Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt tiến độ
HGĐT- Thông tin từ BCĐ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết: Sau gần 2 tháng tổ chức, triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 56 cơ quan, tổ chức, địa phương (11 huyện, thành phố, 45 sở, ban, ngành, đoàn thể) đã triển khai xong việc lấy ý kiến nhân dân và gửi báo cáo về BCĐ.
Qua tổng hợp sơ bộ, có 2.096 lượt ý kiến của 109.558 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ và nhân dân tham dự hội nghị do các cấp, ngành tổ chức. Các ý kiến của nhân dân tham gia chủ yếu vào lĩnh vực như chế độ chính trị, kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy...
Trong các ý kiến đóng góp của nhân dân, một số vấn đề đang có nhiều ý kiến tập trung như: Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn, bổ sung thêm một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cho phù hợp với quá trình phát triển đất nước, phù hợp điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc khi nào dùng thuật ngữ quyền con người, khi nào dùng quyền công dân, đồng thời đề nghị thay đổi hai quyền này tại một số điều như tại Khoản 2, Điều 15 của dự thảo. Các ý kiến tham gia theo 2 quan điểm khác nhau là nên quy định cả quyền công dân và quyền con người bị giới hạn trong một số trường hợp cần thiết hay chỉ riêng quyền công dân bị giới hạn, còn quyền con người thì phải được đảm bảo.
Việc nên hay không nên bỏ, sửa đổi và thay đổi cơ bản các Điều 59, 66 và 67 của Hiến pháp năm 1992 có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không nên bỏ Điều 66 Hiến pháp 1992 như dự thảo và cần thiết phải quy định tại Hiến pháp một điều về thanh niên vì đây là lực lượng quan trọng tạo ra sức mạnh của một quốc gia, từ đó mới có cơ sở đề ra các chính sách đối với lực lượng thanh niên. Điều 67 về người có công, khi sửa đổi cần cụ thể như Hiến pháp 1992 để khẳng định hơn nữa sự quan tâm của Nhà nước đối với người có công với đất nước, với cách mạng. Điều 42 của dự thảo sửa đổi nên giữ lại một số nội dung của Điều 59 Hiến pháp 1992 vì vẫn còn giá trị. Còn quan điểm thứ hai: Nên bỏ Điều 66 của Hiến pháp 1992 như dự thảo là phù hợp vì nếu Hiến pháp có một điều về thanh niên thì phụ nữ, người cao tuổi... cũng cần được quy định. Điều 63 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về người có công với nước như vậy là đầy đủ, không cần liệt kê cụ thể như Điều 67 Hiến pháp 1992. Điều 59 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định ngắn gọn, đủ ý, không cần liệt kê việc học tập như Điều 59 Hiến pháp 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến tham gia, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tỉnh ta đã kịp thời ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân. BCĐ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thành lập tổ giúp việc, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức lấy ý kiến nhân dân qua các hội nghị, phương tiện truyền thông của tỉnh được tiến hành kịp thời, hiệu quả, do đó việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt tiến độ và yêu cầu đề ra.
Trong thời gian tới, BCĐ lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục kiểm tra việc lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh.
Ý kiến bạn đọc