3 thứ tiếng Tày, HMông, Dao để phổ biến cho đồng bào ở Việt Bắc. Diễn ca Mười chính sách Việt Minh viết bằng thể thơ lục bát đã được Đại tướng chuyển sang thể thơ 5 chữ, lấy tên là “Việt Minh ngũ tự kinh”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà trò chuyện thân mật với ông Triệu Đức Thanh.
Việt Minh Ngũ tự kinh với 125 câu thơ được dịch ra tiếng Tày, tiếng HMông, tiếng Dao, hồi ấy còn gọi là tiếng Mán, rất dễ nhớ, dễ thuộc, đã được dùng làm tài liệu tuyên truyền trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh. Nói đến tiếng Mán, tôi sực nhớ tới anh Triệu Đức Thanh người dân tộc Dao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hôm trước về họp ở Hà Nội vừa gọi điện cho tôi. Thế là tôi gọi điện rủ anh: “Ngày mai em đăng ký ta vào chúc thọ cụ Võ Nguyên Giáp nhé?”. Anh Thanh đồng ý luôn, tôi liền đề nghị anh Hải xếp lịch cho đoàn. Tất nhiên, đi theo đoàn tôi chẳng thể khai thác được tư liệu nhưng vẫn vui bởi lại có dịp được gặp Đại tướng.
Hôm sau, tôi cùng anh Triệu Đức Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; anh Trịnh Duy Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; anh Tôn, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Giang, và một vài trợ lý nữa đến nhà riêng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu. Trong bộ quân phục rất đẹp, Đại tướng bước ra đón và bắt tay từng người. Khi nghe tôi giới thiệu anh Thanh là người Dao quê ở Hoàng Su Phì, Đại tướng cười rất vui như gặp lại người thân và nói chuyện với anh bằng tiếng Dao rất chuẩn. Cụ lắng nghe anh Thanh báo cáo về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, rồi căn dặn rất nhiều điều thiết thực như phải tuyên truyền vận động đồng bào định canh, định cư; phải hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, canh tác để đủ ăn và tiến tới kinh tế vững vàng; phải xây trường và vận động đồng bào cho các cháu đi học... Trước lúc chào Đại tướng ra về, anh Thanh ngỏ ý mời Đại tướng lên thăm Hà Giang, Đại tướng hẹn khi sức khỏe cho phép sẽ đến với Hà Giang ngay. Hơn 60 năm vẫn nhớ tiếng Tày, tiếng Dao của núi rừng Việt Bắc, đó là tình cảm sâu nặng của Đại tướng với mảnh đất mà ông coi là quê hương thứ hai của mình.
Hôm nay Đại tướng đã đi xa, ý định lên Hà Giang của Đại tướng mãi mãi không bao giờ thực hiện được nữa. Tôi rất tiếc, trước hôm Đại tướng mất, anh Thanh họp ở Hà Nội tôi đã không đưa anh vào thăm ông, giờ anh đã trở về Hà Giang, tôi đành đi viếng Đại tướng một mình. Nhìn dòng người xếp hàng lặng phắc nối dài từ nhà Quốc hội vòng qua Bộ Ngoại giao đến quá nửa đường Hoàng Diệu tôi lại càng nuối tiếc và cảm nhận sâu sắc niềm tiếc thương vô hạn của dân tộc trước sự ra đi của Đại tướng, cảm nhận được tầm vóc vĩ đại của ông. Trong cuộc đời làm báo tôi đã hơn 10 lần được gặp Đại tướng, có lần ông dành cho tôi cả 2 giờ đồng hồ để trò chuyện và ký tặng tôi những cuốn sách mới xuất bản, lần nào tôi cũng cảm nhận được sự chân thành và mối quan tâm thật sự, không hề đãi bôi và kẻ cả. Hình như chính điều ấy đã khiến ta cảm thấy thật gần gũi, thân thương. Vĩnh biệt Đại tướng, xin kính chúc Người bình an nơi cõi vĩnh hằng.
Ý kiến bạn đọc