Sơ kết giai đoạn 1 Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội của Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn Hà Giang”
HGĐT- Sáng 25.12, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện giai đoạn 1 Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn Hà Giang”. Đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự có các đồng chí: Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phó Bí thư các huyện, thành phố; các giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đồng chí Vương Mí Vàng phát biểu tại hội nghị.
Qua gần 2 năm triển khai Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn Hà Giang”, Ban Quản lý Đề án chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hoàn thành các nhiệm vụ trong giai đoạn 1. Nhiệm vụ trọng tâm đã triển khai đó là hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng ủy và các đồng chí đảng viên ở các xã thực hiện thí điểm Lùng Tám, Đông Hà (Quản Bạ), Đức Xuân, Bằng Hành (Bắc Quang); tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn Hà Giang”; biên soạn, hoàn thành cuốn tài liệu “Đảng ủy cơ sở lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội”; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá trình độ kiến thức, kỹ năng lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội cho đội ngũ đảng ủy viên ở các xã. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong giai đoạn 1 thực hiện Đề án vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Trình độ của một số cấp ủy viên ở xã còn hạn chế; ý thức tự giác học tập, nghiên cứu cuốn tài liệu “Đảng ủy cơ sở lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội” theo hướng dẫn của Ban quản lý đề án chưa tốt; kinh phí thực hiện một số công việc chưa sát với thực tế; công tác báo cáo tình hình chưa thường xuyên…
Kết luận hội nghị, đồng chí Vương Mí Vàng khẳng định việc triển khai, thực hiện Đề án có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội của cấp ủy Đảng cơ sở cũng như với các đảng viên. Những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 đã khẳng định tính cần thiết để tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 ở 11 huyện, thành phố. Để Đề án được triển khai, thực hiện có hiệu quả trong những năm tới, đồng chí đề nghị: Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành các quyết định để triển khai giai đoạn 2 ở 9 huyện, thành phố còn lại; xem xét, kiện toàn nhân sự Ban Quản lý Đề án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; cần cân đối, bố trí, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được phê duyệt, đồng thời dự toán kinh phí giai đoạn 2 sát với thực tế; tổ chức quản lý, điều hành và ban hành các văn bản cụ thể hóa nhiệm vụ giai đoạn 2 theo lộ trình. Với các huyện, thành phố, cần phân công Thường trực Huyện ủy, Thành ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở các xã được lựa chọn. Đồng thời phối hợp với BQL Đề án của tỉnh để triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Đồng chí cũng mong muốn các giảng viên Học việc Chính trị - Hành chính Quốc gia tiếp tục có sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện Đề án ở tỉnh Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc