Những tín hiệu vui từ năm 2012
HGĐT- Tờ lịch cuối cùng của năm 2012 đã gỡ xuống, nhường chỗ cho ngày đầu tiên của năm 2013, năm “bản lề” cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã đi, những việc đã làm và kết quả đạt được trên các lĩnh vực để cùng cảm nhận về 365 ngày vừa đi qua của một năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hà Giang đã từng bước vững chắc vượt lên, có nhiều tín hiệu vui khi bước sang năm mới.
Kiểm tra chất lượng giống lúa mới trồng khảo nghiệm tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên). Ảnh: TUẤN ANH
Là một tỉnh nghèo, vùng cao, biên giới nên nhiều năm qua, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh vẫn được xác định là phải năng động sáng tạo, phát huy cao nhất mọi nguồn nội lực, tranh thủ hiệu quả nhất sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và bạn bè cả nước cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đường biên mốc giới, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Kết quả của năm 2012 trên các lĩnh vực đem lại cho mỗi chúng ta sự cảm nhận rõ nét về nỗ lực, lòng quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cho mục tiêu chung. Tốc độ tăng trưởng đạt 10,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,1 triệu đồng, tổng sản lượng lương thực có hạtđạt 369.686 tấn, độ che phủ rừng đạt 55,6%, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 2.514,3 triệu đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 4.044,3 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 352 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn trên 1.217 tỷ đồng, tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,13%, trong năm đã giải quyết việc làm cho 15.500 lao động, có 8.200 hộ đã thoát nghèo (giảm 5,32% so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 30,06%... Những con số trên nghe khô khan nhưng tràn đầy sức thuyết phục, vì đó chính là thành quả của sức mạnh đoàn kết, sự hòa quyện của ý Đảng - lòng dân, sự góp sức chung tay của cán bộ, đảng viên cùng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.
Thực tiễn sôi động với rất nhiều điều không thuận lợi trong năm 2012 đã tác động đến cách nghĩ, cách làm của người Hà Giang – Đó là tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế đến đầu tư công, đến công việc và nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu dành cho việc thanh toán các công trình hoàn thành từ các năm trước; trong lĩnh vực nông nghiệp thì thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới triển khai khá đồng bộ nhưng vẫn chậm tiến độ vì nguồn vốn chưa kịp thời... Từ trong gian khó, thử thách đó, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã xác định cho mình: Khi đứng trước khó khăn cần chủ động, khôn khéo để tìm ra cách đi phù hợp.
Ngay từ đầu năm, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án chuyên đề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và các Nghị quyết của T.Ư đã được cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể. Đã thực hiện phân cấp giao quyền chi tiết, cụ thể, gắn liền với cơ chế trách nhiệm để cấp huyện, cấp xã chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, hài hòa trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để khắc phục, đi đến xóa bỏ tình trạng cửa quyền, gây khó khăn cho nhân dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có nhiều biện pháp khơi dậy, định hướng đúng để phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân, có cơ chế cụ thể để người dân được tham gia vào các nội dung, công đoạn – được bàn, được làm, được kiểm tra, được hưởng lợi từ các trương trình, dự án tại địa phương; cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân và các thành phần kinh tế mạnh dạn, chủ động, sáng tạo trong việc đầu tư vốn và các nguồn lực khác để XĐGN, phát triển KTXH, làm giàu chính đáng cho bản thân và cho xã hội. Phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động nguồn lực trong dân, trong các thành phần kinh tế đã thực sự trở thành phong trào xã hội, tạo sự cuốn hút, lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ: Rất nhiều công trình tình nghĩa, xóa nhà tạm hộ nghèo, nhà đại đoàn kết, đường đại đoàn kết. Đặc biệt trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đang diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, thì vai trò tham gia, sự vào cuộc và công sức, tiền, của đóng góp của người dân là hết sức to lớn, góp phần quan trọng cho kết quả giai đoạn đầu tiên của chương trình – Trong tổng nguồn vốn của chương trình 118,2 tỷ đồng thì vốn ủng hộ của doanh nghiệp, cá nhân và ngày công đóng góp của nhân dân là 32,2 tỷ đồng, chiếm gần 30%.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã tập trung cho nâng cao chất lượng thâm canh, đưa giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của thị trường hàng hóa vào sản xuất, gắn liền với xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các huyện; đối với chăn nuôi, đàn trâu ở các huyện vùng thấp, đàn bò, dê ở vùng cao đều đã từng bước thực hiện đưa con giống tốt, có chất lượng cao để cải tạo đàn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất tại chỗ, vừa đáp ứng nhu cầu hàng hóa theo thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm trực tiếp và qua chế biến từ lúa, ngô, cây, con, các sản phẩm từ rừng, từ các loại hình sản xuất của kinh tế nông, lâm nghiệp trong tỉnh; công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng mới được quan tâm chú trọng, tỷ lệ che phủ rừng được nâng lên, đạt 55,6%.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản có sự khởi sắc, đã khánh thành đưa vào hoạt động các nhà máy thủy điện Sông Chừng, Thanh Thủy 2, Sông Miện 5, Bát Đại Sơn, Nho Quế 3, Sông Chảy 5, Nậm An; các nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên, Sàng Thần; chế biến thiếc - Vonfram Hố Quáng Phìn... Các nhà máy trên đi vào sản xuất đóng góp tích cực cho tăng trưởng công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ về khắc phục đầu tư dàn trải, nợ đọng XDCB ở các địa phương, tỉnh đã kiểm tra, rà soát các đầu điểm công trình, để điều chỉnh kế hoạch, điều chỉnh vốn ngay từ đầu năm, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, mặc dù quá nhiều khó khăn về vốn, nhưng cơ bản các công trình XDCB vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Đặc biệt đến nay, các hồ chứa nước vùng cao giai đoạn 1 đều đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân trong mùa khô cạn, bước đầu giải quyết có kết quả tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho người và gia súc của 4 huyện vùng cao nguyên đá.
Sau hai năm được công nhận là thành viên hệ thống Công viên Địa chất Toàn cầu, với sự vào cuộc quyết liệt của chúng ta, Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực sự chuyển mình, với rất nhiều sự đổi thay mạnh mẽ. Trước tiên là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, rồi đến sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của mỗi người dân, bằng công tác quy hoạch, tuyên truyền, vận động gắn liền với chế độ, chính sách, việc làm cụ thể, thời gian chưa dài, nhưng đã thật sự tạo nên vóc dáng mới cho cao nguyên; cùng với sự hùng vĩ, choáng ngợp của thiên nhiên là sự mời gọi nồng ấm, cuốn hútcủa người dân nơi đây dành cho du khách thông qua các điểm dừng chân, các khu di tích, những nét đẹp dân dã tình người của phong tục tập quán. Cả năm, có khoảng 380.000 lượt khách du lịch, trong đó khách Quốc tế trên 90.000 lượt đã đến Hà Giang, tăng 15% so với năm 2011. Đó chính là niềm vui, củng cố cho chúng ta niềm tin thành công khi xác định phát triển du lịch, dịch vụ trên nền của hệ thống cửa khẩu và Công viên Địa chất Toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn sẽ là một trong những thế mạnh cơ bản nhất tạo nên đột phá cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Đồng thời với những tín hiệu vui từ nền kinh tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, giải quyết các vấn đề xã hội và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đều có những bước tiến cụ thể, vững chắc - đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tỷ lệ hộ trung bình và khá, giàu tăng lên.
Những thành quả trên đã giúp chúng ta cảm nhận và thấy rõ tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; khẳng định vai trò lãnh đạo, điều hành, kiểm tra và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị cho mục tiêu chung. Đó cũng là kết quả của phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong tỉnh học tâp và làm theo gương Bác kính yêu, tất cả cho mục tiêu: Xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, làm giàu chính đáng, đưa Hà Giang phát triển ngang bằng các tỉnh ở khu vực trong thời gian gần nhất. Kết quả đó chính là hành trang lớn nhất, là tín hiệu vui của năm 2012 chuyển giao cho năm mới 2013.
Ý kiến bạn đọc