Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2013 – 2018)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh toàn diện

08:44, 19/03/2013

HGĐT - Là tỉnh miền núi thuần nông, Hà Giang có 85,74% dân số là nông dân, trong đó lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 266.940 người, chiếm 75,24% tổng số lao động trong toàn tỉnh, là lực lượng đông đảo nhất trực tiếp sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của nhân dân.


Những năm qua, mặc dù với điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới còn đặc biệt khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh đã khắc phục vượt qua mọi khó khăn, phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2008-2013), xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nông dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cần cù, sáng tạo nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tích cực xây dựng nông thôn mới. Cho đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân đã từng bước được cải thiện: 70% số hộ đã có xe máy; 90% số hộ có ti vi; 15% số hộ mua được máy canh tác nông nghiệp và ô tô vận tải; trên 6.200 hộ đã được xóa nhà tạm; 85% số hộ có nhà ở cấp 4, trong đó 30% số hộ có nhà xây kiên cố (1-2 tầng). Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 11,1 triệu đồng/năm, tăng gần 2 lần so năm 2008.

 

Có được kết quả trên là do các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, từng bước làm chuyển biến nhận thức, tăng niềm tin của cán bộ, hội viên, nông dân vào chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng; tạo sự đồng thuận của nông dân với chính sách, luật pháp của Nhà nước, hăng hái, tích cực, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tê - văn hóa - xã hội. Các cấp Hội luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tế cơ sở, hội viên, nông dân, chủ động và phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang tổ chức phổ biến, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Hội cấp trên đến cán bộ, hội viên và đông đảo nông dân với các hình thức đa dạng như sinh hoạt Chi, Tổ hội; mở lớp theo chuyên đề, thi viết, thi sân khấu hóa, đặc biệt ở các huyện vùng cao đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến tại các phiên chợ trung tâm cụm xã, trung tâm huyện với từng chủ đề khác nhau. Kết quả trong nhiệm kỳ đã tổ chức được 65.985 cuộc với 6.163.250 lượt cán bộ, hội viên, nông dân được tiếp thu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XIV, lần thứ XV; Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ địa phương gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thiết thực, cụ thể thu hút hội viên, đông đảo nông dân tham gia sinh hoạt Hội, hoạt động Hội được gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; dạy nghề, cấy nghề, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống... Bên cạnh đó, công tác củng cố tổ chức Hội là công tác quan trọng để nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, thường xuyên củng cố bổ sung kịp thời. Đã có 82 cơ sở Hội đạt vững mạnh, chiếm 42% (trong đó có 29 cơ sở đạt vững mạnh toàn diện); 63 cơ sở đạt loại kha, chiếm 32%; 38 cơ sở đạt trung bình, chiếm 20%; 12 cơ sở yếu kém, chiếm 6,0%; 100% BCH Hội cơ sở xây dựng quy chế hoạt động; 80% cơ sở Hội duy trì sinh hoạt đúng định kỳ; 100% cơ sở Hội thu nộp hội phí và xây dựng được Qũy hội; 85% cơ sở Hội xây dựng được kế hoạch hoạt động hàng năm của Hội. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp 9.957 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 101.570 hội viên...

 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là phong trào trọng tâm, xuyên suốt các hoạt động của Hội, gắn bó mật thiết với phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân với mục tiêu: Tận dụng tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, đã có 76.850 lượt hộ nghèo, khó khăn được các hộ giàu, hộ sản xuất, kinh doanh giởi giúp đỡ thiết thực, trong đó có 635 hộ nghèo được giúp đỡ đã thoát nghèo bền vững, phát huy nội lực của hộ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tăng hộ khá, giàu; giúp đỡ thiết thực cho hộ nghèo, hộ gặp khó khăn cùng phát triển. Các cấp Hội đã phát động phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh; trên 45.000 hộ nông dân đăng ký thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Đến tháng 12.2012, toàn tỉnh suy tôn, công nhận 12.425 hộ nông dân sản xuất,kinh doanh giỏi (chiếm 11,3% so với tổng số hộ nông dân toàn tỉnh), trong đó cấp Trung ương 88 hộ; cấp tỉnh 533 hộ; cấp huyện, thành phố 1.566 hộ; cấp xã, phường, thị trấn 10.238 hộ. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lan tỏa sâu rộng ở các vùng miền, các dân tộc đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, sản xuất nông sản hàng hóa như cây đậu tương ở Hoàng Su Phì, Xín Mần; cây ăn quả có múi ở Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình; cây xoài ở Yên Minh; cây chè ở Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; trồng cỏ nuôi bò hàng hóa ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê. Nhiều hộ nông dân đã vượt khó làm giàu trở thành mô hình, điển hình về sử dụng hiệu quả đất canh tác với giá trị thu nhập đạt từ 60 – 100 triệu đồng /ha/ năm...

 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Cả nước chung tây xây dựng nông thôn mới”, tích cực tuyên truyền, vận động rộng khắp hội viên nông dân trong tỉnh tham gia thiết thực mô hình “Hộ sạch, khuôn viên đẹp” với tiêu chí “6 có, 3 không” gắn với xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên nông dân tự nguyện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như góp 1,2 triệu ngày công lao động trị giá trên 120 tỷ đồng để tham gia xây dựng các công trình đạt kết quả, gồm: Kéo điện về nông thôn đảm bảo 100% số xã đều có điện lưới Quốc gia; làm mới 180 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 200 công trình nhà trụ sở thôn bản; làm 300 điểm trường, 150 nhà lưu trú giáo viên; duy tu, bảo dưỡng 750 km đường liên thôn, xã; kiên cố hóa 296 km kênh mương thuỷ lợi, hàng nghìn bể nước gia đình, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt như giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh cho trên 12.000 hộ nông dân; chỉnh trang được 1.800 khuôn viên hộ gia đình; cải tạo được 850 vườn hộ; hỗ trợ 1.300 hộ làm nhà vệ sinh; hỗ trợ di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà ở được 207 chuồng trại. Góp công, hiến đất cùng Nhà nước xây dựng các thiết chế cơ sở góp phần hoàn thành từng tiêu chí xã nông thôn mới...

 

Phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới đó là: Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường của nông dân các dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng nông thôn mới; xây dựng Hội Nông dân vững mạnh làm trung tâm nòng cốt cho các phong trào cách mạng của nông dân; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của Hội viên nông dân...

                                                Xin Thị Bích
                           (Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thường trực HĐND tỉnh trao đổi kinh nghiệm thành lập Ban HĐND cấp xã tại tỉnh Đồng Nai
HGĐT - Từ ngày 10-12.3, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ giao cho Đảng đoàn HĐND tỉnh xây dựng Đề án “Thí điểm thành lập 2 Ban HĐND cấp xã”, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc với HĐND tỉnh Đồng Nai.
19/03/2013
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc năm 2012; triển khai nhiệm vụ năm 2013
HGĐT- Ngày 18.3 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc năm 2012; triển khai nhiệm vụ năm 2013.
18/03/2013
Gặp mặt báo chí đầu Xuân 2013
HGĐT- Sáng ngày 15.3, tại trụ sở Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 2 (Thành phố Việt Trì), Đảng ủy, BTL Quân khu 2 tổ chức gặp mặt báo chí Trung ương và địa phương 9 tỉnh trên địa bàn Quân khu.
16/03/2013
Ký kết giao ước phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” cụm thi đua số III
HGĐT- Ngày 15.3, tại Công an tỉnh, Công an 7 tỉnh biên giới thuộc Cụm thi đua số 3 gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2013.
15/03/2013