“Dân vận khéo” ở bản Mông Khuổi Vài
HGĐT - Trước đây, lợi dụng sự hạn chế về nhận thức của đồng Mông ở thôn Khuổi Vài, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên), một số phần tử xấu thực hiện việc chia rẽ nội bộ dân tộc khiến an ninh, chính trị mất ổn định... Song, sự ra đời của Tổ Dân vận (TDV) thôn như ngọn đuốc sáng, soi đường cho đồng bào Mông vững lòng theo Đảng.
Sau những cơn mưa, con đường đất từ UBND xã Bạch Ngọc đến thôn Khuổi Vài bị “xẻ” thành những rãnh sâu khiến con đường thêm lầy lội. Những ngôi nhà thưa thớt nhuốm màu thời gian, nằm nép mình trong điệp trùng núi rừng như minh chứng, cuộc sống của đồng bào vẫn còn gian khó. Thời gian trước năm 1997, hiện tượng người lạ vào truyền đạo trái pháp luật, gây chia rẽ, mất đoàn kết sâu sắc giữa những người theo đạo và không theo đạo; phá vỡ các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống của đồng bào như: Bỏ thờ cúng tổ tiên, làm ma chay hoặc thôi không thổi khèn Mông. Rồi họ bị kẻ xấu xúi giục bán ruộng, bán trâu và di cư tự do... Chính những điều ấy đã gây tâm lý hoang mang, thiếu ổn định trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin và gây cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ KT-XH hội tại địa phương.
Tổ Dân vận hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã xác định: Chỉ có “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” nên đã kết hợp với các đoàn thể trong thôn cùng làm Công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết trong dân. Năm 2009, mô hình “dân vận khéo” ở Khuổi Vài ra đời trên nền tảng những cán bộ chủ chốt của thôn đã làm tốt Công tác dân vận (CTDV). Tiếp đó, thực hiện Đề án số 5, ngày 20.9.2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Thành lập thí điểm Tổ dân vận thôn, tổ dân phố” và mô hình “Dân vận khéo” ở Khuổi Vài được đổi thành TDV. Năm 2013, TDV thôn Khuổi Vài được Ban Dân vận Tỉnh ủy chọn làm TDV điểm của tỉnh với 9 thành viên hoạt động dân vận có hiệu qủa. Trong đó, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn giữ các chức danh tổ trưởng, tổ phó, 7 thành viên còn lại nằm trong các ngành đoàn thể của thôn. Điều đặc biệt, Tổ trưởng TDV, ông Thào Khái Diu là một trong những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nên được đồng bào tin yêu, nể trọng. Điều đó đã góp phần quan trọng trong công tác vận động quần chúng để tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết, cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Trong các buổi sinh hoạt thôn, TDV đã tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân bằng tiếng Việt rồi phiên dịch lại bằng tiếng Mông để bà con hiểu vấn đề. Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ có CTDV, đồng bào tích cực chuyển từ giống lúa năng suất thấp sang gieo cấy lúa lai đem lại hiệu quả kinh tế. Không những vậy, TDV thôn còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Điều đáng quý ở bản Mông là tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn được giữ vững. Công tác tuyên truyền thực sự đi vào lòng dân nên 38/48 hộ trong thôn sinh hoạt đạo Tin lành đã hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia tương đầy đủ các phong trào của thôn, xã; nộp các khoản thu của Nhà nước một cách đầy đủ. Một trong những điểm sáng được nhân lên từ công tác dân vận là việc đồng bào không di cư tự do mà “lạc nghiệp” trên mảnh đất quê hương. Từ một người có ý định đến nơi khác lập nghiệp, hộ ông Giàng Dung Hòa đã ở lại thôn, gây dựng kinh tế khi được tổ trưởng TDV khuyên nhủ: “Đất đai Nhà nước giao cho rồi. Khó khăn mình cùng nhau san sẻ. Cứ chịu khó làm ăn, đưa KHKT tiến bộ vào thâm canh, tăng năng suất thì ấm cái bụng thôi”. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình ông Hòa đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng trọt, chăn nuôi đàn lợn, dê và trâu hàng chục con. Còn chị Ma Thị Chu khẳng định: “Chúng tôi tin Đảng, tin bác
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn gắn với sức mạnh của hương ước nên nhiều hủ tục trong sinh hoạt của đồng bào được “ánh sáng” dân vận đẩy lùi. Các thành viên trong TDV tích cực hướng dẫn bà con tổ chức đám hiếu, đám hỷ trang trọng, gọn nhẹ, không kéo dài thời gian. Do vậy, khi có đám tang, đồng bào người Mông không để người đã khuất ở lại quá 24 giờ đồng hồ. Trong lễ cưới, từ việc thách cưới đôi trâu trị giá vài chục triệu đồng nay trở nên gọn hơn, có khi chỉ cần vài cân thịt lợn, gà hoặc nhà nào thách cưới nhiều cũng không quá 4 triệu đồng. Ông Diu khẳng định: “Việc không mời thầy cúng, thầy mo, không mổ nhiều trâu, nhiều lợn,... trong các nghi lễ không chỉ tiết kiệm tiền bạc, đảm bảo sức khỏe cho dân mà còn thể hiện nếp sống văn minh”. Không những vậy, khi nhận thức của đồng bào đổi thay, họ chú trọng hơn trong việc đưa con em tới trường học chữ để đời chúng không còn lam lũ, cực khổ như đời cha mẹ. Thực tế chứng minh, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở bản Mông đã đạt 98%...
Rời bản Mông, lẫn trong ánh nắng chiều là nụ cười hiền hậu của những người đang hăng say lao động, sản xuất trên mảnh đất quê hương khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Qua năm thángCTDV ở Khuổi Vài như hạt mưa sa thấm vào lòng đất để những thửa ruộng bậc thang thêm xanh màu lúa mới, những chuồng trại thêm nhiều dê, lợn và những đàn trâu thêm béo tốt... để cuộc sống đồng bào bứt phá đi lên.
Ý kiến bạn đọc