Kỳ vọng mô hình trí thức trẻ về vùng khó khăn
HGĐT- Thời gian tới đây, hơn 200 trí thức trẻ sẽ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH, giảm nghèo ở địa phương. Đây là nội dung Đề án “Hợp đồng trí thức trẻ là người địa phương đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đến công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh”.
Đề án vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng cho chủ trương thực hiện. Mục tiêu của đề án là: Tận dụng và phát huy tối đa nguồn nhân lực đã được đào tạo chưa được sử dụng; tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp các xã đặc biệt khó khăn phát triển; tạo nguồn cán bộ dự bị, làm cơ sở cho việc tuyển dụng chính thức cán bộ, công chức ở cấp xã, huyện, thành phố những năm tiếp theo. Đồng thời, tạo việc làm và môi trường để trí thức trẻ phát huy kiến thức được học, vận dụng vào thực tế, qua đó tự khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác, đóng góp xây dựng đưa quê hương ngày một đi lên.
Hy vọng những nhân tố mới:
Những năm qua, công tác đào tạo của tỉnh được quan tâm chỉ đạo làm tốt, số lượng con em người địa phương tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu việc làm của đội ngũ trí thức trẻ trong tỉnh ngày càng lớn. Hiện có khoảng hơn 2.800 sinh viên, học viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm (thạc sỹ 2, đại học 243, cao đẳng 438, trung cấp 2.179 người). Trong khi đó, số lượng định biên khối Đảng, chính quyền khá ít, lại phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn (do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, hạ tầng kỹ thuật hạn chế, trình độ dân trí thấp,...), ảnh hưởng đến chất lượng công vụ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ cơ sở. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách cấp xã chưa được đào tạo về trình độ chuyên môn còn tương đối lớn (trên 30%), ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, hiệu quả và chất lượng thực thi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, sự hỗ trợ từ nguồn trí thức trẻ địa phương có trình độ chuyên môn về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa là rất cần thiết, vừa nhanh có cán bộ nguồn mà chất lượng lại bảo đảm. Họ được kỳ vọng trở thành nhân tố mới đưa những vùng đất nghèo dần phát triển.
Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I bắt đầu được thực hiện ngay trong năm 2013 với việc tuyển chọn 212 trí thức trẻ để bố trí về các xã đặc biệt khó khăn, biên giới. Những người được chọn sẽ được tập huấn, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước, chương trình xây dựng Nông thôn mới và một số ngành, lĩnh vực phù hợp nhiệm vụ của các xã 30a trong tình hình hiện nay; được tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ngay từ khi hợp đồng, được bố trí chỗ ở, sinh hoạt tại xã và hưởng chế độ trí thức trẻ tham gia phát triển nông thôn, miền núi cũng như chính sách khuyến khích cán bộ có chuyên môn về các xã nghèo. Sang giai đoạn II, khi hết thời gian hợp đồng, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ những trí thức trẻ này sẽ được xem xét tuyển dụng vào biên chế chính thức. Đây là cơ hội mở nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách.
Một chính sách đúng đắn và cần thực hiện lâu dài:
Để Đề án đi vào thực tiễn và đem lại hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện tiến hành xét tuyển, tập huấn, bố trí trí thức trẻ đến công tác tại các xã; thường xuyên kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ này; đảm bảo các chế độ, chính sách và đề nghị xem xét tuyển dụng chính thức vào biên chế đối với trí thức trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian hợp đồng. Đồng thời, thống nhất một số quan điểm chỉ đạo: Tạm dừng việc liên kết mở các lớp đại học, cao đẳng tại chức tại tỉnh; quản lý chặt chẽ kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh; xây dựng kế hoạch đào tạo cử tuyển của tỉnh giai đoạn 2013-2015 thật sự gắn nhu cầu sử dụng cán bộ...; ưu tiên tuyển dụng sinh viên, học viên đã tốt nghiệp là người trong tỉnh, dân tộc thiểu số, con em đối tượng chính sách vào viên chức các ngành theo chỉ tiêu biên chế hàng năm...
Dự án đưa trí thức trẻ về công tác tại các xã nghèo, khó khăn ở Hà Giang không phải mới. Thực tế giai đoạn 2000-2002, cả nước đã có 538 trí thức trẻ về 125 xã đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh giúp địa phương xoá nạn mù chữ, phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá. Mới đây, Dự án đưa 600 trí thức trẻ về 62 huyện nghèo làm Phó Chủ tịch UBND xã để kích thích phát triển kinh tế các địa phương cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng phát động những chiến dịch đưa trí thức trẻ về với vùng sâu, xa, điển hình như tỉnh Bình Phước, Quảng
Hy vọng, Đề án “Hợp đồng trí thức trẻ là người địa phương đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đến công tác ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh” nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh và sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội để Đề án sớm phát huy hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc