Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
HGĐT - Chiều 14.1, BCĐ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiếp pháp 1992 của tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó BCĐ; Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Hà Giang, Phó trưởng BCĐ. Dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố ở 11 điểm cầu trực tuyến.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp 1992
Tại hội nghị, các đại biểu được quán triệt Chỉ thị số 22/CT-TW, ngày 28.12.2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; báo cáo nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo kế hoạch tổ chức phổ biến, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phân công nhiệm vụ của BCĐ tỉnh, nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiếp pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến BCĐ qua Sở Tư pháp (cơ quan giúp việc của BCĐ tổng hợp); thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang Thông tin Điện tử tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tỉnh bắt đầu từ ngày 10.1.2012 đến hết ngày 10.3.2012. Hội nghị cũng phổ biến kế hoạch cụ thể trong việc tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ cho thành viên BCĐ cấp tỉnh cũng như phổ biến các điều kiện đảm bảo như nguồn kinh phí, tài liệu phục vụ lấy ý kiến nhân dân…
Kết luận hội nghị, đồng chí Vương Mí Vàng nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp 1992. Với ý nghĩa quan trọng đó, đồng chí đề nghị các thành viên BCĐ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiếp pháp 1992 của tỉnh; các cơ quan, ban ngành của tỉnh; huyện, thành phố…cần nghiêm túc triển khai nội dung, hình thức theo đúng kế hoạch, sát với điều kiện, tình hình thực tế. Đặc biệt, thời gian lấy ý kiến ngắn lại nằm trong dịp Tết Nguyên đán nên các ngành, các cấp cần thực hiện theo đúng thời gian quy định như đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng chí cũng đề nghị các thành viên BCĐ cấp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân ở các cơ quan, ban ngành, huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, của các ngành, các cấp để tổng hợp gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng chí cũng đề nghị Cổng Thông tin Điện tử tỉnh, Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh trên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đến các tầng lớp nhân dân, mở chuyên trang, chuyên mục để kịp thời phản ánh những ý kiến thảo luận, đóng góp ý kiến của nhân dân.
Khánh Toàn
Ý kiến bạn đọc