Một số suy nghĩ về: Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Ban Bí thư ban hành qui định số 101-QĐ/TW ngày 07.6.2012 “Qui định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” đây là những qui định chỉ rõ những việc làm cụ thể phải nêu gương để góp phần giải quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; khẳng định tầm quan trọng của việc làm gương. Để thực hiện “nêu gương”, cán bộ, Đảng viên phải nắm vững một số vấn đề sau đây:
Vấn đề thứ nhất: Cần phải xác định rõ đối tượng có trách nhiệm nêu gương theo qui định số 101-QĐ/TW:
Một là: Cán bộ, đảng viên nêu gương trước nhân dân, như Điều lệ Đảng cộng sản Việt
“Đảng viên Đảng cộng sản Việt
Hai là: Cán bộ chủ chốt các cấp làm gương trước cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trước tiên, phải xác định cán bộ chủ chốt các cấp là bao gồm từ cấp trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản, các cơ quan đơn vị. Cán bộ chủ chốt các cấp bao gồm Bí thư, Phó bí thư cấp ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND các cấp; Giám đốc, Phó giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể, trưởng, phó phòng, ban trong các sở, ngành của tỉnh và cấp huyện, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, phường, thị trấn; thôn, bản, tổ dân phố tuy không phải là một cấp hành chính nhưng trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng dân phố là người lãnh đạo chủ chốt ở khu dân cư... đều là cán bộ chủ chốt các cấp, do đó phải có trách nhiệm nêu gương trước quần chúng nhân dân.
Vấn đề thứ hai: Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp cần phải hiểu rõ và nắm vững những nội dung phải nêu gương theo Qui định số: 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI đó là trách nhiệm nêu gương thể hiện trong 7 lĩnh vực chủ yếu:
Một là: Nêu gương về tư tưởng, chính trị:
Cán bộ, đảng viên phải nêu gương thường xuyên học tập, nghiên cứu, nắm vững tư tưởng, tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng trong việc đánh giá thực tiễn, lãnh đạo, quản lý trong điều kiện mới; để trang bị cho bản thân phương pháp nhìn nhận, đánh giá những sự vật, hiện tượng đang vận động theo qui luật. Bản thân cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước – cụ thể là nghị quyết của chi bộ mà đảng viên đang sinh hoạt và các qui định của cơ quan mà bản thân đang lao động, học tập và công tác, đồng thời phải chủ động tuyên truyền về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân; phải biết sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung của Đảng và của nhân dân...
Hai là: Nêu gương về đạo đức, tác phong, lối sống:
Trước tiên, phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc qui định về những điều đảng viên không được làm do BCH Trung ương qui định. Gương mẫu trong đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí, khi bản thânhoặc cán bộ, đơn vị mình phụ trách có khuyết điểm, hay đơn vị mình chưa hoàn thành nhiệm vụ... phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về bản thân mình, không đổ lỗi cho tập thể hoặc đổ lỗi cho “khách quan” và phải có biện pháp tích cực, hữu hiệu để nhanh chóng khắc phục, sửa chữa; phải luôn khiêm tốn học hỏi, giản dị, biết tự trọng, sâu sát với thực tiễn công việc và thực tế tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, nhất là ngay trong cơ quan, đơn vị mình, thực sự dân chủ, cởi mở; không vụ lợi, không để người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi về vật chất và tinh thần.
Ba là: Nêu gương về tự phê bình và phê bình:
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu gương về tự phê bình và phê bình; trong khi tự phê bình và phê bình phải trung thực, cầu thị, tự giác, chân thành, công tâm, thẳng thắn, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, phải rèn luyện quan điểm phê bình giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp chính là tự giúp đỡ mình; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện né tránh, chạy theo thành tích đồng thời chống những biểu hiện lợi dụng phê bình để bịa đặt với động cơ làm giảm uy tín người khác; khi có khuyết điểm phải tự giác nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa.
Bốn là: Trong quan hệ với các tầng lớp nhân dân:
Phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, chủ động đối thoại với nhân dân, tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân và với cán bộ dưới quyền mình, luôn rèn luyện ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, làm việc công tâm, trung thực, khách quan và cầu thị, những vấn đề mà cán bộ, nhân dân chưa hiểu, làm chưa đúng thì phải giải thích, hướng dẫn có tình, có lý để họ tự giác thực hiện; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú; gương mẫu kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và cán bộ dưới quyền.
Năm là: Phải gương mẫu nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác: Sự gương mẫu phải được thể hiện là tận tụy, sâu sát, nắm vững nội dung, sáng tạo tìm tòi phương pháp để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả nhất, lãnh đạo đơn vị đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị; luôn tự mình làm gương và vận động những người xung quanh mình, dám nghĩ, chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, không dựa dẫm hoặc ỷ lại, khi có thiếu sót thì không đổ lỗi cho khách quan, cho người khác mà bản thân phải có quyết tâm khắc phục; làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc, không tham lam địa vị, danh lợi, chạy theo thành tích; chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm...
Sáu là: Phải gương mẫu trong rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật lao động: Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung - dân chủ, phát huy dân chủ rộng rãi phải gắn với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị, gương mẫu chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, sự phân công, điều động của tổ chức, gương mẫu thực hiện nề nếp, chế độ sinh hoạt Đảng và đoàn thể, các qui chế, qui định của đơn vị.
Bảy là: Phải gương mẫu thể hiện hết lòng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong cơ quan, địa phương về mọi mặt: Xây dựng đoàn kết nội bộ, quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân ở địa phương, đơn vị mình, công tâm với cán bộ dưới quyền, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống một cách chân thành, thẳng thắn, cởi mở, bảo vệ uy tín chính đáng của đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; gương mẫu trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đoàn thể; gương mẫu trong kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ và trong nhân dân.
Vấn đề thứ ba: Nắm vững và hiểu rõ những nội dung làm gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp là một hệ thống thống nhất, thể hiện tính toàn diện của người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện 7 nội dung làm gương là yêu cầu cấp thiết đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Tuy nhiên, việc làm gương không chỉ nói chung chung mà mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xây dựng cho mình kế hoạch “làm gương”, tự lựa chọn những nội dung nào mà bản thân thấy yếu nhất thì phải thực hiện trước, làm nền tảng cho thực hiện những nội dung tiếp theo, tự xây dựng cho bản thân “lộ trình” thực hiện “làm gương” để dần từng bước hoàn thiện mình.
Vấn đề thứ tư: Việc thực hiện làm gương phụ thuộc rất lớn vào tính tự giác, lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, tự nguyện, tự giác làm gương là yếu tố mang tính quyết định; tập thể đóng vai trò giúp đỡ thông qua việc giám sát, góp ý, đánh giá là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thiện tấm gương của bản thân mình. Chỉ có tự giác nêu gương mới có thể trở thành một đảng viên cộng sản chân chính.
Ý kiến bạn đọc