Những tham gia, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của cán bộ, viên chức Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh
HGĐT- Thực hiện Kế hoạch số 02/KH – BCĐ, ngày 11. 1. 2013 của Ban Chỉ đạo lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; vừa qua, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ CCVC.
Tại Hội nghị, đa số ý kiến đều thống nhất cao về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được soạn thảo công phu, kết cấu về nội dung và hình thức khá chặt chẽ, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp cơ bản phù hợp tình hình mới. Lần sửa đổi này, Dự thảo tập trung nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân; về kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường... có nhiều điểm sửa đổi thể hiện các nội dung mang tính căn bản, nguyên tắc về các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường...; quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992. Trong quy định về bộ máy Nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước.. Ngoài nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về Nhà nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, Dự thảo bổ sung một số thiết chế,hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia. Đồng thời, có quy định mới về thẩm quyền Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp...
Ngoài những nội dung nhất trí, các đại biểu tham góp một số ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm, cụ thể như:
Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10): Nếu Điều 10 và cả Chương I chỉ nêu vai trò của Công đoàn mà không nêu vai trò của Hội Nông dân và đội ngũ trí thức là không đầy đủ và không phù hợp với nội dung đã được thể hiện ở Điều 2 là: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức”. Đề nghị bổ sung thêm nội dung nói về vai trò Hội Nông dân và đội ngũ trí thức ở Điều 10 hoặc có thêm điều khoản bổ sung trong Chương I.
Điều 16 (mới) và Điều 17 (sửa đổi, bổ sung Điều 52): 2 Điều này có nội dung gần giống nhau, đề nghị gộp thành một Điều, chuyển khoản 1 Điều 17 gộp vào khoản 1 Điều 16; khoản 2 Điều 17 chuyển lên Điều 16 và chuyển thành khoản 3 Điều 16, cụ thể:
“Điều 16:
a. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
b. Không lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích Quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
c. Không ai bị phân biệt, đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Điều 21 (mới): Điều 21 quy định “Mọi người có quyền sống”. Đây là quy định rất mới, mang tư tưởng tiến bộ. Tuy nhiên, nội dung khó được hiểu đầy đủ. Chẳng hạn, Điều này có bao hàm nội dung sẽ không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Quy định như Dự thảo chưa đảm bảo được nội dung cần thiết về quyền được sống của con người.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung như sau: “Mọi người có quyền sống, trừ việc tước đoạt đến quyền sống của người khác theo quy định của pháp luật”.
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73): Khoản 1 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Nội dung này chỉ nói lên quyền tự bảo hộ của công dân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự, uy tín. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, công dân không thể tự bảo hộ. Vì thế, Điều này cần bổ sung thêm nội dung thể hiện các quyền nêu trên phải “được pháp luật bảo hộ”.
Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53): Quy định “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”. Điều này Dự thảo quy định còn chung chung. Đề nghị quy định thêm các trường hợp cụ thể mà Nhà nước cần phải trưng cầu ý dân để dễ thực hiện.
Điều 36 (sửa đổi, bổ sung Điều 62): Khoản 2 đề nghị nêu thêm từ “việc làm”, cụ thể như sau: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có việc làm và nơi ở”.
Điều 37 (sửa đổi, bổ sung Điều 73): Khoản 1 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp”, nếu quy định như thế, nhiều người nghèo, người mới nhập cư, chưa đủ điều kiện về pháp lý để có chỗ ở hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo hộ “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”?, do đó cần nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.
Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61): Khoản 1 đề nghị nêu thêm cụm từ “nâng cao thể chất” để có nội dung cụ thể như sau: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể chất,...”.
Điều 42 (sửa đổi, bổ sung Điều 59): Quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Nội dung này mới chỉ nêu trách nhiệm của công dân mà chưa làm rõ trách nhiệm Nhà nước. Trên thực tế, có nhiều người tuy rất muốn học tập nhưng không thể học được vì nghèo, gia cảnh khó khăn, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, Điều này nên bổ sung thêm ý: “Nhà nước có trách nhiệm thực hiện chính sách học phí, học bổng phù hợp với yêu cầu xã hội”. Cụ thể: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập; Nhà nước có trách nhiệm thực hiện chính sách học phí, học bổng phù hợp với yêu cầu xã hội”.
Điều 94 (sửa đổi, bổ sung Điều 104): Khoản 2 Dự thảo quy định về “quyền hạn đặc biệt” của Chủ tịch nước. Dự thảo cần quy định rõ quyền hạn đặc biệt là quyền hạn gì? Để tránh xảy ra việc có thể thực hiện không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến sự công bằng xã hội.
Điều 103 (sửa đổi, bổ sung Điều 114): Dự thảo xem xét nên quy định việc bầu Thủ tướng Chính phủ phải do nhân dân bầu trực tiếp. Như vậy mới đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Thủ tướng Chính phủ do nhân dân trực tiếp bầu”.
Điều 114 (sửa đổi, bổ sung Điều 138): Khoản 2 quy định “Khi thực hành quyền công tố... và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân”. Nếu Dự thảo để cụm từ “...và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân” sẽ dẫn đến kẽ hở cho việc lạm dụng quyền hạn. Đề nghị bỏ cụm từ này và quy định như sau: “2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật.”
Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147): Khoản 4 đề nghị bổ sung cụm từ: “sau khi đã trưng cầu ý dân”, cụ thể như sau: “4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và sau khi đã trưng cầu ý dân. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Ý kiến bạn đọc