Những ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
HGĐT- Theo số liệu đến ngày 13.3.2013, các cơ quan, tổ chức, địa phương gửi báo cáo về Ban chỉ đạo cấp tỉnh là 72 báo cáo, trong đó các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh là 61 và cấp huyện 11 báo cáo. Việc tổng hợp theo Hướng dẫn số 293/HD-UBDTSĐHP ngày 23/02/2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương sau khi tổng hợp từ các kênh gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được coi là 1 ý kiến của cơ quan tổ chức. Cụ thể:
Về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp có 62/72 ý kiến của cơ quan, tổ chức tán thành về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay vì lý do việc sửa đổi, bổ sung và quy định mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là phù hợp với mục đích của Đảng, Nhà nước ta “sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”. Có 10/72 ý kiến của cơ quan tổ chức tham gia về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 như dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay, trong đó 3/72 ý kiến đề nghị bỏ Điều 21, Điều 120, Điều 121 mới; 3/72 ý kiến đề nghị giữ nguyên Điều 66; 2/72 ý kiến đề nghị giữ nguyên Điều 41; 2/72 ý kiến đề nghị giữ nguyên Điều 42.
Về tên gọi của Hiến pháp, có 72/72 ý kiến của cơ quan, tổ chức đề nghị lấy tên là: “Hiến pháp năm 2013” phù hợp hơn việc lấy tên là Hiến pháp 1992 sửa đổi, vì bản Hiến pháp lần này đã sửa đổi một cách cơ bản nội dung của Hiến pháp năm 1992. Ngoài những nội dung mới phù hợp với điều kiện thực tế, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa kịp thời những chủ trương, chính sách mới do Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
Về bố cục, có 62/72 ý kiến tán thành với bố cục của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như hiện nay vì cho rằng bố cục của dự thảo đã phù hợp, lô gíc về kết cấu; tên gọi của các chương, điều phù hợp với nội dung, bao quát được nội dung. 10/72 ý kiến tham gia sửa đổi, bổ sung bố cục của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như hiện nay vì đề nghị giữ nguyên các Điều 41, Điều 42, Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 và đề nghị bỏ Điều 21, Điều 120, Điều 121 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về kỹ thuật lập hiến: Có 6/72 ý kiến tán thành với kỹ thuật lập hiến của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì kỹ thuật lập hiến sử dụng đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được hoàn thiện và nâng cao, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâi dài. Có 66/72 ý kiến tham gia về kỹ thuật lập hiến của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vì cho rằng tính logic ở một số điều, khoản còn chung chung, chưa cụ thể, câu từ còn đa nghĩa khó hiểu và có một số điểm thiếu nhất quán.
Ý kiến bạn đọc