Kết quả, ý nghĩa chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước
Từ ngày 24-26/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm tuy không dài nhưng kết quả đem lại rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vốn phức tạp và nhiều thăng trầm trong lịch sử.
5 năm sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ lần này lại được dư luận đặc biệt quan tâm, vì chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các quan hệ trong khu vực và trên thế giới có những chuyển biến liên tục và rất phức tạp.
Bản thân Việt Nam cũng đã điều chỉnh, nâng cấp quan hệ với các đối tác quan trọng, nhưng riêng với Hoa Kỳ những năm qua mặc dù quan hệ hai bên đã tiến những bước dài và thực chất, nhưng lại đang thiếu một động lực, một cam kết chính trị mang ý nghĩa thúc đẩy.
Tại Nhà Trắng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các lãnh đạo của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh, Bộ Công nghiệp - Thương mại, Bộ Nông nghiệp đã tham dự hội đàm với phía Hoa Kỳ do Tổng thống Obama dẫn đầu. Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn so với dự kiến, tại cuộc gặp gỡ báo chí hai nhà lãnh đạo cho biết, trong Tuyên bố chung Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập một khuôn khổ hợp tác mới: Đối tác toàn diện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: “Với những tiến bộ đạt được đã đến lúc cần xác lập đối tác toàn diện thúc đẩy quan hệ hai nước”.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố: “Hiển nhiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lịch sử quan hệ khá phức tạp, nhưng từng bước một chúng ta đã xây dựng được sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tôi xin thông báo với các bạn, giữa hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện”.
Hai nhà lãnh đạo cũng cho biết, trong Tuyên bố chung xác nhận mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ có một nội hàm rất phong phú, tạo ra khuôn khổ mới trong hầu hết các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và văn hóa - thể thao - du lịch...
Hai nhà lãnh đạo tin tưởng Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường quan hệ các mặt với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh là nền tảng và động lực của khái niệm Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán TPP có tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước, trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.
Tổng thống Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam về việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển…
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh: “Tôi muốn nói với ngài Chủ tịch là tôi rất trân trọng chuyến thăm của ngài đến Hoa Kỳ. Đây là một dấu mốc cho sự trưởng thành trong quan hệ hai nước và những bước phát triển kế tiếp. Thông qua việc tăng cường trao đổi, tăng cường hợp tác sẽ đem lại cơ hội và sự thịnh vượng cho nhân dân Hoa Kỳ cũng như nhân dân Việt Nam”.
Trong số các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, hai nhà lãnh đạo cho biết việc cần phải làm là thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có, đặc biệt là việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao.
Có một chi tiết đáng chú ý là tại Nhà Trắng đó là Chủ tịch nước đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư Hồ Chủ tịch gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, trong đó thể hiện Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý định thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.
Xử lý những khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người, hai bên nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới tổng thể quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: “Trong cuộc hội đàm Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò vị trí của Việt Nam, cũng như khẳng định mong muốn cùng nhau xây dựng quan hệ hai nước vì hòa bình thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Mở cửa thị trường, hạn chế những rào cản thương mại, thu hút đầu tư và tìm hiểu khả năng kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng là nội dung trọng điểm của chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tại Washington, đoàn Việt Nam liên tục đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan có vai trò trong việc hình thành và ban hành chính sách Hoa Kỳ, đó là Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, các Bộ trưởng có liên quan đến kinh tế như Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Đại diện Thương mại Michael Froman; gặp gỡ các Nghị sỹ thuộc hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Trước cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước nhấn mạnh với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất; cùng với đó là triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn.
Với chủ đề “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong một châu Á - Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng”, thuyết trình trước các học giả, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng của châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, việc các nước đặt trọng tâm vào khu vực này là tất yếu, song để biến tiềm năng thành hiện thực cần có một môi trường hợp tác lành mạnh. Việc Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác không nằm ngoài mục tiêu đó.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang phát biểu: “Thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh với quí vị là Việt Nam mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, cùng chung tay đóng góp và vun đắp cho một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng”.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Chủ tịch Nước cũng đã gặp lại ông bà Clinton. Năm 2000, ông Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ hai nước. Còn phu nhân của ông, bà cựu Ngoại trưởng cũng đến Việt Nam nhiều lần với nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao lần này, các hoạt động ngoại giao nhân dân đã được diễn ra song song với những buổi làm việc chính thức của đoàn cũng đem lại nhiều ý nghĩa. Tham gia các hoạt động của đoàn Việt Nam lần này có 6 vị chức sắc thuộc các tôn giáo khác nhau, các chức sắc tôn giáo đã có cuộc gặp gỡ với nhiều quan chức, các tổ chức phi chính phủ, cũng như các tổ chức tôn giáo trên đất Hoa Kỳ.
Ý kiến bạn đọc