Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc (Quốc hội) làm việc tại tỉnh
HGĐT- Trong 3 ngày (7-9.8), Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc (Quốc hội khóa XIII) do ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn có buổi giám sát tại tỉnh ta về việc thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số (giai đoạn 2010 đến nay).
Đoàn giám sát kiểm tra công tác đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm tạiCông tyCP TMPTNông, lâm nghiệp Bình Minh 3, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Hà Giang; Sèn Chỉn Ly, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành: LĐTB&XH, Tài chính, NN&PTNT, GD&ĐT, Nội vụ, Ngân hàng chính sách xã hội và Liên minh Hợp tác xã.
Đến nay, toàn tỉnh có 18 cơ sở dạy nghề, được phân bố hợp lý tại 11/11 huyện, thành phố. Hình thức tổ chức, phương thức đào tạo được thực hiện linh hoạt. Số lượng giáo viên đến hết năm 2012 đã nâng lên 428 người, tăng 1,7 lần so với năm 2010. Với gần 40 ngành nghề đào tạo đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu người học. Trong 3 năm, với tổng kinh phí trên 169 tỷ đồng dành cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các học viên là lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh có trên 117.000 lao động địa phương được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo tăng từ 20% năm 2010 lên gần 30% năm 2013. Trong đó, có tới 70% lao động đã qua đào tạo tự tạo việc làm tại chỗ. Vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã được đặc biệt quan tâm. Công tác tuyên truyền, vận động, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề cũng như thanh kiểm tra được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhiều mô hình thí điểm về dạy nghề bước đầu phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cho người học...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sèn Chỉn Ly nêu rõ: Tỉnh đã có nhiều cố gắng chỉ đạo, tổ chức thực hiện đào tạo nghề theo Đề án 1956; những vướng mắc kịp thời được tháo gỡ; đã ban hành nhiều chương trình, đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Kết quả đào tạo nghề góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo...
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – ông Danh Ut - đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được và chỉ ra những mặt hạn chế như: Nhận thức của đồng bào về vai trò của công tác đào tạo nghề chưa cao; các ngành được đào tạo còn nặng về nông nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu; công tác sơ kết, khen thưởng chưa được thực hiện thường xuyên. Đồng thời, mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện Đề án 1956 tại các huyện, xã; có biện pháp tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu những lợi ích khi tham gia học nghề. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát; tránh lãng phí; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã; quan tâm đến đối tượng dạy nghề để có chính sách ưu tiên; gắn đào tạo nghề với lợi thế riêng của tỉnh là Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn và việc phát triển 10.000 ha cây dược liệu đã được Chính phủ phê duyệt...
Trước đó, Đoàn giám sát đã khảo sát, nắm tình hình thực tế tại 2 huyện Quản Bạ và Vị Xuyên.
Ý kiến bạn đọc