Thắng Mố mở hướng thoát nghèo từ cây ngô vụ 2
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Thắng Mố là xã vùng cao biên giới có trên 400 hộ dân sinh sống ở 8 thôn bản. Do điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí không đồng đều là những nguyên nhân căn bản khiến xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với gần 90% tổng số hộ. Làm gì để giúp xã vươn lên, xóa đói giảm nghèo bền vững là câu hỏi khiến các cấp, các ngành từ tỉnh xuống đến huyện và chính quyền địa phương trăn trở tìm lời giải, trong đó có Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh (đơn vị được BCĐ Xây dựng Cơ sở chính trị vững mạnh tỉnh giao nhiệm vụ đỡ đầu xã khó khăn).
Mô hình ngô lai NK 4300 vụ 2 tại xã Thắng Mố.
Trước hết là phát huy lợi thế trong lĩnh vực trồng trọt trong đó ổn định an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu đặc biệt là cây ngô. Thông qua chương trình an sinh xã hội của Công ty Sylgenta Việt Nam, trong năm qua, Sở NN – PTNT tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện mô hình trồng ngô lai NK 4300 vụ 2 trên diện tích 1 ha tại thôn Khán Trồ với 3 hộ dân tham gia. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã trồng cây ngô trong vụ 2 bởi từ trước đến nay, do tập quán canh tác cũng như do bà con chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên diện tích đất trồng lúa, ngô với gần 300 ha toàn xã chỉ sản xuất 1 vụ, thời gian còn lại trồng đậu, trồng rau nhưng diện tích manh mún, hiệu quả kinh tế rất thấp. Bước vào thực hiện, cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp cùng chính quyền địa phương vận động các hộ tham gia mô hình nghiêm túc tuân thủ quy trình kỹ thuật từ việc sử dụng giống ngô lai ngắn ngày trong cả 2 vụ, cho đến việc trồng gối vụ cho cây sinh trưởng, cho thu hoạch trước vụ rét và các quy trình chăm sóc... Sau gần 5 tháng, diện tích ngô vụ 2 cho kết quả rất khả quan. Anh Giang Đức Hiệp, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT tỉnh cho biết: “Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, giống ngô NK4300 có thời gian sinh trưởng trung ngày; chiều cao thấp, bộ rễ chân kiềng khả năng chịu hạn, chịu rét, chống đổ; vỏ bi bao kín và dày nên hạn chế tối đa hiện tượng thối, ít sâu mọt, bảo quản được lâu; mức độ sâu bệnh gây hại rất thấp, bộ lá khi thu hoạch còn xanh, có thể tận dụng làm thức ăn gia súc. Năng suất bình quân đạt 5.500 kg, cho người dân nguồn thu trên 30 triệu đồng/ha. Qua việc triển khai, thực hiện mô hình cho thấy, cây ngô NK 4300 trồng trong vụ 2 đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho xã Thắng Mố nói riêng và các xã lân cận của huyện Yên Minh nói chung”. Thành công của mô hình trồng ngô lai vụ 2 ở xã đã tác động mạnh đến tư duy sản xuất của người dân nơi đây. Anh Thào Nỏ Cho, Trưởng thôn Khán Trồ, người trực tiếp tham gia mô hình vui vẻ thổ lộ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng 1 vụ ngô, thời gian còn lại trồng rau, trồng đậu nhưng thu nhập không cao. Năm nay trồng ngô vụ 2 cho năng suất rất tốt, thu nhập cao gấp đôi so với trồng đậu, nguồn thu từ cây ngô vụ 2 giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn, có nguồn thức ăn cho phát triển chăn nuôi gia súc. Gia đình tôi đăng ký sang năm tiếp tục trồng ngô vụ 2”. Mặc dù không tham gia mô hình nhưng anh Thào Mí Páo, nhà ở thôn Chúng Chải được tham dự hội nghị tổng kết mô hình ngô vụ 2 vào cuối năm 2012, nhìn thực tế cây ngô vụ 2 cho thu hoạch rất tốt, anh tâm sự: “Thôn mình năm nay không được tham gia mô hình, nhưng bà con thấy cây ngô của dân Khán Trồ tốt, cho quả chắc trong vụ 2 nên tôi và nhiều hộ khác trong thôn mong muốn sang năm được học tập và làm theo để cuộc sống no ấm hơn”. Ngoài ý nghĩa chuyển đổi tập quán canh tác của người dân trên địa bàn thì mô hình cũng đã xây dựng được phương thức canh tác, công thức luân canh gieo trồng khoa học nhất nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng khí hậu, tăng hệ số sử dụng đất (từ 1 vụ lên 2 vụ, năng suất thấp tăng lên năng suất cao) đối với xã Thắng Mố nói riêng và các xã tương đồng điều kiện trên các huyện vùng cao nói chung. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với kết quả khả quan từ mô hình cho thấy việc phát triển cây ngô vụ 2 rất khả quan, hứa hẹn hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân Thắng Mố. Và từ thực tế mô hình nên nhiều hộ dân trên địa bàn đã đăng ký trồng ngô lai NK 4300 và đăng ký trồng ngô vụ 2, hiện tại bà con đã đăng ký khoảng 2,7 tấn giống ngô NK 4300, tương đương khoảng gần 400 ha làm giống trồng trong năm 2013”.
Trong niềm vui của một mùa Xuân mới đang về, người dân Thắng Mố kỳ vọng cây ngô vụ 2 sẽ giúp gia đình mình ấm no hơn trong năm mới 2013.
Ý kiến bạn đọc