Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
HGĐT- Sáng 6.3, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Tham dự tại đầu cầu Hà Giang có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Hà Giang; Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng chủ trì tại đầu cầu Hà Giang.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư, đến nay, việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ. 54 tỉnh, thành phố và 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến. Đối tượng lấy ý kiến phong phú, hình thức lấy ý kiến đa dạng. Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc lấy ý kiến nhân dân được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo... Đối với tỉnh ta, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai theo đúng hướng dẫn của T.Ư. Đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến; 58 sở, ban, ngành, đoàn thể và 11 huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến với tổng số gần 3.000 lượt ý kiến của trên 110.000 CBCCVC, người lao động, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, nhân dân...
Sau khi nghe các báo cáo, các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua các bộ, ngành T.Ư và các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, có chất lượng. Việc tổ chức lấy ý kiến đã có nhiều cách làm sáng tạo, đa dạng. Qua đó, việc triển khai lấy ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị lớn. Phó Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tổ chức lấy ý kiến theo kế hoạch đề ra, tập hợp đầy đủ các ý kiến khách quan của nhân dân; cần có những lí luận phản bác lại những lập luận lệch lạc với đường lối của Đảng và Nhà nước; cần duy trì lấy ý kiến nhân dân cho đến trước khi Hiến pháp được thông qua...
Ý kiến bạn đọc