Mèo Vạc viết tiếp trang sử Anh hùng
Tuy là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước với điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí và nhận thức của người dân về mọi mặt còn hạn chế, hệ thống hạ tầng cơ sở phát triển chưa đồng bộ... nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã “vượt khó đi lên”, phát triển từ trong nội lực. Đó là yếu tố căn bản để huyện tạo ra bước “đột phá” trên đường đưa Nghị quyết “về đích”. Theo đó, trong việc thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu và các chương trình phát triển KT - XH trọng tâm, huyện Mèo Vạc đã có 4 chỉ tiêu vượt Nghị quyết, 6 chỉ tiêu đạt từ 90% trở lên, 2 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 90%, 6 chỉ tiêu đạt dưới 80% và chỉ có 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%.
Lãnh đạo và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc tham gia làm đường giao thông, chung tay xây dựng NTM.
Thực hiện “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo xây dựng 10 Nghị quyết chuyên đề. Đồng thời, xây dựng các chương trình hành động, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT –XH trọng tâm. Trong đó đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của huyện như: chương trình chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chương trình quy tụ dân cư gắn xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, phát triển cửa khẩu gắn đảm bảo an ninh biên giới, chương trình XĐGN bền vững, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.
Trên cơ sở đó, từ năm 2010, mỗi năm toàn huyện trồng mới từ 500 – 800 ha cỏ chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 3.984,40 ha cỏ chăn nuôi, đạt 79,69% so với mục tiêu Nghị quyết. Tổng đàn trâu, bò hiện có 31.700 con. Ngoài ra huyện đang tập trung khôi phục và phát triển đàn ngựa, mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 2.000 con trâu, bò và 3.000 con dê. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện đã mở mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng 7.700m đường liên thôn. Nghiệm thu và đưa vào sử dụng 3.235m đường bê tông liên thôn; 6.086m đường bê tông vào hộ gia đình; láng bó nền nhà 36.288m2 ; xây dựng 612 công trình vệ sinh; di dời 242 chuồng trại gia súc ra xa nhà ở; xây dựng 356 bể nước hộ gia đình. Phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 27 thôn và 3 xã được công nhận đạt tiêu chí NTM. Với mục tiêu phấn đấu tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế của huyện đến năm 2015 chiếm 43,65%, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 60 tỷ đồng năm 2010 lên trên 350 tỷ đồng vào năm 2015. Vì vậy huyện đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, thu hút vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng vào các công trình thủy điện. Các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp phục vụ xây dựng, phục vụ đời sống được duy trì, lượng sản phẩm làm ra đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
Với lợi thế riêng tiếp giáp với hai huyện thuộc hai tỉnh của Trung Quốc nên những năm qua, huyện luôn coi trọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương, hợp tác phát triển kinh tế mậu dịch biên giới, tạo điều kiện để nhân dân hai bên giao lưu buôn bán. Trong thời gian tới, huyện đang đầu tư xây dựng nâng cấp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng thành cửa khẩu Quốc gia; xây dựng cặp cửa khẩu Lũng Làn - Pờ Tú nhằm thúc đẩy kinh tế biên mậu phát triển. Thực hiện tốt các chương trình di dân tái định cư ra khu vực biên giới đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân. Tiếp tục thực hiện XĐGN bền vững, các chính sách và dự án giảm nghèo được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo. Ngoài ra, huyện đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 3.058 người. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 56,93% năm 2011 xuống còn 50,55% vào cuối năm 2012. Mục tiêu đến 2015 giảm xuống còn 33,29%. Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, du lịch, huyện đang phấn đấu giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt trên 320 tỷ đồng, tăng hơn 2,67 lần so với năm 2010; tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 38,25 % trong cơ cấu kinh tế. Tập trung chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm huyện lỵ, xây dựng tuyến phố văn minh; trồng cây cảnh quan, đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng; quy hoạch xây dựng cơ quan công sở khang trang, sạch đẹp. Phát triển chuỗi liên kết các loại hình kinh doanh – dịch vụ, phục vụ phát triển du lịch. Với một huyện nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng mạng lưới trường, lớp đã được mở rộng đến các thôn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động học sinh đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 6 - 14 tuổi đến trường đạt trên 98%, có 3 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học THPT ngày càng tăng được xem là những chuyển biến đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Những kết quả đó cho thấy, huyện đã xác định đúng và đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, đột phá, XĐGN bền vững, ổn định, phát triển” huyện Mèo Vạc đã đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống nhân dân, lấy đó làm nền tảng phát triển. Vì vậy, huyện đã đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung chuyển đổi diện tích trồng ngô địa phương sang trồng ngô lai; phát triển sản xuất các loại cây trồng như: đậu tương, chè, khoai tây... Chú trọng phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho các hộ gia đình.
Những bước “đột phá” mà huyện Mèo Vạc đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua được tạo ra trên cơ sở huyện đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trở thành việc làm thường xuyên trong toàn Đảng bộ huyện. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ và nâng cao chất lượng đảng viên. Tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng “chi bộ điểm” gắn với củng cố, kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động của HĐND các cấp. Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với việc thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm, huyện Mèo Vạc đang tiếp tục tạo sự chuyển biến nhanh về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách nghèo đói giữa các xã trên địa bàn. Đây cũng là điểm “mấu chốt” để huyện tiếp tục viết tiếp những trang sử trên quê hương Mèo Vạc Anh hùng.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc
Ý kiến bạn đọc