Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
HGĐT - Kinh tế HTX và tổ hợp tác là một thành phần kinh tế quan trọng góp phần vào sử dụng phát triển KT - XH chung của tỉnh. Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm khá nhiều cho việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Khu vực kinh tế này cũng đã có những đóng góp nhất định trong sự phát triển của tỉnh. Nhân dịp Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ IV (nhiệm kỳ 2013-2018), phóng viên Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT tỉnh về một số thành tựu cũng như khó khăn trong việc phát triển KTTT của tỉnh.
Thưa đồng chí, việc phát triển KTTT trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả như thế nào?
Trong 5 năm qua với những tác động tích cực từ quá trình thực hiện Nghị quyết của BCH Liên minh HTX tỉnh khóa III, khu vực KTTT mà nòng cốt là các HTX đã có những chuyển biến tích cực, từng bước phát triển ổn định và bền vững hơn. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, nhiều loại hình HTX mới xuất hiện trong các lĩnh vực như: Quản lý chợ nông thôn, Giao thông vận tải, Dịch vụ du lịch... đồng thời xuất hiện các mô hình HTX gắn với đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế của các giới, các tầng lớp, các nhóm đối tượng khác nhau, như HTX của phụ nữ, HTX của Thanh niên, HTX của những người tàn tật, của cựu chiến binh... Và, hiện nay, các tổ hợp tác, HTX ttrên địa bàn tỉnh tập hợp được trên 65 nghìn xã viên, người lao động, bao gồm cả các hộ kinh tế gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, đây là khu vực KT-XH rộng lớn có tác động quan trọng đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề, như nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, tín dụng, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hoá, hành khách... và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của các thành viên...
Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động trong phong trào KTTT, tuy nhiên một số lĩnh vực vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Nguyên nhân do đâu, thưa đồng chí ?
Dù đã có rất nhiều thành tích, kết quả đáng khích lệ qua một nhiệm kỳ hoạt động. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế sẽ phải khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Hạn chế hiện nay là một số Quỹ chưa bám sát mục tiêu hoạt động là tương trợ giữa các thành viên để phát huy sức mạnh tập thể, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh; liên kết hệ thống, hỗ trợ lẫn nhau trong hệ thống giữa T.Ư và các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở còn hạn chế. Nhất là đối với các tổ hợp tác: Mặc dù là mô hình kinh tế thích hợp với trình độ sản xuất của kinh tế hộ ở nông thôn, nhưng tổ hợp tác còn tổ chức thiếu chặt chẽ, các thành viên tham gia không có vón góp hoặc góp vốn là rất ít không đáng kể, chủ yếu là góp sức và công lao động, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, hoạt động sản xuât kinh doanh, trong giao dịch kinh tế, hầu hết cán bộ tổ hợp tác chưa qua đào tạo nên việc chỉ đạo tổ phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Số tổ có tổ chức chặt chẽ, hoạt động ổn định và có đăng ký với UBND xã, phường thấp (15-20%), vốn tài sản ít, nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững. Đối với các HTX, liên hiệp HTX tổ chức và hoạt động chưa tuân thủ đầy đủ các qui định của Luật HTX; các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong HTX còn biểu hiện xa rời bản chất và các giá trị của HTX. Nhiều HTX nông nghiệp chuyển đổi còn hình thức, chưa đảm bảo đầy đủ yêu cầu của Luật HTX và đòi hỏi phát triển của HTX, các xã viên của HTX chuyển đổi khi tham gia HTX nhiều nơi không viết đơn và góp vốn mới, nhiều xã viên không hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình với HTX; xã viên tham gia HTX với ý thức trông chờ vào sự giúp đỡ của tập thể và Nhà nước; Chính vì vậy, nhiều HTX không huy động được nguồn lực từ chính xã viên, tính bền vững và ổn định trong tổ chức và hoạt động chưa cao; chưa thực hiện tốt chế độ hạch toán và báo cáo tài chính. Cùng với đó, các HTX chưa quan tâm đến củng cố theo chiều sâu, theo các nguyên tắc HTX, có những HTX được thành lập chủ yếu xuất phát từ nhu cầu pháp nhân để có tư cách hoạt động; có những HTX hoạt động như doanh nghiệp, quyền quyết định do người góp vốn nhiều chi phối, mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, nhiều HTX lại được hình thành với mục đích hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, vì thế tuy có HTX nhưng xã viên không đóng góp xây dựng HTX, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ vậy, hiện các HTX trên địa bàn tỉnh còn chưa có bước đột phá trong việc cải tiến kỹ thuật, chất lượng hoạt động còn thấp; chưa mở rộng được nhiều hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, của hộ gia đình xã viên; Số HTX hoạt động có hiệu quả cao còn ít; Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể còn chậm, thiếu ổn định. Nhiều HTX còn khó khăn do quy mô nhỏ, khả năng tiềm lực về nguồn vốn hạn chế nhưng lại chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, các ngành, cấp từ tỉnh đến huyện chưa thật sự quan tâm và còn nhiều lúng túng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ chuyên trách cũng như hoạt động của các ngành có liên quan và các huyện, thành phố đến phát triển KTTT còn chậm và thiếu chủ động, cán bộ phụ trách KTTT chủ yếu là kiêm nhiệm. Nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực KTTT chưa được triển khai có hiệu quả. Một số cơ quan có thẩm quyền chưa nhận thức đúng vai trò của KTTT. Các cơ chế chính sách vay vốn còn nhiều bất cập và chưa được triển khai một cách đồng bộ, các HTX tham gia vay vốn còn nhiều lúng túng, vướng mắc chưa được hướng dẫn giải quyết cụ thể, các HTX hạn chế trong tiếp cận với các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội, các dự án của T.Ư, địa phương...
Thưa đồng chí, vậy trong thời gian tới tỉnh ta cần quan tâm đến vấn đề gì trong lĩnh vực KTTTmà nòng cốt là HTX ?
Trên cơ sở quán triệt đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, 5 năm tới, khu vực HTX trong nông nghiệp phải góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng tập trung, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp và các loại hình dịch vụ ở nông thôn. Các tổ hợp tác, HTX trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tập trung vào các hoạt động cả về kinh tế, xã hội, văn hóa... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Mục tiêu chung mà khu vực HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang cần đạt được trong năm năm tới là: Khắc phục triệt để các yếu kém, hạn chế hiện nay, hoạt động hiệu quả trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật; phát triển đa dạng các tổ hợp tác, HTX trong các lĩnh vực, ngành nghề, thu hút sự tham gia của tuyệt đại bộ phận nông dân, những người sản xuất nhỏ và đông đảo các tầng lớp xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là hiệu quả kinh tế trong từng HTX gắn với đáp ứng các nhu cầu sản xuất, đời sống của các xã viên đồng thời nâng cao hiệu quả xã hội của HTX thể hiện trong tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm còn khó khăn, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, ổn định chính trị, xã hội; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ hợp tác, HTX cả về kinh tế, xã hội nhằm tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân..
Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Ý kiến bạn đọc