Nhớ mãi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
HGĐT - Những ngày qua, nhiều người dân Hà Giang bày tỏ sự bùi ngùi tiếc thương khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Đặc biệt, với những người đã từng gặp, từng có kỷ niệm với ông lại càng luyến tiếc trước sự ra đi của một vị tướng lỗi lạc của của dân tộc việt nam và thế giới.
Chiều ngày 5.10, tôi tìm đến nhà cụ Vừ Mí Kẻ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, cụ không giấu được sự xúc động trong đôi mắt rơm rớm lệ. Tôi nói, cụ ngày trước từng nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên khi nghe tin Đại tướng mất, cháu tìm đến cụ để được hồi ức thêm về 1 trong số 10 vị tướng lỗi lạc nhất của thế giới. Cụ Kẻ kể, trong thời gian là đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 7, cụ nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cũng là đại biểu từ khóa 1 - 7. Đại tướng lúc nào cũng rất giản dị trong bộ quân phục, lúc giải lao ông thường gặp gỡ đại biểu ở các địa phương để hỏi chuyện rất tình cảm. Cụ Kẻ nói, mình là đại biểu ở cơ sở nên mỗi lần về họp Quốc hội đều tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo T.Ư, trong đó có tướng Giáp. Mình có rất nhiều ảnh chụp chung với lãnh đạo T.Ư, đặc biệt là với tướng Giáp, nhưng trong một lần, ngôi nhà ở Đồng Văn gặp hỏa hoạn, cháy nhiều bức ảnh quý, giờ may mắn còn giữ được vài tấm chụp chung với tướng Giáp và một số đồng chí lãnh đạo khác.
Cụ Kẻ kể, tướng Giáp là người có phong cách rất cởi mở, không quan cách và có trí nhớ hơn người, tôi rất khâm phục tướng Giáp. Dù nhiều công việc, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhưng khi gặp lại tôi, tướng Giáp vẫn không quên và hỏi chuyện rất thân mật. Năm 1985, Đại tướng lên thăm Hà Tuyên, trong chuyến thăm này, Đại tướng còn lên thăm cả thị xã Hà Giang. Dù lúc đó ông không là Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng tôi vẫn xưng với tướng Giáp là Đại tướng. Có lẽ không thích được xưng hô lớn nên Đại tướng liền đùa, chú trả cho tôi bao nhiêu lương mà cứ gọi tôi là Đại tướng, chú gọi tôi là anh Văn thôi. Thấy vậy, tôi liền vui vẻ đáp, anh là họ Võ, em là họ Vừ, 2 anh em mình là anh em, cùng chụp chung bức ảnh làm kỷ niệm nhé. Bức ảnh tôi và tướng Giáp được một phóng viên T.Ư chụp ngay sau đó. Tướng Giáp nói, khi nào chú về Hà Nội lấy nhé. Một lần về Hà Nội họp, tôi đã đến tận nhà tướng Giáp để lấy ảnh trong một buổi gặp gỡ với gia đình tướng Giáp đầy đầm ấm và dân dã. Tấm ảnh đen trắng chụp chung với Đại tướng ngày ấy, tôi vẫn giữ gìn cẩn thận cho đến bây giờ. Ông Kẻ nói tiếp, năm 2006, tôi được gặp lại Đại tướng ở Hà Nội, qua nhiều năm Đại tướng vẫn nhận ra tôi, sau khi hỏi thăm sức khỏe, tướng Giáp bảo tôi, chú còn khỏe là tốt rồi!. Giờ biết Đại tướng từ trần, tôi vô cùng xúc động và tiếc thương, ông là một vị tướng tài ba, ân cần và giản dị.
Người dân phường Trần Phú, TPHG xúc động, chia sẻ những thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chú Hoàng Thiểm ở TPHG, nguyên là phóng viên thông tấn Quân đội, tác nghiệp tại Sài Gòn trong thời khắc lịch sử 30.4.1975 và có may mắn được gặp, được phục vụ cụ Võ nhiều lần. Chú Thiểm cũng là phóng viên đầu tiên mang tư liệu chiến thắng 30.4 ra Hà Nội và được trực tiếp đến gặp gỡ nhiều đồng chí lãnh đạo T.Ư, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo tình hình chiến trường qua tư liệu tác nghiệp. Chú Thiểm xúc động kể lại, tối 4.5.1975, theo hẹn trước của Đại tướng, tôi được đến báo cáo tình hình chiến trường tại nhà riêng của ông ở số 30, Hoàng Diệu. Buổi tối hôm đó trời đổ mưa tầm tã, tôi đi bộ đến nhà Đại tướng. Khi vào phòng tiếp khách giản dị của Đại tướng, tôi thấy Đại tá Hồng Cư, sau này là Trung tướng cũng từ chiến trường mới ra đã có mặt ở đây để chờ báo cáo tình hình. Người nhà Đại tướng pha một ấm trà ngon để tiếp khách trong không khí thân mật. Đại tướng nói vui với tôi và đồng chí Hồng Cư, tôi hẹn mấy hôm nay mới gặp được chú Thiểm, chú Cư đến trước, nhưng “ưu tiên” chú Thiểm báo cáo trước đi. Sau khi nghe tôi báo cáo, Đại tướng đã khen ngợi anh em phóng viên kịp thời chuyển tải thông tin chiến trường. Đồng thời, Đại tướng cũng hỏi tôi có muốn quay trở lại Sài Gòn không. Tôi nói, cháu mong muốn được quay trở lại Sài Gòn càng sớm càng tốt. Đại tướng giao cho đồng chí Hồng Cư bố trí để tôi sớm được vào
Cùng chung sự xúc động, tiếc thương, dù chưa một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng bác Nguyễn Văn Nghị, 71 tuổi, nguyên cán bộ Sở Văn hóa thông tin Hà Giang và anh Nguyễn Đăng Thọ, cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh chia sẻ, chúng tôi vô cùng thương tiếc Đại tướng. Trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn, không có trong tay những điều kiện như tướng lĩnh đối phương, nhưng với tài năng thiên bẩm, sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng, quân đội ta từ chỗ có vài chục người đã dần lớn mạnh, đánh bại những tên thực dân, đế quốc hàng đầu thế giới. Tài năng và đức độ của Đại tướng thật đáng khâm phục.
Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp lớp người dân trên mảnh đất cực Bắc Tổ quốc vô cùng thương tiếc vì sự mất mát này. Ý chí và tấm gương suốt đời sống, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc của Đại tướng sẽ mãi mãi là hình ảnh tươi đẹp nhất, một người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ý kiến bạn đọc