Đại biểu HĐND tỉnh gửi nhiều tâm huyết vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

09:19, 12/03/2013

HGĐT- Tại hội nghị chuyên đề do HĐND tỉnh vừa tổ chức, các đại biểu HĐND đã gửi nhiều tâm huyết, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đại biểu của dân, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Trong thời gian diễn ra hội nghị, đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực góp ý vào các vấn đề được quy định tại dự thảo, đặc biệt là các điều, khoản liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước như chức năng của HĐND, UBND, việc xây dựng chính quyền địa phương; nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân... Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều khẳng định: Bản dự thảo có nhiều điểm kế thừa Hiến pháp hiện hành, nhiều điểm mới, nhiều điều, khoản tiến bộ, có tầm nhìn, gắn liền với nhiệm vụ và chiến lược phát triển KT-XH của đất nước.

 


Trưởng thôn Nà Tho - Nguyễn Trung Tiến - xã Tân Bắc (Quang Bình) báo cáo với Đoàn kiểm tra lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh. Ảnh: Đức Dũng


Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế như tính lô gíc ở một số điều, khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn chung chung, chưa cụ thể, câu từ đa nghĩa khó hiểu, một số điểm thiếu nhất quán. Cụ thể, tại điều 5, khoản 4 (chương I), đại biểu HĐND tỉnh đề nghị bỏ từ “thiểu số” vì lý do: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là để các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cần có các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số phát triển. Nhưng khoản 4, điều 5 của dự thảo quy định “Nhà nước phát triển chính sách toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước” sẽ được hiểu là chỉ tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số. Như vậy, chưa phù hợp với khoản 2, điều 5 là các dân tộc bình đẳng nên chỉ cần quy định chung là các dân tộc như Hiến pháp 1992, còn việc thực hiện chính sách ưu tiên đối với dân tộc thiểu số được quy định tại luật, nghị quyết và các văn bản dưới luật như hiện tại.

 

Góp ý vào dự thảo, đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị bổ sung thêm cụm từ “là một bộ phận của hệ thống chính trị” sau cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ”, bổ sung thêm “là nơi vận động, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Như vậy, điều này nên sửa lại như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là nơi vận động, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Quy định như vậy để khẳng định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam đã được lịch sử chứng minh.

 

Đối với các thuật ngữ thể hiện trong điều 45 - chương II, các ý kiến đề nghị sửa cụm từ “Sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” thành “Sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình, quyền lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Thay từ “mẹ đẻ” thành “dân tộc mình” vì lý do: Sử dụng từ “mẹ đẻ” như dự thảo chưa rõ là ngôn ngữ của người mẹ sinh ra mình hay tiếng Việt với nghĩa là tiếng mẹ đẻ. Do đó, nếu được quyền xác định dân tộc cho mình thì nên dùng là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình sẽ phù hợp hơn, còn khi tham gia học tập tại Việt Nam thì đương nhiên phải sử dụng tiếng Việt. Thực tế cho thấy, có nhiều người mang dân tộc cha hoặc mẹ nhưng không biết về ngôn ngữ của dân tộc mình và đề nghị thay từ “tự do” thành“quyền” sẽ phù hợp hơn.

 

Điều 107, khoản 2 - chương VIII, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa” sau cụm từ “Bảo vệ công lý”. Điều 108,khoản 1, bổ sung thêm cụm từ “Ở cấp sơ thẩm” sau cụm từ Tòa án nhân dân, vì chỉ có xét xử sơ thẩm thì thành phần xét xử mới có Hội thẩm nhân dân tham gia. Thêm cụm từ “Trong số đại biểu Quốc hội” vào sau cụm từ Chánh án TAND Tối cao do Quốc hội bầu (khoản 1, Điều 110) và Viện trưởng Viện KSND Tối cao do Quốc hội bầu (khoản 1, Điều 113). Điều 112, khoản 1 bổ sung thêm cụm từ “Là cơ quan tư pháp độc lập” sau cụm từ Viện KSND để khẳng định vị trí, vai trò của Viện KSND trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.

 

Tại điều 115 - chương IX Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ý kiến cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, hiện nay đang thí điểm việc không thành lập HĐND cấp huyện ở một số địa phương, vì vậy cần quy định rõ việc thành lập HĐND ở các cấp cụ thể. Đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Điều 120 (chương X), có 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp vì chức năng, nhiệm vụ của nó gần giống nhiệm vụ thẩm định văn bản của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của các ngành. Theo quy định của pháp luật, quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật rất chặt chẽ, trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của các ngành có trách nhiệm thẩm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hiến pháp sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh sửa. Vì vậy cần thành lập Tòa án Hiến pháp để xét xử những hành vi vi phạm Hiến pháp sẽ hợp lý hơn. Quan điểm thứ hai đồng ý quy định tại dự thảo. Vì đối với các hành vi vi hiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân tùy từng mức độ vi phạm đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Qua quá trình nghiên cứu, HĐND tỉnh nhận thấy quy định như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp... Các ý kiến còn lại đều đồng tình, nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị chuyên đề đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao của cá nhân đại biểu HĐND tỉnh đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc tích cực đóng góp ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh đã góp phần làm rõ các nội dung, điều, khoản quy định để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị triển khai công tác đối ngoại giai đoạn 2013-2015
HGĐT- Ngày 11.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại giai đoạn 2010-2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại giai đoạn 2013-2015.
11/03/2013
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ cao
HGĐT- Ngày 1.3 vừa qua, BCĐ lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, một số chuyên gia và cử tri thành phố Hà Giang. Tại hội nghị, có trên 20 lượt ý kiến phát biểu tham gia vào các vấn đề được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
10/03/2013
Đồng chí Lê Quang Triều làm việc tại huyện Quang Bình
HGĐT- Ngày 6.3, đồng chí Lê Quang Triều, Ủy viên BTV, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với huyện Quang Bình và đi kiểm tra thực tế một số mô hình kinh tế, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
08/03/2013
Đoàn kiểm tra của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 làm việc tại Bộ CHQS tỉnh
HGĐT- Từ ngày 4 đến ngày 6.3, đoàn kiểm tra của Quân khu 2 do Trung tướng Dương Đức Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác luyện tập Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (TTSSCĐ) và bảo đảm cho huấn luyện năm 2013 tại tỉnh ta.
08/03/2013