Tư vấn đầu tư hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao
HGĐT - Ngày 25.10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn đầu tư hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, các nhà khoa học thuộc Viện khoa học Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), Viện khoa học Địa chất (Bộ TN-MT).
Từ năm 2007 đến nay, tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc đã có 91 hồ chứa nước được xây dựng với dung tích chứa 516.497 m3, cấp nước sinh hoạt cho 55.627 người (10.114 hộ). Quá trình thi công, đưa vào sử dụng hồ chứa nước cho thấy, các hình thức thu, tích nước khá phù hợp. Dự án xây dựng hồ chứa nước đã mang lại hiệu quả KT-XH to lớn, mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống của người dân, giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án đầu tư hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt giai đoạn 2012-2020 với quy mô 293 hồ, tổng dung tích 938.800 m3. Trong đó, giai đoạn 2013-2014 xây dựng 99 hồ, giai đoạn 2015-2020 xây dựng 194 hồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận Hội nghị.
Các nhà khoa học, lãnh đạo các ngành, huyện dự hội nghị đều khẳng định những tác động to lớn của việc xây dựng hồ chứa nước đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, việc triển khai thời gian vừa qua bộc lộ một số bất cập như: Chất lượng hồ chưa cao, suất đầu tư lớn, nước hồ ô nhiễm do nguồn vào không đảm bảo và ý thức sử dụng, bảo vệ của người dân chưa cao. Các nhà khoa học cũng lưu ý một số vấn đề đó là, không nên xây hồ trên nền đất có hang động; xây dựng mối liên kết giữa các hồ nhằm tạo nguồn nước ổn định lâu dài; tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước hồ chứa.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng các công trình hồ chứa nước sinh hoạt giai đoạn tới phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm chi phí, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, hiệu quả sử dụng cao, phù hợp điều kiện từng địa phương. Vị trí xây dựng hồ phải được sự thống nhất, đồng tình của nhân dân khu vực hưởng lợi; dung tích chứa phù hợp với nhu cầu dùng nước; chính quyền địa phương có trách nhiệm vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ hồ chứa. Việc thiết kế, xây dựng hồ phải đặc biệt chú ý đến yếu tố chất lượng, mỹ thuật; nguồn nước phải được xử lý thô trước khi đưa vào hồ; mỗi hồ cần có bể hoặc hồ chứa nhỏ bên ngoài hồ chính để người dân lấy nước; chú trọng việc tập huấn vận hành, quản lý cho người dân trước khi bàn giao hồ; các huyện dành ngân sách hàng năm để duy tu, bảo dưỡng hồ chứa nước, lựa chọn 1-2 hồ thực hiện thí điểm công nghệ mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tham mưu thành lập, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Đề án xây dựng hồ chứa nước, đề xuất phương án quản lý hồ sao cho hợp lý.
Ý kiến bạn đọc