Hội nghị trực tuyến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
HGĐT- Ngày 20.8, tại Hà Nội, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn Phiên họp thứ 20.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Tại tỉnh ta có đồng chí Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang; các đồng chí đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang; Thường trực HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQ, các Ban HĐND tỉnh, Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Công an, Thanh tra; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND – UBND tỉnh.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và một số ngành tham dự Hội nghị trực tuyến.
Hội nghị đã được nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về: Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành; việc ban hành và chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội. Các đại biểu cũng được nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời: Việc thực hiện chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII của Chính phủ 2 năm qua đã có những chuyển biến rõ nét… Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL, phù hợp với đường lối chủ trương chính sách của Đảng… Tuy nhiên còn có những hạn chế như tiến độ thẩm định một số dự thảo VBQPPL còn chậm so với quy định, việc đánh giá mức độ tương thích giữa nội dung của dự thảo VBQPPL trong nước được thẩm định với các điều ước quốc tế có liên quan của Việt Nam còn hạn chế, một số lĩnh vực liên quan tới pháp luật quốc tế còn đang bị bỏ ngỏ, còn thiếu đầu tư nghiên cứu so sánh, rà soát. Trong công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 1.680 văn bản, qua kiểm tra đã phát hiện 172 văn bản có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý VBQPPL. Tuy nhiên về lĩnh vực này còn có những hạn chế, một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để, chưa có giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết công tác kiểm tra văn bản với theo dõi thi hành pháp luật; việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Đã có 25/39 đại biểu chất vấn trực tiếp Bộ trưởng,
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản (vàng, cát…) gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãnh phí, việc xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo về đất đai. Nhìn chung, các địa phương đều quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013, tính đến 30.6.2013 cả nước đã cấp được 36.000 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,12 ha, đạt 83,2%. Tuy nhiên việc cấp giấy chứng nhận còn chậm vì phần lớn các trường hợp còn lại chưa cấp giấy chứng nhận không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm Luật Đất đai, chủ yếu do mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép… Tình trạng sử dụng đất lãng phí do công tác quy hoạch không ngang tầm với yêu cầu phát triển, tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gắn với bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập… Các đại biểu cũng được nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Công an, Tổng thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở những ý kiến chất vấn của đại biểu quốc hội, các Bộ trưởng cũng nêu rõ những mặt được và những mặt chưa được, thẳng thắn nhận những khuyết điểm trong việc giải quyết những tồn tại, đồng thời nhấn mạnh các giải pháp khắc phục từ nay đến cuối năm…
Ý kiến bạn đọc