Sơ kết 2 năm mô hình hoạt động “Hội nghệ nhân dân gian” năm 2011 -1013
HGĐT- Ngày 22.10, tại huyện Đồng Văn, Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm mô hình hoạt động “Hội Nghệ nhân dân gian” năm 2011 - 2013.
Các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Trung Luyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sèn Chỉnh Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, đại diện các Ban xây dựng Đảng, lãnh đạo các huyện, thành phố và đại diện các nghệ nhân dân gian tiêu biểu.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể vì đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm triển khai thực hiện mô hình Hội “Nghệ nhân dân gian” năm 2011 - 2013.
Đến nay, sau Hội nghị Tổng kết đánh giá hoạt động mô hình “Hội Nghệ nhân dân gian” tại huyện Hoàng Su Phì, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực sự nhận thức được sự cần thiết của mô hình Hội, vai trò, tầm quan trọng của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Hiện, có 11/11 huyện, thành phố đã chỉ đạo thành lập Hội; tổng số 132 Hội được thành lập tại 132 xã, phường, thị trấn, với trên 4.220 hội viên. Từ khi được thành lập và tham gia vào Hội, các hội viên là những người có uy tín, nhiệt huyết, tự nguyện đăng ký tham gia tổ chức Hội. Cùng với đó, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các tổ chức Hội có nhiều cách làm hay của tập thể, cá nhân đã mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: Hội Nghệ nhân dân gian xã Hồ Thầu, Bản Luốc (Hoàng Su Phì); xã Thái An (Quản Bạ); xã Nậm Ban (Mèo Vạc) và xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cá nhân ông Hoàng A Kim, thôn Nà Pà, xã Đông Minh (Yên Minh); Ly Chứ Sùng, thôn Lũng Cẩm trên, xã Sủng Là (Đồng Văn)… Cũng từ hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian đã thu hút được nhiều kết quả to lớn, quan trọng, góp phần tích cực vào việc bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu; giữ gìn, thực hành và lưu truyền, phát triển các lễ hội văn hóa dân gian, các phong tục tập quán truyền thống tiêu biểu của từng vùng, miền, từng dân tộc trong tỉnh… Đây chính là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5, khóa VIII của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Dưới sự chủ trì và gợi ý thảo luận của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, các đại biểu, nghệ nhân dân gian đã tham gia nhiều ý kiến, kiến nghị với tỉnh về phương thức hoạt động cũng như những hạn chế cần khắc phục để Hội Nghệ nhân dân gian ngày một hiệu quả hơn, như: Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo tất cả nghệ nhân các xã, huyện tổ chức quán triệt về việc thực hiện nếp sống mới đồng bộ; nhất quán các xã, huyện trên địa bàn toàn tỉnh về việc cưới xin, thách cưới, tảo hôn; xem xét tăng kinh phí hỗ trợ cho Hội hoạt động, như thù lao của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội và Tổ trưởng Hội Nghệ nhân các thôn, bản; MTTQ và các đoàn thể phải làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để Hội nhận thức đúng và hoạt động tuân thủ theo pháp luật…
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh ghi nhận mô hình hoạt động “Hội Nghệ nhân dân gian” đã từng bước đi vào nề nếp và có định hướng nhất định ban đầu của các huyện. Việc tổ chức thực hiện, nội dung hoạt động mỗi huyện có khác nhau nhưng cơ bản nghệ nhân vẫn là hạt nhân nòng cốt lưu giữ lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, địa phương mình. Riêng đề nghị của cơ sở là chính đáng, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp thu và Tỉnh ủy sẽ thảo luận trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn cần bổ sung, điều chỉnh hợp lý hơn nên đề nghị các huyện tiếp tục lãnh đạo, củng cố mô hình, nội dung hoạt động, điều chỉnh phương án tổ chức của Hội ở địa phương. Từ tỉnh đến huyện phải tổ chức các hội nghị để tôn vinh các nghệ nhân trong việc phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ tệ nạn xã hội cũng như duy trì tốt trật tự trị an xã hội; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, học tập và tổng kết nhân rộng các trò chơi dân gian vào hệ thống nhà trường để tránh mai một; đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” gắn chặt với đội ngũ nghệ nhân dân gian trên địa bàn; khuyến khích các nghệ nhân tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phong tục tập quán, các trò chơi dân gian và tiếp tục phải đi đầu trong việc chống tảo hôn, cận huyết, bỏ học góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM cũng như tham gia sáng tác, gây dựng lại các lễ, hội. Theo đó, các cơ quan chuyên môn, chức năng cần phải xây dựng theo kịch bản và sân khấu hóa để tuyên truyền trên diện rộng khắp địa bàn toàn tỉnh. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp thu những ý kiến mới, mô hình mới, cách làm hay để tổ chức cho các Hội, địa phương học tập, làm theo. Riêng về việc tăng kinh phí hỗ trợ, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị chức năng cần tiến hành nghiên cứu giải pháp và tiến hành thành lập Quỹ “Nghệ nhân dân gian” để cho Hội có kinh phí hoạt động tốt hơn…
Kết thúc Hội nghị, 11 tập thể và 22 cá nhân đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm triển khai thực hiện mô hình “Hội Nghệ nhân dân gian” năm 2011 - 2013.
Ý kiến bạn đọc