Hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947 - 2013)
Sáng mãi đạo lý “Uống nước - nhớ nguồn”
HGĐT- Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chống lại bọn thực dân xâm lược. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường.
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trại điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: TƯ LIỆU
Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở một số địa phương... Sau đó được đổi thành“Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở T.Ư có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.
Ngày 28.5.1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Hội” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” tổ chức chiều 17.11.1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch đã đến dự buổi lễ và tặng chiếc áo mà Người đang mặc cho chiến sĩ.
Khi cuộc kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, ngày 19.12.1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16.2.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để chủ đạo công tác này trong cả nước, đầu tháng 7.1947 Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh Toàn quốc”.
Cũng trong thời gian này, tại một địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, T.Ư Hội Phụ nữ cứu quốc, T.Ư Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27.7 hàng năm là “Ngày Thương binh Toàn quốc”.
Từ đấy, hàng năm đến ngày 27.7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7.1955, “Ngày Thương binh Toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Trải qua hơn sáu thập kỷ, đất nước ta trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” 27.7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Ý kiến bạn đọc